Xã hội

Covid-19 ngày 30/9: Thêm 7.937 ca mắc, riêng TP.HCM và Bình Dương 6.475 ca

30/09/2021, 18:30

Tình hình dịch Covid-19 ngày 30/9 mới nhất: Trong ngày 30/9, cả nước ghi nhận 7.940 ca nhiễm mới, giảm 807 ca so với hôm qua và 159 ca tử vong.

Tin tức Covid-19 mới nhất hôm nay

Bộ Y tế thông tin, tính từ 17h ngày 29/9 đến 17h ngày 30/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 7.940 ca nhiễm mới, trong đó 3 ca nhập cảnh và 7.937 ca ghi nhận trong nước (giảm 807 ca so với ngày trước đó) tại 36 tỉnh, thành phố (có 4.550 ca trong cộng đồng).

img

Liên tục cập nhật thông tin diễn biến dịch Covid-19 trong ngày 30/9.

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP. Hồ Chí Minh (4.372), Bình Dương (2.103), Đồng Nai (626), An Giang (172), Long An (125), Kiên Giang (79), Đắk Lắk (64), Tiền Giang (49), Hà Nam (45), Cần Thơ (41), Tây Ninh (39), Bình Thuận (38), Khánh Hòa (30), Quảng Bình (21), Bình Phước (16), Ninh Thuận (15), Phú Thọ (14), Nghệ An (13), Quảng Ngãi (10), Đắk Nông (10), Đồng Tháp (9), Bình Định (7), Vĩnh Long (6), Bà Rịa - Vũng Tàu (6), Lâm Đồng (5), Phú Yên (4), Bến Tre (3), Bạc Liêu (3), Kon Tum (2), Đà Nẵng (2), Thừa Thiên Huế (2), Quảng Trị (2), Trà Vinh (1), Hà Tĩnh (1), Thanh Hóa (1), Hà Nội (1).

Cập nhật bổ sung mã và thông tin cho 3.417 ca dương tính phát hiện bằng kỹ thuật test nhanh kháng nguyên tại TP. Hồ Chí Minh đã được thông tin vào ngày 28/9/2021 (như vậy tổng số ca nhiễm mới của TP. Hồ Chí Minh vào ngày 28/9/2021 là 3.794 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: TP. Hồ Chí Minh (-327), Bình Dương (-286), Đồng Nai (-273).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: An Giang (109), Đắk Lắk (49), Bình Phước (16).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 8.892 ca/ngày.

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 790.755 ca nhiễm, đứng thứ 44/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.034 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 786.208 ca, trong đó có 603.652 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 25.322, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 608.831 người. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.815 ca.

Trong ngày ghi nhận 159 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (106), Bình Dương (30), An Giang (7), Đồng Nai (6), Kiên Giang (3), Tiền Giang (2), Đồng Tháp (1), Gia Lai (1), Tây Ninh (1), Cần Thơ (1), Quảng Bình (1).

Bổ sung 44 ca tử vong trong thời gian trước đó tại: Bình Dương (28), Long An (14),Quảng Bình (2).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 177 ca.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 19.301 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 30/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 183.434 xét nghiệm cho 343.844 lượt người.

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 18.472.226 mẫu cho 52.690.957 lượt người.

Trong ngày 29/9 có 983.839 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 42.165.168 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 32.669.057 liều, tiêm mũi 2 là 9.496.111 liều.

Bệnh nhân tên P.Đ.T (nam, sinh năm 1972); quê quán: Phù Lưu, Lộc Hà, Hà Tĩnh. Bệnh nhân là người nhà vào chăm sóc người bệnh điều trị tại khoa Ung bướu Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức từ ngày 19/9. Ngày 30/9, được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.

