Xã hội

Covid-19 ngày 23/11: Cả nước có 11.132 ca mới, trong đó 6.010 ca cộng đồng

23/11/2021, 18:20

Tình hình dịch Covid-19 ngày 23/11: Cả nước ghi nhận 11.132 ca mới; 167 ca tử vong tại TP.HCM và 19 tỉnh, thành phố.

Tin tức Covid-19 mới nhất hôm nay

Tính từ 16h ngày 22/11 đến 16h ngày 23/11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 11.132 ca nhiễm mới, trong đó 6 ca nhập cảnh và 11.126 ca ghi nhận trong nước (tăng 827 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 6.010 ca trong cộng đồng).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP.HCM (1.204), Bà Rịa - Vũng Tàu (709), Bình Dương (698), Tây Ninh (600), Đồng Tháp (597), Đồng Nai (571), Bình Phước (509), Vĩnh Long (505), Bình Thuận (493), Bạc Liêu (474), Sóc Trăng (395), Cần Thơ (354), Kiên Giang (350), An Giang (320), Trà Vinh (295), Hà Nội (260), Cà Mau (252), Bến Tre (236), Hậu Giang (195), Khánh Hòa (172), Thừa Thiên Huế (160), Long An (145), Tiền Giang (112), Bình Định (111), Bắc Ninh (99), Quảng Nam (95), Nghệ An (92), Hà Giang (79), Đắk Lắk (75), Vĩnh Phúc (70), Đà Nẵng (65), Quảng Ngãi (65), Lâm Đồng (65), Ninh Thuận (57), Đắk Nông (56), Thanh Hóa (52), Phú Yên (51), Thái Bình (50), Quảng Bình (46), Gia Lai (45), Quảng Ninh (44), Nam Định (40), Hòa Bình (35), Hà Tĩnh (32), Tuyên Quang (28), Phú Thọ (27), Bắc Giang (24), Hà Nam (22), Hải Dương (19), Hưng Yên (16), Quảng Trị (15), Lạng Sơn (10), Cao Bằng (7), Ninh Bình (6), Kon Tum (6), Điện Biên (4), Lào Cai (4), Sơn La (3), Thái Nguyên (2), Hải Phòng (2), Yên Bái (1).

Ngày 23/11, Sở Y tế Bình Dương đăng ký bổ sung thông tin cho 28.000 ca nhiễm trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi tỉnh Bình Dương rà soát và thu thập đầy đủ thông tin của các ca nhiễm COVID-19 đã được lấy mẫu từ những ngày trước đó.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: TP. Hồ Chí Minh (-343), Cần Thơ (-181), Đắk Lắk (-91).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bà Rịa - Vũng Tàu (+310), Bình Phước (+232), Vĩnh Long (+198).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 10.070 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.143.967 ca nhiễm, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 150/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 11.607 ca nhiễm). Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.110.836 ca, trong đó có 908.493 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 1.034 ca Tổng số ca được điều trị khỏi: 911.310 ca Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.295 ca, trong đó, thở ô xy qua mặt nạ: 3.647 ca, Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.020 ca; Thở máy không xâm lấn: 163 ca; Thở máy xâm lấn: 456 ca; ECMO: 9 ca.

167 ca tử vong tại TP.HCM và 19 tỉnh, thành phố

Từ 17h30 ngày 22/11 đến 17h30 ngày 23/11 ghi nhận 167 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (62), An Giang (28), Bình Dương (12), Đồng Nai (11), Long An (9), Kiên Giang (7), Cần Thơ (7), Tây Ninh (6), Tiền Giang (5), Đồng Tháp (3), Vĩnh Long (3), Cà Mau (3), Bà Rịa - Vũng Tàu (2), Bến Tre (2), Sóc Trăng (2), Quảng Ngãi (1), Trà Vinh (1), Lâm Đồng (1), Ninh Thuận (1), Bạc Liêu (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 121 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 24.118 ca, chiếm tỷ lệ 2,1% so với tổng số ca nhiễm. So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong 24 giờ qua đã thực hiện 115.555 xét nghiệm cho 244.547 lượt người.

