Tin tức Covid-19 mới nhất hôm nay
Tính từ 16h ngày 7/12 đến 16h ngày 8/12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 14.599 ca nhiễm mới, trong đó 4 ca nhập cảnh và 14.595 ca ghi nhận trong nước (tăng 760 ca so với ngày trước đó) tại 58 tỉnh, thành phố (có 8.322 ca trong cộng đồng).
Hôm nay ghi nhận số ca mắc mới tại 58 tỉnh, thành phố tăng 760 trường hợp so với ngày hôm qua.
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP HCM (1.475), Tây Ninh (874), Sóc Trăng (781), Bình Phước (747), Bến Tre (740), Đồng Tháp (725), Cần Thơ (676), Bà Rịa - Vũng Tàu (539), Vĩnh Long (525), Cà Mau (511), Khánh Hòa (489), Đồng Nai (461), Bình Dương (455), Trà Vinh (443), Bạc Liêu (438), Kiên Giang (422), Hà Nội (396), Tiền Giang (307), An Giang (279), Hải Phòng (265), Bình Thuận (262), Hậu Giang (248), Bình Định (234), Thanh Hóa (219), Nghệ An (197), Lâm Đồng (181), Bắc Ninh (173), Đà Nẵng (169), Thừa Thiên Huế (163), Gia Lai (135), Hà Giang (109), Đắk Nông (100), Ninh Thuận (87), Long An (77), Hưng Yên (72), Phú Yên (67), Quảng Nam (66), Nam Định (60), Quảng Ninh (56), Quảng Ngãi (44), Thái Nguyên (44), Hải Dương (44), Vĩnh Phúc (37), Phú Thọ (34), Thái Bình (33), Quảng Bình (29), Bắc Giang (25), Yên Bái (16), Quảng Trị (14), Tuyên Quang (14), Hòa Bình (10), Sơn La (9), Lào Cai (7), Hà Nam (5), Cao Bằng (3), Điện Biên (2), Lai Châu (1), Bắc Kạn (1).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (-341), Cần Thơ (-222), Bình Dương (-190).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: TP. Hồ Chí Minh (+510), Bến Tre (+299), Kiên Giang (+193).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 13.777 ca/ngày.
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.352.122 ca nhiễm, đứng thứ 33/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 149/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 13.714 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.346.811 ca, trong đó có 1.033.576 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn, Lai Châu.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (481.923), Bình Dương (285.589), Đồng Nai (90.555), Long An (38.960), Tây Ninh (35.085).
Số bệnh nhân khỏi bệnh được công bố khỏi bệnh trong ngày là 24.737 ca nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 1.036.393 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.506 ca.
Số bệnh nhân tử vong:
Từ 17h30 ngày 07/12 đến 17h30 ngày 08/12 ghi nhận 230 ca tử vong, trong đó tại TP. Hồ Chí Minh (75) trong đó có 9 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Bình Dương (1), An Giang (1), Tiền Giang (1), Đồng Nai (2), Long An (1), Trà Vinh (1), Vĩnh Long (1), Đắc Lắk (1).
Tại các tỉnh, thành phố khác: An Giang (24), Đồng Nai (18), Bình Dương (16), Tiền Giang (14), Long An (13), Vĩnh Long (12 tử vong trong 02 ngày 07-08/12), Kiên Giang (12), Tây Ninh (11), Cần Thơ (10), Sóc Trăng (4), Lâm Đồng (3), Cà Mau (3), Trà Vinh (2), Khánh Hòa (2), Bình Phước (2), Bình Thuận (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (2), Hà Nội (1), Hải Phòng (1), Hòa Bình (1), Nghệ An (1), Bến Tre (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 204 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 26.930 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 32/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 132/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 12/49 (xếp thứ 5 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).
Trong 24 giờ qua đã thực hiện 114.947 xét nghiệm cho 281.180 lượt người.
Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 27.285.221 mẫu cho 70.427.988 lượt người.
TP.HCM chưa xuất hiện biến chủng Omicron
Tại kỳ họp thứ 4, HĐND TP.HCM khóa X sáng 8/12, Giám đốc Sở Y tế cho biết, ngành y tế liên tục theo dõi sát diễn tiến của biến thể Omicron.
Theo ông Thượng, qua theo dõi ở các nước, người mắc nhiều nhưng chưa thấy ca nặng, diễn tiến xấu. Chuyên gia cũng cho biết, vắc xin vẫn có hiệu quả với biến chúng này nên tạm yên tâm.