Hà Nội ghi nhận 1 bệnh nhân tại cộng đồng sau nhiều ngày

Như vậy tính từ 18h ngày 29/9 đến 18h ngày 30/9, Hà Nội ghi nhận 1 bệnh nhân tại cộng đồng. Sau 5 ngày không có ca nhiễm Covid-19 tại cộng đồng, thì Thủ đô hôm nay lại ghi nhận ca cộng đồng.

img

Hôm nay, Hà Nội ghi nhận 1 ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng sau nhiều ngày.

Liên quan đến bệnh nhân mắc Covid-19 tên P.Đ.T thì lực lượng chức năng đã tiến hành phong tỏa tòa nhà D của bệnh viện Việt Đức.

Theo điều tra dịch tễ, số người tiếp xúc gần với bệnh nhân này gồm 20 nhân viên y tế, 35 người nhà, 35 bệnh nhân đều đã được lấy mẫu xét nghiệm, đang chờ kết quả.

Hiện Bệnh viện Việt Đức đã tạm thời phong tỏa toàn bộ tòa nhà D của Bệnh viện và lấy mẫu toàn bộ người nhà, bệnh nhân, nhân viên y tế trong tòa nhà, khoảng 1.400 người.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) 3.974 ca, trong đó số mắc ghi nhận ở cộng đồng 1.602 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.372 ca.

Trong 1 ngày, Hà Nam ghi nhận thêm 45 trường hợp nhiễm Covid-19

Cụ thể, theo CDC Hà Nam, sáng ngày 30/9, trên địa bàn ghi nhận 20 trường hợp bệnh nhân Covid-19, trong đó có một trường hợp ở thôn 3, xã Chính Lý, huyện Lý Nhân là phát hiện tại cộng đồng, 19 trường hợp còn lại phát hiện ở khu cách ly tập trung, khu phong tỏa và khu điều trị.

img

Những ngày qua, lực lượng ngành Y tế Hà Nam thần tốc truy vết các F1,F2,F3 để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng (Ảnh CDC Hà Nam)

Đến chiều tối cùng ngày (30/9), trên địa bàn tỉnh tiếp tục ghi nhận 25 trường hợp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Tất cả các ca bệnh này đều được phát hiện ở khu vực cách ly và khu vực đã phong tỏa. Như vậy, trong một ngày, tỉnh Hà Nam ghi nhận 45 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2.

Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Hà Nam đã ghi nhận 306 ca bệnh Covid-19 đã được Bộ Y tế cấp mã kể từ khi ca bệnh BN687.470, ở thôn Lê Lợi, xã Phù vân, TP Phủ Lý có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào chiều ngày 19/9/2021.

Liên quan đến việc phòng, chống dịch Covid-19, tỉnh Hà Nam đã thiết lập biện pháp phong tỏa nhiều khu dân cư để tập trung các lực lượng khoanh vùng, truy vết nhằm bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Bên cạnh đó cũng đẩy mạnh công tác TTKS, xử lý nhiều trượng hợp vị phạm về quy định phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Đơn cử, ngày 28/9/2021 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Phủ Lý đã ký Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng đối với bà M.C.L (35 tuổi, ở phường Hai Bà Trưng, TP Phủ Lý) vì đã trốn khỏi vùng cách ly y tế. Bà L. sau đó được đưa đi cách ly tập trung theo quy định.

TP.HCM bỏ giấy đi đường sau ngày 30/9

Sáng 30/9, TP.HCM tổ chức họp báo công bố chỉ thị của UBND TP về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.

Theo kế hoạch, từ 18h ngày 30/9 nhiều ngành nghề kinh doanh, dịch vụ được hoạt động trở lại như: các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và tư nhân; các cơ sở dịch vụ y tế; các cơ sở kinh doanh dược, mỹ phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế.

img

Tin tức Covid-19 liên tục được cập nhật tại Báo Giao thông ngày 30/9/2021. (Trong ảnh: Người dân "vùng xanh" tự test nhanh Covid-19 tại chốt kiểm soát)

Các hoạt động sản xuất, thương mại, kinh doanh, dịch vụ được hoạt động gồm: doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, Công viên Phần mềm Quang Trung, cụm công nghiệp; doanh nghiệp, hợp tác xã thương mại dịch vụ, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nông, lâm, ngư nghiệp; dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cơ sở thú y, người hành nghề thú y.