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 25.148.019 mẫu cho 66.370.020 lượt người. Trong ngày 22/11 có 2.006.892 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm.

Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 110.917.609 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 67.337.689 liều, tiêm mũi 2 là 43.579.920 liều.

Huế ghi nhận số ca mắc Covid-19 "kỷ lục", có 93 ca cộng đồng

Tối 23/11, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, vừa ghi nhận thêm 159 ca bệnh khẳng định dương tính SARS-CoV-2.

Đáng chú ý, ngoài 21 trường hợp phát hiện tại khu cách ly tập trung, 6 trường hợp tại khu phong tỏa, 1 trường hợp tại chốt kiểm soát, 37 ca là F1 đang cách ly tại nhà và 1 ca là F2 đang cách ly tại nhà, có đến 93 ca phát hiện tại cộng đồng.

img

Ngày 23/11, Thừa Thiên Huế ghi nhận thêm 159 ca mắc Covid-19, trong đó có 93 ca cộng đồng- đây là ngày có số ca mắc cũng như số ca cộng đồng cao “kỷ lục” nhất tại tỉnh này từ trước đến nay. (Ảnh minh họa)

Đây là ngày ghi nhận số ca mắc cũng như số ca phát hiện tại cộng đồng cao “kỷ lục” tại Thừa Thiên Huế từ trước đến nay.

Trong 159 ca mới ghi nhận trên, tại TP Huế, riêng tại TP Huế có 99 ca, huyện Phú Lộc 25 ca, thị xã Hương Trà 20 ca, thị xã Hương Thủy 3 ca, huyện Phú Vang 6 ca, huyện Quảng Điền 4 ca, huyện Phong Điền 1 ca và huyện A Lưới 1 ca.

Trước đó, trong 2 ngày 21 và 22/11, tại tỉnh Thừa Thiên Huế liên tiếp ghi nhận thêm số ca mắc Covid-19 mới trên 100 ca/ngày.

Cụ thể, ngày 21/11, tỉnh Thừa Thiên Huế ghi nhận thêm 119 ca bệnh khẳng định dương tính SARS-CoV-2; trong đó phát hiện tại khu cách ly tập trung 1 ca, tại khu phong toả 20 ca, tự theo dõi sức khỏe tại nhà 1 ca, giám sát y tế tại nhà 2 ca, F1 đang thực hiện cách ly tại nhà 37 và tại cộng đồng 58 (trong đó có 1 ca sàng lọc tại cơ sở y tế).

Ngày 22/11, tỉnh Thừa Thiên Huế ghi nhận thêm 111 ca bệnh khẳng định dương tính SARS-CoV-2; trong đó phát hiện tại khu cách ly tập trung 20 ca, tại khu phong toả 17 ca, giám sát y tế tại nhà 2 ca, F1 đang thực hiện cách ly tại nhà 15 ca, F2 đang thực hiện cách ly tại nhà 1 ca và tại cộng đồng 56 ca.

Trong 56 ca phát hiện tại cộng đồng ngày 22/11, riêng "điểm nóng" TP Huế có 56 ca, thị xã Hương Thủy 3 ca, huyện Phú Vang 2 ca, huyện Nam Đông 2 ca, huyện Phú Lộc 1 ca và thị xã Hương Trà 1 ca. Còn trong 58 ca phát hiện tại cộng đồng ngày 21/11, riêng TP Huế có 50 ca, thị xã Hương Trà 6 ca và thị xã Hương Thủy 2 ca.

Tính đến nay (23/11), toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 2.555 ca F0. Hiện đang điều trị 1.085 ca, đã được điều trị khỏi 1.465 ca (trong ngày 76 ca), tử vong 5 ca. 13 trường hợp đang cách ly tại Trung tâm Y tế địa phương đối với các ca có triệu chứng nghi ngờ.

664 trường hợp đang cách ly tập trung, trong đó F1 là 589 trường hợp, người từ Lào về 75 trường hợp.