Riêng tại TP.HCM, Giám đốc Sở Y tế cho biết luôn giám sát chặt người về từ các nước có Omicron và đến nay chưa thấy xuất hiện biến chủng này tại TP.HCM. Tuy nhiên, Giám đốc Sở Y tế cho biết, hệ thống y tế của TP không chủ quan. TP đã dành riêng một bệnh viện dã chiến, nếu có ca mắc biến chủng mới sẽ tập trung cách ly, điều trị riêng.
Số ca nặng và tử vong có xu hướng tăng dần ở TP.HCM
Báo cáo với HĐND TP.HCM đầu phiên chất vấn, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng thông tin từ ngày 1/10, TP.HCM bỏ giãn cách thì số ca mắc, ca nặng và tử vong giảm khá rõ so với giai đoạn bùng phát trước đó. Tuy nhiên, từ 20/10 tới nay, số ca mắc, ca nặng cũng như ca tử vong có dấu hiệu tăng dần.
Từ 20/10 tới nay, số ca mắc, ca nặng cũng như ca tử vong có dấu hiệu tăng dần.
TP đang quản lý và chăm sóc 85.351 F0. Trong đó, 66.564 F0 đang điều trị tại nhà, 5.295 điều trị tại cơ sở phường, xã, thị trấn (tầng 1), chiếm 84,2%; tại tầng 2, số F0 đang điều trị là 11.692 trường hợp, chiếm 13,7%; tầng 3 (bệnh viện hồi sức cho các trường hợp nặng) có 1.800 trường hợp, chiếm 2,1%, trong đó, có hơn 400 trường hợp thở máy xâm lấn.
“So với đầu tháng 9, khi dịch bùng phát dữ dội, TP.HCM khi đó có 154.550 F0, giờ là 85.000 F0. Số F0 thời điểm đó đang điều trị tại nhà chiếm 58%, tầng 2 - 25%, tầng 3 - 18%. Khác biệt là số cách ly tại nhà hiện nay rất nhiều. Ngày cao điểm nhất, TP.HCM có 1.058 F0 rất nặng, phải thở máy; hiện, TP.HCM có 400 ca thở máy”, ông Tăng Chí Thượng so sánh.
Qua các con số này, Giám đốc Sở Y tế chia sẻ số ca mắc đang ở xu hướng tăng dần 3 tuần vừa qua. Cụ thể, ngày 12-18/11, TP.HCM có 8.432 ca mắc mới; ngày 19-25/11, TP.HCM có 8.721 ca mới; ngày 26/11-2/12, TP có 9. 301 ca mới.
Ông Thượng nhận định điều này không bất ngờ khi TP mở cửa trở lại với các hoạt động giao tiếp, tiếp xúc tăng. Hiện, đánh giá cấp độ dịch của TP vẫn ở cấp 2 dù số ca mắc tăng.
Tuy nhiên, về phía y tế, ông Thượng đưa ra cảnh báo TP vẫn đang ở giai đoạn dịch, có giai đoạn tạm kiểm soát được nhưng đáng lo ngại khi số ca mắc, ca nặng và tử vong tăng nhẹ. Mỗi ngày, TP vẫn ghi nhận số ca tử vong chứ chưa trở lại bình thường như trước đây.
Phát hiện mới về biến chủng Omicron
Các nhà khoa học cho biết họ vừa xác định được phiên bản "tàng hình" của biến chủng Omicron không thể phân biệt được với các biến chủng khác khi xét nghiệm PCR.
Phát hiện trên được các nhà khoa học ở Anh đưa ra trong khi biến chủng Omicron mới chỉ được phát hiện vài tuần và giới chức y tế công cộng trên thế giới ban đầu triển khai các xét nghiệm PCR để có thể xây dựng nhanh chóng bức tranh toàn cảnh về sự lây lan của biến chủng mới, theo Guardian.
Phiên bản biến chủng “tàng hình” có nhiều điểm chung với Omicron tiêu chuẩn, nhưng thiếu một thay đổi di truyền cụ thể vốn cho phép các xét nghiệm PCR có những chỉ dấu ban đầu.
Biến chủng này vẫn được phát hiện là virus corona qua tất cả xét nghiệm thông thường và có thể được xác định là biến chủng Omicron thông qua kiểm tra bộ gene. Tuy nhiên, việc xét nghiệm PCR thông thường không thể giúp phát hiện sớm dấu hiệu của biến chủng Omicron.