Việc hoạt động cũng cho phép với công trình giao thông, xây dựng; cung cấp lương thực, thực phẩm; trung tâm thương mại, siêu thị, siêu thị mini; cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa; chợ đầu mối, chợ truyền thống; xăng, dầu, gas, hóa chất; điện; nước; nhiên liệu; vật liệu; dịch vụ mua bán, sửa chữa, bảo trì các loại xe, máy móc, thiết bị dân dụng, công nghiệp; dịch vụ quản lý, vận hàng, bảo trì, sửa chữa, ứng dụng hệ thống hạ tầng, trang thiết bị của các cơ quan, tòa nhà, chung cư.

Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ được bán hàng mang đi; đối với nhà hàng trong các cơ sở lưu trú, cơ sở nghỉ dưỡng, tham quan du lịch chỉ được phục vụ tại chỗ cho khách lưu trú, tham quan, không tổ chức buffet.

Cơ sở kinh doanh dịch vụ cắt tóc, gội đầu được hoạt động tối đa 50% công suất. Hoạt động của các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự tập trung tối đa 10 người; trường hợp người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 được tập trung tối đa 70 người; Tổ chức đám tang, đám cưới hạn chế tối đa 20 người cùng một thời điểm.

Các hoạt động tiếp tục phải tạm dừng gồm: các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, mít tinh, lễ phát động trừ các trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động; quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử; bán hàng rong, vé số dạo.

Sau 30/9, thành phố không cấp giấy đi đường nữa, sẽ ứng dụng công nghệ thông tin để giảm phiền hà cho người dân nhưng phải đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, người dân không tự ý đi xe cá nhân ra khỏi địa bàn TP HCM, khi thực sự cần thiết thực hiện theo quy định của Sở Giao thông Vận tải. Nếu đi xe cá nhân cũng sẽ không qua được các chốt kiểm soát liên tỉnh.

Người dân khi đi đường sử dụng mã QR của ứng dụng VNEID và ứng dụng "Y tế HCM" có thể hiện lịch sử tiêm vaccine (đến khi ứng dụng PC-COVID chính thức đưa vào hoạt động); trường hợp không có mã QR, xuất trình giấy tờ sau: là F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày; đã tiêm chủng (ít nhất 1 mũi đối với loại vắc xin tiêm 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm) khi được cơ quan chức năng yêu cầu.

Quảng Trị thêm 15 ca nhiễm Covid-19 trong sáng ngày 30/9

Sáng ngày 30/9, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Trị cho biết, trên địa bàn vừa ghi nhận thêm 15 trường hợp dương tính Covid-19

Cụ thể, có 5 trường hợp là F1 của BN 770684 (H.T.B.T) gồm: N.V.C (SN 1988), N.H.N.C (SN 2021), N.H.T.N (SN 2015), N.H.N.H (SN 2019, cùng trú tại P1, Đông Hà) và P.T.K (SN 2021, trú tại Đông Lễ, Đông Hà). 2 trường hợp là F1 của BN 770696 (L.V.H) là N.H.T (SN 2000, trú tại Vĩnh Kim, Vĩnh Linh) và B.X.H (SN 1972, trú tại P1, Đông Hà).