6.301 trường hợp đang cách ly tại nhà, trong đó, F1 là 3.855 trường hợp, F2 là 2.359 trường hợp, người từ vùng đỏ về chưa tiêm đủ liều vắc xin 4 trường hợp và người từ vùng cam về chưa tiêm đủ liều vắc xin 83 trường hợp.

2.320 đang giám sát y tế tại nhà và 1.651 trường hợp đang tự theo dõi sức khỏe tại nhà.

Hà Nội nêu lý do chưa cách ly F1 tại nhà ở 4 quận

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã chính thức ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện cách ly y tế tại nhà cho đối tượng F1 (người tiếp xúc gần ca bệnh Covid-19).

Tuy nhiên, trong hướng dẫn của Hà Nội, phạm vi áp dụng cách ly tại nhà cho F1 là địa bàn toàn TP, trừ 4 quận trung tâm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng.

img

Việc chưa cách ly F1 tại 4 quận nội đô vì đây là khu vực cần phải áp dụng các biện pháp đặc biệt.

Lý giải việc này, cơ quan chức năng Hà Nội cho biết, trên cơ sở tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia và căn cứ tình hình dịch thực tế trên địa bàn, với đặc điểm của 4 quận nội thành, việc Hà Nội chưa áp dụng cách ly đối với F1 tại 4 quận lõi là do: Các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng là nơi tập trung trụ sở của các cơ quan của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn…; là nơi có mật độ dân cư cao, tập trung nhiều hoạt động giao lưu, giao thương kinh tế với tần suất cao để phát triển kinh tế xã hội.

Vì vậy đây là khu vực có tầm quan trọng đặc biệt và cần phải áp dụng các biện pháp đặc biệt để bảo vệ an toàn tuyệt đối về an ninh, trật tự cũng như dịch bệnh.

Trước mắt TP Hà Nội chủ trương không điều trị F0 tại các bệnh viện Trung ương và TP đặt tại khu vực 4 quận lõi nhằm đảm bảo an toàn cho khu vực này.

Theo cơ quan chức năng Hà Nội, để đảm bảo từng bước thích ứng với dịch bệnh và thận trọng khi tiến hành thực hiện nên đối với 4 quận lõi của Hà Nội tạm thời chưa thực hiện cách ly các trường hợp tiếp xúc gần (F1) tại nhà.

Với 4 nhóm đối tượng, người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người dưới 18 tuổi (trẻ em), áp dụng cách ly tại nhà nếu có đủ các điều kiện theo quy định tại Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Các đối tượng còn lại thực hiện cách ly tập trung do Bộ Tư lệnh Thủ đô quản lý, hoặc cách ly tự nguyện tại các khách sạn được TP cho phép.

Trong thời gian tới, tùy thuộc vào diễn biến của dịch bệnh trên địa bàn, TP sẽ có những điều chỉnh tổng thể phù hợp nhằm kiểm soát dịch bệnh một cách hiệu quả nhất với phương châm sức khỏe và tính mạng của nhân dân là trên hết.

Tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã về các giải pháp phòng, chống dịch chiều 20/11, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, trước đây các trường hợp F1 cách ly tập trung, nhưng hiện nay công tác cách ly F1 sẽ linh hoạt hơn cho phù hợp tình hình thực tế.

Sở Y tế cũng đã có văn bản hướng dẫn về cách ly tại nhà, hướng dẫn chính quyền địa phương, tổ Covid-19 cộng đồng, y tế cơ sở kiểm tra, rà soát. Theo đó, sẽ tổ chức cách ly F1 tại nhà (nếu đủ điều kiện) hoặc tại cơ sở lưu trú hoặc cách ly tập trung.

Giám đốc Sở Y tế cho biết thêm, Hà Nội từng thực hiện tốt cách ly F1, F2 tại nhà đối với một số trường hợp đặc thù (người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai…). Tuy nhiên, công tác này vẫn cần sự phối hợp chặt chẽ, giám sát của chính quyền địa phương, công tác truyền thông cũng như ý thức người dân khi được cách ly tại nhà. Việc cách ly tại nhà cũng sẽ giảm gánh nặng cho cơ quan y tế khi số lượng các F0, F1 tăng…

Phó Bí thư Hà Nội Nguyễn Văn Phong cũng giao Bộ Tư lệnh Thủ đô chịu trách nhiệm về công tác cách ly tập trung F1 ở 4 quận lõi: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng.