Các nhà nghiên cứu cho biết còn quá sớm để biết liệu dạng biến chủng Omicron mới có lây lan theo cách giống như biến chủng Omicron tiêu chuẩn hay không, nhưng phiên bản "tàng hình" có khác biệt về mặt di truyền và do đó có thể hoạt động khác.
Phiên bản biến chủng tàng hình lần đầu tiên được phát hiện trong số các bộ gene của virus được gửi từ Nam Phi, Australia và Canada vào những ngày gần đây, nhưng nó có thể đã lây lan rộng rãi hơn. Trong số 7 trường hợp được xác định cho đến nay, không có trường hợp nào ở Anh.
Sau khi phát hiện phiên bản mới của biến chủng, các nhà nghiên cứu đã tách dòng B.1.1.529 thành Omicron tiêu chuẩn, được gọi là BA.1 và biến chủng mới hơn, được gọi là BA.2.
“Có hai dòng trong biến chủng Omicron, BA.1 và BA.2, khá khác biệt về mặt di truyền”, giáo sư Francois Balloux, Giám đốc Viện Di truyền Đại học London, cho biết. "Hai dòng này có thể có những biểu hiện khác nhau".
Biến chủng Omicron lần đầu được các nhà khoa học Nam Phi công bố với thế giới vào ngày 24/11. Một số nghiên cứu ban đầu của nước này cho thấy Omicron có khả năng khiến người bệnh tái nhiễm cao gấp ba lần so với Delta hoặc Beta.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 3/12 cho biết chưa nơi nào trên thế giới báo cáo có người tử vong vì nhiễm biến chủng Omicron. Những người được xác định dương tính với biến chủng này cho tới nay đều chỉ có triệu chứng nhẹ.
Ngày 7/12, cả nước ghi nhận 13.840 ca mới, Hà Nội có 737 ca
Tính từ 16h ngày 6/12 đến 16h ngày 7/12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 13.840 ca nhiễm mới, trong đó 5 ca nhập cảnh và 13.835 ca ghi nhận trong nước (giảm 723 ca so với ngày trước đó) tại 59 tỉnh, thành phố (có 7.306 ca trong cộng đồng).
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.019 ca; trong đó, thở ô xy qua mặt nạ: 4.666 ca.
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP. Hồ Chí Minh (965), Cần Thơ (898), Tây Ninh (869), Sóc Trăng (746), Hà Nội (737), Đồng Tháp (697), Bình Dương (645), Bình Phước (640), Cà Mau (615), Vĩnh Long (529), Bà Rịa - Vũng Tàu (491), Khánh Hòa (486), Bến Tre (441), Bạc Liêu (434), Tiền Giang (340), An Giang (325), Thừa Thiên Huế (306), Hậu Giang (293), Bình Định (281), Đồng Nai (272), Trà Vinh (254), Kiên Giang (229), Bắc Ninh (190), Nghệ An (179), Gia Lai (178), Bình Thuận (170), Hải Phòng (156), Đà Nẵng (141), Đắk Nông (137), Đắk Lắk (131), Lâm Đồng (100), Thanh Hóa (97), Hà Giang (86), Ninh Thuận (84), Long An (83), Phú Yên (63), Quảng Nam (53), Vĩnh Phúc (51), Hưng Yên (42), Quảng Ngãi (40), Quảng Ninh (37), Hòa Bình (33), Hải Dương (32), Phú Thọ (32), Kon Tum (32), Nam Định (31), Quảng Bình (28), Quảng Trị (25), Yên Bái (25), Bắc Giang (19), Thái Bình (18), Thái Nguyên (17), Hà Tĩnh (9), Hà Nam (9), Cao Bằng (5), Tuyên Quang (4), Bắc Kạn (2), Sơn La (2), Lào Cai (1).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bình Thuận (-315), Cần Thơ (-291), Bến Tre (-258).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bình Dương (+419), Thừa Thiên Huế (+245), Hà Nội (+150).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 13.959 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.337.523 ca nhiễm, đứng thứ 33/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 149/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 13.567 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.332.216 ca, trong đó có 1.008.839 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn, Lai Châu.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (480.448).
Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 1.249 ca; Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.011.656 ca.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.019 ca; trong đó, thở ô xy qua mặt nạ: 4.666 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.388 ca; Thở máy không xâm lấn: 180 ca; Thở máy xâm lấn: 770 ca; ECMO: 15 ca.