Trường hợp T.T.K.K (SN 1963), T.T.L (SN 1967, cùng trú tại P1, Đông Hà) và T.Q.K (SN 2014, trú tại Cam Thuỷ) lần lượt là F1 của BN766165 (T.H.T), BN732895 (N.T.X.D) và BN770687 (L.P.T.B). Trường hợp N.T.B (SN 1952, trú tại P1, Đông Hà) là F1 của BN667768 (T.T.S) và BN709317 (N.T.T).

img

Quảng Trị ghi nhận thêm 15 ca nhiễm Covid-19 trong sáng ngày 30/9

Bên cạnh đó, có thêm 2 trường hợp là F1 của BN766165 (T.H.T) gồm T.Đ.H (SN 1988, trú tại Đông Lễ, Đông Hà) và T.Đ.L (SN 1992, trú tại P1, Đông Hà). Trường hợp Đ.P.T (SN 1992, trú tại Hải Trường, Hải Lăng) đi ô tô từ tỉnh Bình Phước về Quảng trị, được cách ly tập trung; và L.P.D (SN 1991, trú tại Cam Thuỷ, Cam Lộ) là nhập cảnh từ Lào về.

Trong một diễn biến khác có liên quan, vào ngày 29/9, Công an tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo Công an huyện Cam Lộ điều tra, làm rõ 2 hành vi “xuất nhập cảnh trái phép” và “làm lây lan dịch bệnh” đối với ông L.P.T (SN 1984, nghề nghiệp lái xe, trú thôn Lâm Lang, Cam Thủy). Ông này được công bố dương tính với Covid-19 vào tối ngày 27/9.

Theo đó, ông T. khai báo quanh co. Khi lực lượng chức năng vào cuộc điều tra, trích xuất camera tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị) thì phát hiện người này xuất cảnh qua Lào vào ngày 15/6. Tuy nhiên, không tìm được hình ảnh của ngày về. Đến ngày 25/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch xã Cam Thủy (huyện Cam Lộ) lại phát hiện ông T. có mặt tại nhà.

Liên quan đến ca bệnh L.P.T (BN 766164), đã có thêm 6 F1 được công bố là dương tính với SARS-CoV-2. Đặc biệt, do 2 người cháu của ông T. học tại Trường mầm non Hoa Sen và Trường TH&THCS Cam Thủy nên có 66F1 (gồm 24 cháu mầm non, 36 em lớp 1 và 6 giáo viên) phải đi cách ly tập trung tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Cam Lộ.

6.988 bệnh nhân nặng đang điều trị

Bộ Y tế thông tin, tính từ 17h ngày 28/9 đến 17h ngày 29/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 8.758 ca nhiễm mới, trong đó 14 ca nhập cảnh và 8.744 ca ghi nhận trong nước (tăng 4.161 ca so với ngày trước đó) tại 33 tỉnh, thành phố (có 4.984 ca trong cộng đồng).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP. Hồ Chí Minh (4.699 ca), Bình Dương (2.389), Đồng Nai (899), Long An (132), Sóc Trăng (112), Kiên Giang (82), Tiền Giang (68), An Giang (63), Cần Thơ (42), Hà Nam (36), Khánh Hòa (32), Bình Thuận (29), Tây Ninh (23), Bạc Liêu (22), Quảng Trị (16), Đắk Lắk (15), Ninh Thuận (14), Quảng Bình (13), Cà Mau (12), Bình Định (11), Vĩnh Long (7), Gia Lai (5), Hà Nội (4), Đắk Nông (3), Bến Tre (3), Trà Vinh (3), Bà Rịa - Vũng Tàu (2), Phú Yên (2), Quảng Ngãi (2), Phú Thọ (1), Đồng Tháp (1), Đà Nẵng (1), Hải Dương (1).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bình Dương (-186), An Giang (-169), Tây Ninh (-32).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: TP. Hồ Chí Minh (4.322), Đồng Nai (112), Sóc Trăng (112).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 8.622 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 779.398 ca nhiễm, đứng thứ 44/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 7.919 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 774.854 ca, trong đó có 578.330 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 23.568.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.988 ca, trong đó: - Thở ô xy qua mặt nạ: 4.845 - Thở ô xy dòng cao HFNC: 206 - Thở máy không xâm lấn: 963 - Thở máy xâm lấn: 883 - ECMO: 25