3 ngày sau tiêm vắc xin Covid-19, trẻ không nên vận động mạnh

Từ ngày 23/11, tại Hà Nội, trẻ em 15 - 17 tuổi sẽ được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Việc tiêm chủng được triển khai tại các trường học đối với trẻ em đang đi học và tại trạm y tế với trẻ em không đi học hoặc học trên địa bàn tỉnh/thành phố khác. Các khuyến cáo làm thế nào để an toàn khi trẻ đi tiêm vắc xin phòng Covid-19 cũng được các phụ huynh rất quan tâm.

img

Sáng nay (23/11), Hà Nội bắt đầu tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em từ 15-17 tuổi đang học tập, sinh sống trên địa bàn.

Theo PGS.TS. Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Phó trưởng ban điều hành chương trình Tiêm chủng mở rộng, trong ít nhất 3 ngày đầu sau tiêm, không nên để trẻ chạy nhảy, hoạt động thể thao quá mức.

PGS Hồng cho biết, phản ứng không mong muốn với trẻ em sau tiêm vắc xin Covid-19 đã được ghi nhận tại một số quốc gia là viêm cơ tim.

“Sau tiêm, các cháu hoạt động mạnh sẽ tăng thêm áp lực cho tim, biểu hiện viêm cơ tim có thể trở nên trầm trọng hơn nếu không may gặp phản ứng phụ này. Theo các số liệu thống kê tới nay, viêm cơ tim xảy ra nhiều hơn ở mũi thứ 2 và xảy ra ở trẻ trai nhiều hơn trẻ gái”, PGS Hồng lý giải. Tuy nhiên, bà Hồng cũng nhấn mạnh, đây là phản ứng rất hiếm gặp.

Bác sĩ Trần Thu Nguyệt (Viện Y học ứng dụng Việt Nam) cũng khuyến cáo, sau khi trẻ tiêm vắc xin phòng Covid-19, phụ huynh động viên và cùng với trẻ ở lại điểm tiêm 30 phút để theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời các phản ứng. Khi trẻ rời khỏi điểm tiêm, gia đình hãy chú trọng theo dõi các dấu hiệu sau đây:

Tự theo dõi sức khỏe sau khi tiêm phòng Covid-19. Thời gian tự theo dõi là 28 ngày sau tiêm chủng, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu.

Khi thấy một trong các dấu hiệu sau, phụ huynh hãy liên hệ ngay với Đội cấp cứu lưu động hoặc đến thẳng bệnh viện (theo số điện thoại hoặc địa chỉ được điểm tiêm chủng cung cấp).

1) Ở miệng: thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi.

2) Ở da: thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da.

3) Ở họng: có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó.

4) Về thần kinh: có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật.

5) Về tim mạch: có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất.

6) Đường tiêu hóa: có dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy.

7) Đường hô hấp: có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái.

Toàn thân:

a. Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường.

b. Đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn.

c. Sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt.

Ngoài ra, phụ huynh cũng cần lưu ý luôn phải có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm vắc xin phòng Covid-19. Không nên để trẻ uống rượu, bia và các chất kích thích, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm vắc xin. Đồng thời, gia đình bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ

Nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm, trẻ được tiếp tục theo dõi, nếu sưng to nhanh cần đi khám ngay. Đặc biệt, trẻ không được bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.

Gia đình thường xuyên đo thân nhiệt cho trẻ. Trường hợp sốt dưới 38,5 độ C, bỏ bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước. Không để nhiễm lạnh và đo lại nhiệt độ sau 30 phút.

Nếu sốt từ 38,5 độ C trở lên, trẻ sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu trẻ không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng, phụ huynh cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.