Biến chủng Omicron được cho là có thể gây lây lan nhanh nhưng độc lực nhẹ hơn chủng Delta đang lưu hành phổ biến tại Việt Nam.
217 ca tử vong tại TP.HCM và 19 tỉnh thành phố
Từ 17h30 ngày 6/12 đến 17h30 ngày 7/12 ghi nhận 217 ca tử vong. Cụ thể, tại TP. Hồ Chí Minh (57) trong đó có 4 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Bình Dương (2), Đồng Tháp (1), Tiền Giang (1); tại các tỉnh, thành phố khác: Bình Dương (37), An Giang (19), Đồng Nai (18), Tây Ninh (14), Tiền Giang (13), Long An (10), Bình Thuận (7), Cần Thơ (7), Vĩnh Long (6), Kiên Giang (6), Đồng Tháp (5), Bạc Liêu (5), Cà Mau (3), Trà Vinh (3), Sóc Trăng (3), Bình Định (1), Quảng Bình (1), Đà Nẵng (1), Phú Yên (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 202 ca; Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 26.700 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 32/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 132/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 12/49 (xếp thứ 5 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).
Trong 24 giờ qua đã thực hiện 140.714 xét nghiệm cho 199.666 lượt người Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 27.170.274 mẫu cho 70.146.808 lượt người.
Trong ngày 6/12 có 910.139 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 128.675.533 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 73.663.229 liều, tiêm mũi 2 là 55.012.304 liều.
TP.HCM bắt đầu tiêm vaccine mũi 3 từ 10/12
Ngày 7/12, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức ký ban hành kế hoạch tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 liều bổ sung và nhắc lại tại TP.HCM từ 10/12.
Theo đó, TP.HCM sẽ tiêm vaccine liều bổ sung cho người từ 18 tuổi trở lên có tình trạng suy giảm miễn dịch, cụ thể như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang hoặc đã sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong vòng 6 tháng...
Các trường hợp này phải tiêm mũi vaccine cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày. Người 50 tuổi trở lên được ưu tiên.
Liều nhắc lại dành cho người từ 18 tuổi trở lên, đã tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung ít nhất 6 tháng. Trong đó, TP.HCM ưu tiên: Người có bệnh nền; người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế; người từ 50 tuổi trở lên; người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân covid-19; nhân viên y tế; lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Giai đoạn 1 - tháng 12/2021 tập trung tiêm cho người bệnh suy giảm miễn dịch đã tiêm đủ liều cơ bản ít nhất 28 ngày và người đã tiêm đủ liều cơ bản ít nhất 6 tháng.
Trong năm 2022, TP tiếp tục tiêm cho người đã tiêm đủ liều cơ bản ít nhất 6 tháng theo thứ tự ưu tiên; tiếp tục tiêm cho người bệnh suy giảm miễn dịch đủ liều cơ bản ít nhất 28 ngày; đảm bảo phủ liều nhắc cho toàn bộ người trên 18 tuối sống tại TP vào cuối năm 2022.
Về loại vaccine, nếu các mũi trước đó cùng loại vaccine thì tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc cùng loại hoặc vaccine mRNA. Nếu mũi tiêm trước đó đã tiêm các loại vaccine khác nhau thì tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc bằng vaccine mRNA. Nếu tiêm liều cơ bản (hoặc bổ sung) là vaccine của Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc cùng loại hoặc vaccine vector virus (vaccine AstraZeneca).
Theo tờ trình trước đó của Sở Y tế, từ tháng 12/2021 đến tháng 6/2022, TP.HCM dự kiến cần hơn 6,3 triệu liều vaccine các loại (AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Vero Cell, Sputnik V) để tiêm liều bổ sung hoặc nhắc lại cho người dân.
8 tỉnh, thành đã tiêm vaccine mũi hai cho tất cả dân số trưởng thành
8 tỉnh, thành đã tiêm vaccine mũi hai cho tất cả dân số trưởng thành; 40 địa phương hoàn thành bao phủ mũi một, theo cập nhật của Bộ Y tế ngày 7/12.
Đến hết ngày 6/12, Việt Nam đã tiêm được 128 triệu liều vaccine Covid-19; trong đó tiêm mũi một là 73,3 triệu liều, tiêm mũi hai 54,4 triệu liều.
Đến hết ngày 6/12, Việt Nam đã tiêm được 128 triệu liều vaccine Covid-19. Ảnh: VnExpess
Các địa phương đã phủ mũi hai cho tất cả dân số từ 18 tuổi, gồm: Long An, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Cà Mau, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Hậu giang, Điện Biên.