Trong ngày ghi nhận 162 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (113), Bình Dương (33), Đồng Nai (3), An Giang (3), Kiên Giang (2), Long An (2), Đồng Tháp (2), Cần Thơ (1), Cà Mau (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Tiền Giang (1). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 188 ca.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 19.098 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm. So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 30/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 136.653 xét nghiệm cho 311.841 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 18.288.792 mẫu cho 52.347.113 lượt người. Trong ngày 28/9 có 1.097.044 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 41.153.041 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 32.171.641 liều, tiêm mũi 2 là 8.981.400 liều.

Sáng nay, TP.HCM công bố Chỉ thị mới về chống dịch và phục hồi kinh tế

Theo kế hoạch, 9h00 sáng nay (30/9), lãnh đạo UBND TP.HCM công bố Chỉ thị mới về kiểm soát dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn.

Vào lúc 9h00 sáng nay (30/9), lãnh đạo UBND TP.HCM sẽ công bố Chỉ thị mới về các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội trên địa bàn từ 0 giờ ngày 1/10. Theo kế hoạch lúc đầu, sự kiện này sẽ công bố vào tối qua nhưng đã lùi lại đến sáng nay.

Người dân TP.HCM rất nóng lòng chờ đợi thông tin chính thức từ Chỉ thị này, bởi họ muốn biết sau ngày 30/9 người dân sẽ được tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh nào. Việc đi lại sẽ được kiểm soát ra sao, người dân đang mắc kẹt tại các tỉnh có về được TP.HCM hay không?

Vẫn kiểm soát ra vào thành phố

Theo dự thảo "Điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid - 19 và phục hồi kinh tế xã hội” được UBND TP.HCM gửi đến các quận, huyện để lấy ý kiến, thành phố sẽ nới lỏng kiểm soát dịch Covid - 19 trong một số lĩnh vực theo tinh thần giao tự chủ cho các doanh nghiệp thực hiện.

Theo đó, từ 0h00 ngày 1/10/2021 thực hiện từng bước nới lỏng giãn cách xã hội tương ứng với cấp độ được đánh giá theo hướng dẫn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch Covid - 19” của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid - 19.

Dự thảo đưa ra kế hoạch tiếp tục duy trì 12 chốt kiểm soát ra/vào thành phố và 39 chốt tại địa bàn các cửa ngõ giáp ranh với các tỉnh. Các hoạt động vận tải hành khách công cộng đường bộ, đường sắt, đường thuỷ tối đa 50% công suất.

Vận chuyển hàng hoá nội tỉnh, liên tỉnh được hoạt động nhưng phải đảm bảo công tác phòng dịch và phải được cấp mã QR đi vào luồng xanh. Thành phố cũng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền mở một số đường bay quốc tế và trong nước đến, đi từ sân bay Tân Sơn Nhất.

Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, cho phép tổ chức hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời (hội họp, tập huấn, hội thảo…) nhưng tối đa 10 người; trường hợp 100% người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid - 19, nhưng tối đa 50 người.

img

Các hoạt động sản xuất kinh doanh được mở rộng và doanh nghiệp chủ động thực hiện các biện pháp chống dịch theo các bộ quy tắc của những lĩnh vực đã ban hành

Tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh sử dụng toàn bộ lao động trực tiếp có Thẻ xanh Covid được quyền tham gia các hoạt động với điều kiện phải đảm bảo chấp hành bộ quy định an toàn phòng, chống dịch bệnh của ngành Y tế và các Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid - 19 trên các lĩnh vực.

Các cơ sở khám chữa bệnh, phục hồi chức năng; cơ sở kinh doanh dược liệu, trang thiết bị y tế; dịch vụ thẩm mỹ tại các cơ sở như: bệnh viện, phòng khám đa khoa, chuyên khoa được phép hoạt động trở lại.