Ngày 22/11, cả nước ghi nhận 10.321 ca nhiễm mới

Tính từ 16h ngày 21/11 đến 16h ngày 22/11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 10.321 ca nhiễm mới, trong đó 22 ca nhập cảnh và 10.299 ca ghi nhận trong nước (tăng 417 ca so với ngày trước đó) tại 58 tỉnh, thành phố (có 5.647 ca trong cộng đồng).

img

Hơn 304.000 liều vaccine Covid-19 Pfizer được phân bổ để tiêm mũi 1 cho trẻ từ 15 - 17 tuổi trên địa bàn Hà Nội từ hôm nay, 23/11. (Ảnh minh hoạ)

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP. Hồ Chí Minh (1.547), Bình Dương (688), Tây Ninh (564), Cần Thơ (535), Đồng Nai (522), Đồng Tháp (507), Bà Rịa - Vũng Tàu (399), Sóc Trăng (398), Bạc Liêu (388), Bình Thuận (370), Bến Tre (312), Vĩnh Long (307), Bình Phước (277), Hà Nội (260), An Giang (243), Cà Mau (242), Kiên Giang (221), Trà Vinh (202), Hậu Giang (194), Bắc Ninh (181), Khánh Hòa (168), Đắk Lắk (166), Hà Giang (161), Lâm Đồng (134), Bình Định (116), Thừa Thiên Huế (111), Gia Lai (89), Long An (85), Quảng Nam (80), Tiền Giang (77), Nghệ An (70), Đắk Nông (59), Ninh Thuận (59), Thanh Hóa (57), Nam Định (52), Quảng Ngãi (45), Vĩnh Phúc (39), Thái Bình (38), Quảng Ninh (36), Phú Yên (32), Đà Nẵng (32), Hà Tĩnh (30), Tuyên Quang (29), Điện Biên (28), Quảng Trị (26), Hà Nam (24), Hải Dương (17), Bắc Giang (16), Hưng Yên (16), Hòa Bình (11), Kon Tum (11), Phú Thọ (9), Hải Phòng (5), Thái Nguyên (4), Lào Cai (4), Cao Bằng (3), Sơn La (2), Yên Bái (1). -

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bà Rịa - Vũng Tàu (-142), Kiên Giang (-140), Bình Thuận (-123). - Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: TP. Hồ Chí Minh (+282), Cần Thơ (+194), Tây Ninh (+154).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 9.858 ca/ngày.

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam: Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.104.835 ca nhiễm, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 150/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 11.210 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): + Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.099.710 ca, trong đó có 907.459 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. + Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Yên Bái, Bắc Kạn. + Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (457.919), Bình Dương (248.708), Đồng Nai (82.814), Long An (37.409), Tiền Giang (23.944).

Số bệnh nhân khỏi bệnh: - Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 4.776 - Tổng số ca được điều trị khỏi: 910.276 Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.992 ca, trong đó: - Thở ô xy qua mặt nạ: 3.408 - Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.007 - Thở máy không xâm lấn: 129 - Thở máy xâm lấn: 440 - ECMO: 8.

Số bệnh nhân tử vong: Từ 17h30 ngày 21/11 đến 17h30 ngày 22/11 ghi nhận 190 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (109 ca gồm ngày 21/11 (50) ngày 22/11 (59), An Giang (20), Long An (8 ), Bình Dương (7), Tiền Giang (7), Kiên Giang (7), Cần Thơ (6), Đồng Nai (4), Bạc Liêu (4), Sóc Trăng (3), Gia Lai (2), Tây Ninh (2), Đồng Tháp (2), Vĩnh Long (2), Bắc Giang (1), Nghệ An (1), Lâm Đồng (1), Bình Thuận (1), Bến Tre (1), Hậu Giang (1), Cà Mau (1). - Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 110 ca.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 23.951 ca, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca nhiễm. So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ.

So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ. - Trong 24 giờ qua đã thực hiện 119.444 xét nghiệm cho 234.369 lượt người.