Theo dự thảo Chỉ thị này, các Trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, tạp hoá, cơ sở bán lẻ; nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; chợ đầu mối, chợ bán lẻ, chợ truyền thống cũng được hoạt động tối đa không quá 50% công suất.

Kiểm soát đi lại bằng "Thẻ xanh Covid"

Người dân khi đến các nơi công cộng như siêu thị, nhà hàng, phương tiện công cộng phải quét mã QR hoặc xuất trình giấy chứng nhận đủ điều kiện lưu thông được gọi là “Thẻ xanh Covid”. Cụ thể, Thẻ xanh Covid áp dụng cho những người là F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày; đã tiêm chủng ít nhất 1 mũi vaccine sau 14 ngày.

Dịch vụ cắt tóc, gội đầu được hoạt động tối đa 50% công suất. Điểm tham quan du lịch, nghỉ dưỡng, bảo tàng hoạt động tối đa 30% công suất.

Những sự kiện thi đấu thể dục thể thao được tổ chức quy mô tối đa 30% công suất và 100% người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid - 19.

Đám cưới tổ chức tối đa 50 người tham dự cùng một thời điểm và có sự giám sát của nhân viên y tế phường. Đám tang tổ chức tối đa 20 người.

Tiếp tục dạy học online, các loại hình đào tạo cho nhóm trên 18 tuổi trở lên đã được tiêm đủ liều vaccine có thể dạy học trực tiếp nếu đảm bảo các tiêu chí an toàn.

Với hoạt động phòng, chống dịch Covid - 19 trên địa bàn TP.HCM cũng có một số thay đổi. Theo đó thành phố sẽ đa dạng hoá nguồn vaccine, huy động mọi nguồn lực để đạt bao phủ vaccine toàn dân sớm nhất.

Tổ chức xét nghiệm giám sát trọng điểm tại các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người, những người có triệu chứng nghi ngờ; Khuyến khích doanh nghiệp, người dân tự làm xét nghiệm test nhanh kháng nguyên khi có triệu chứng nghi ngờ.

Ban hành quy trình phát hiện và xử lý khi có F0 trong cộng đồng và trong khu vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phù hợp với tình hình mới, vừa đảm bảo an toàn vừa không làm gián đoạn các hoạt động. Tiếp tục phát huy hiệu quả của mô hình điều trị 3 tầng, khống chế tỷ lệ tử vong ở mức thấp nhất có thể.

Triển khai nhanh gói hỗ trợ đợt 3 để trợ cấp tối thiểu cho người thực sự khó khăn tại thành phố. Người dân thực hiện nghiêm quy định 5K, giữ khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại nơi công cộng và cả trong không gian làm việc.

Các loại hình tiếp tục dừng hoạt động:

Dự thảo đưa ra các loại hình tiếp tục dừng hoạt động như: Quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử; Các sự kiện, hoạt động văn hoá nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưởng, lễ phát động; Bán hàng rong, vé số dạo.

img

Từ ngày 28/9, Hà Nội cho phép thực hiện một số hoạt động ngoài trời...

Hà Nội, thêm 1 ca dương tính ở quận Long Biên

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 6h đến 12h ngày 29/9, trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 1 ca dương tính mới với vi rút SARS-Cov-2 tại khu phong tỏa.

Ca bệnh mới này ở quận Long Biên, liên quan đến chùm ca bệnh tại tổ 4 phường Việt Hưng. Như vậy, trong sáng 29-9, Hà Nội ghi nhận 2 ca mắc, gồm 1 ca tại khu cách ly và 1 ca tại khu phong tỏa.

Cụ thể, ca mắc Covid-19 vừa được ghi nhận là N.T.T, nữ, sinh năm 1955, địa chỉ tại 15/54 Kim Quan, phường Việt Hưng, quận Long Biên. Bệnh nhân sống trong khu vực phong tỏa, đã được xét nghiệm lần 1 âm tính.

Ngày 28/9, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 2 cho kết quả dương tính. Như vậy, liên quan đến chùm ca bệnh tại tổ 4 phường Việt Hưng, đến nay đã ghi nhận 28 ca dương tính, trong đó có 27 ca tại quận Long Biên và 1 ca tại huyện Gia Lâm.

Cộng dồn từ ngày 29/4 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 3.973 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó, số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.601 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.372 ca.

Về công tác tiêm chủng, chỉ tính riêng các quận, huyện của thành phố Hà Nội đến 12h ngày 19/9 đã tiêm được 27.311 mũi vắc xin phòng Covid-19. Tổng số mũi tiêm của các quận, huyện trên địa bàn thành phố ghi nhận đến thời điểm này là 5.883.912 mũi, trong đó có 5.048.013 mũi 1 và 835.899 mũi 2.

img

Sau hơn 1 tháng cách ly, 0h ngày 29/9, ngõ 328-330 đường Nguyễn Trãi được dỡ phong tỏa.

Hà Nội gỡ phong tỏa ngõ 328-330 đường Nguyễn Trãi từ 0h ngày 29/9

Sau hơn 1 tháng cách ly, vào lúc 0h hôm nay (29/9), ngõ 328-330 đường Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân sẽ được dỡ phong tỏa.

Trước đó, ngày 23/8, quận Thanh Xuân thành lập khu vực cách ly y tế ngõ 328-330 đường Nguyễn Trãi ngay sau khi có thông tin về trường hợp mắc Covid-19 trên địa bàn.

Trước đó, ngày 23/8, Sở Y tế Hà Nội công bố hai mẹ con ở ngõ 330 đường Nguyễn Trãi (phường Thanh Xuân Trung) có kết quả dương tính, đến nay đã có gần 600 ca nhiễm liên quan đến ổ dịch này. Các bệnh nhân chủ yếu tập trung tại ngõ 328-330 Nguyễn Trãi và khu vực lân cận.

Sau đó, ngày 20/9, UBND quận Thanh Xuân tiếp tục ban hành quyết định thành lập khu vực cách ly y tế ngõ 328, ngõ 330 đường Nguyễn Trãi, từ số nhà 326 đến dãy nhà số 328 và dãy nhà số 332 đường Nguyễn Trãi; thời gian cách ly y tế đến 24h ngày 28/9.

Sau hơn 1 tháng cách ly y tế để phòng, chống dịch Covid-19, 0h ngày 29/9, ngõ 328-330 đường Nguyễn Trãi (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) chính thức được gỡ phong tỏa.

Dù kết thúc cách ly y tế vào 12 giờ đêm nay (28/9), tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19; Sở Chỉ huy Phòng chống dịch phường Thanh Xuân Trung đã thông báo tới toàn thể người dân ngõ 328-330 đường Nguyễn Trãi phải theo dõi sức khoẻ bản thân và người thân trong gia đình.

Cùng đó, thường xuyên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng; thực hiện nghiêm nguyên tắc “5K” và theo đúng các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, TP, quận và phường về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trường hợp ho, sốt, cần khai báo y tế ngay qua website tokhaiyte.vn hoặc qua ứng dụng Bluezone hoặc liên hệ với cơ quan y tế để được hướng dẫn.

Đối với người dân khi hết thời gian cách ly tập trung trở về nhà, cần thực hiện cách ly tại nơi lưu trú thêm 14 ngày (đối với những trường hợp F0) hoặc 7 ngày (đối với những trường hợp F1).

Đối với những trường hợp người dân đã đi cách ly tập trung tại 2 khu cách ly Ký túc xá Đại học FPT và Trung tâm Giáo dục Quốc phòng An ninh (Đại học Quốc gia Hà Nội), phải thường xuyên theo dõi sức khỏe bản thân và người thân trong gia đình; nếu có bất kỳ dấu hiệu lâm sàng bất thường nào, phải đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và xử lý kịp thời.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.