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 25.032.464 mẫu cho 66.125.473 lượt người. Trong ngày 21/11 có 1.124.596 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 108.915.813 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 66.916.471 liều, tiêm mũi 2 là 41.999.342 liều.

img

Một khu vực ở phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) bị phong tỏa

Hà Nội: Triển khai cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19

Sở Y tế vừa ban hành Văn bản khẩn số 632/SYT-NVY ngày 21/11 về việc hướng dẫn triển khai cơ sở thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 tại các quận, huyện, thị xã, đề nghị phối hợp chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai thành lập cơ sở thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ.

Thu dung, khám, điều trị cho người bệnh COVID-19 nhẹ, không triệu chứng tại quận, huyện; phát hiện sớm, xử trí cấp cứu, kịp thời chuyển viện khi người bệnh COVID-19 tiến triển ở mức độ vừa và nặng; kiểm soát, ngăn ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2 tại Trạm Y tế lưu động (cơ sở thu dung, điều trị người bệnh COVID-19) và ngăn ngừa lây nhiễm ra cộng đồng.

Đối tượng được thu dung, cách ly, quản lý, điều trị là người bệnh COVID-19 không có triệu chứng là người nhiễm SARS-CoV-2 được khẳng định bằng xét nghiệm Realtime RT-PCR dương tính nhưng không có triệu chứng lâm sàng; người mắc COVID-19 mức độ nhẹ, có viêm đường hô hấp trên cấp tính bao gồm người mắc COVID-19 có các triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu như: sốt, ho, khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi; không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu ô xy, nhịp thở ≤ 20 lần/ phút, SpO2 ≥ 96 % khi thở khí trời (Căn cứ Quyết định số 4689/QĐ-BYT ngày 06/10/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19). Tuy nhiên không tiếp nhận các trường hợp người bệnh COVID-19 là phụ nữ mang thai; người mắc bệnh lý nền.

Tên cơ sở được gọi là Trạm Y tế lưu động do UBND quận/huyện phê duyệt, đồng thời là giấy phép hoạt động (theo hướng dẫn tại Quyết định số 4042/QĐ-BYT). Mô hình tổ chức căn cứ điều kiện thực tiễn của từng quận, huyện, thị xã để đề xuất mô hình tổ chức và ban quản lý điều hành Trạm Y tế lưu động (cơ sở thu dung, điều trị người bệnh COVID-19) phù hợp với tình hình của địa phương.

Các Trạm Y tế lưu động bố trí cơ sở vật chất hạ tầng có khu vực đón tiếp, trạm gác bảo vệ trực 24/24 giờ; bố trí khu điều trị, buồng xử lý dụng cụ có đủ phương tiện cho khử khuẩn…

img

Nhiều ca nhiễm mới tại Hà Nội được phát hiện qua dấu hiệu ho sốt.

Nhiều công nhân KCN Quang Minh xét nghiệm nhanh dương tính SARS-CoV-2

Đại diện UBND huyện Mê Linh (Hà Nội) cho biết, ngày 21/11, địa phương đã phát hiện 87 trường hợp là công nhân Công ty Ch. Ch. (thuộc khu công nghiệp Quang Minh) có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính SARS-CoV-2.

Cũng theo UBND huyện Mê Linh, ngay sau đó, cơ quan y tế đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm lại các trường hợp này và đến sáng nay (22/11), đã có kết quả khẳng định 12 ca dương tính SARS-CoV-2.

"Trong 12 ca F0 là công nhân công ty này, có 4 người ở Mê Linh và 8 người ở Sóc Sơn. Trong ngày hôm qua (21/11), chúng tôi đã yêu cầu tạm dừng hoạt động, phong tỏa toàn bộ công ty này và lấy mẫu xét nghiệm của 320 công nhân", đại diện lãnh đạo huyện thông tin.

Lãnh đạo UBND huyện cho biết thêm, đã ra văn bản gửi các địa phương có liên quan đến số công nhân của công ty này để tiếp tục điều tra, truy vết, thực hiện cách ly nghiêm ngặt.

"Hiện còn một số công nhân đang ở trong công ty, chúng tôi đã yêu cầu phải thực hiện 3 tại chỗ và lập chốt, giao đồn công an tại khu công nghiệp chủ trì đảm bảo việc cách ly nghiêm ngặt", vị này cho biết thêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.