Ngoài ra, 9 địa phương khác đã tiêm vaccine mũi hai cho 90% dân số trở lên, gồm: Hà Nội, TP HCM, Đồng Nai, Hải Phòng, Quảng Ninh, Yên Bái, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đăk Nông.
40 tỉnh, thành đã hoàn thành bao phủ mũi một, gồm: Hà Nội, TP.HCM, Nghệ An, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Hải Phòng, Bắc Giang, Tiền Giang, Kiên Giang, Long An, Đồng Tháp, Gia Lai, Phú Thọ, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lâm Đồng, Bến Tre, Cần Thơ, Khánh Hòa, Bình Thuận, Sóc Trăng, Cà Mau, Vĩnh Phúc, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bình Phước, Phú Yên, Hà Nam, Lạng Sơn, Lào Cai, Hậu Giang, Đăk Nông, Điện Biên, Ninh Thuận, Lai Châu, Yên Bái.
Người dân Hà Nội tiêm vaccine Covid-19, tháng 9/2021. Ảnh: Giang HuyNgười dân Hà Nội tiêm vaccine Covid-19, tháng 9/2021. Ảnh: Giang Huy
Hai tỉnh có tỷ lệ tiêm mũi một thấp nhất cả nước là Hòa Bình và Quảng Nam, mới đạt hơn 81% dân số. Tất cả 63 tỉnh, thành đều đã phủ mũi một cho 80% dân số trở lên.
Tỉnh có tỷ lệ tiêm mũi hai thấp nhất là Thanh Hóa, với 28%. Ngoài ra, các tỉnh có tỷ lệ tiêm mũi hai dưới 50% là: Thái Bình, Nam Định, Quảng Nam, Sơn La, Tuyên Quang.
Cách đây hai tuần, Sơn La là tỉnh có tỷ lệ phủ vaccine thấp nhất cả nước với 61% dân số được tiêm mũi một; 18% tiêm đủ hai mũi. Đến nay, tỉnh đã phủ được vaccine mũi một cho 89% dân số; 36% dân số được tiêm đủ liều.
TS Phạm Quang Thái, trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết số lượng vaccine hiện nay đủ cung ứng cho các địa phương phủ mũi hai cho tất cả dân số trưởng thành. Tuy nhiên, mục tiêu đến hết năm 2021 có bao phủ được vaccine mũi hai cho toàn bộ dân số hay không "còn tùy thuộc vào sự linh hoạt của các địa phương".
Theo ông Thái, có nhiều vấn đề liên quan đến tiến độ bao phủ vaccine. Đơn cử, hiện nay việc đi lại giữa các địa phương thuận lợi, nên nhiều người đã tiêm mũi một ở nơi này, nhưng lại đi học tập, lao động, công tác ở nơi khác. Tuy nhiên, nơi họ đang ở hiện chưa có hoặc hết loại vaccine để tiêm mũi hai. "Đây là vấn đề khó khăn, bởi chưa có chiến dịch tiêm chủng nào sử dụng nhiều loại vaccine như lần này", ông Thái nói.
Vì vậy, ông đề nghị các tỉnh tăng cường truyền thông và có sự phối hợp với nhau, để người dân được biết nơi nào có loại vaccine họ cần để tiêm mũi hai.
"Vấn đề hiện nay không phải là thiếu vaccine để bao phủ mà là làm sao để triển khai chiến dịch tiêm chủng an toàn, hiệu quả, tháo gỡ các khó khăn nêu trên", ông Thái nêu quan điểm.
Dù chưa bao phủ được vaccine mũi hai cho tất cả dân số trưởng thành, nhưng ông Lại Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Yên Bái, bày tỏ lạc quan hết tháng 12/2021, sẽ hoàn thành mục tiêu này.
Yên Bái đã tiêm đủ hai mũi cho 93% dân số. "Hiện chúng tôi đã được cấp đủ số lượng vaccine, dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn thành tiêm chủng đủ hai mũi cho tất cả dân số trưởng thành", ông Hùng nói.
Tại cuộc họp hôm 5/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, phấn đấu chậm nhất trong tháng 12 cơ bản hoàn thành việc tiêm 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên; hoàn thành sớm nhất việc tiêm cho người từ 12-18 tuổi; đẩy mạnh việc tiêm mũi 3, trong đó ưu tiên người từ 50 tuổi trở lên và các nhóm tuyến đầu.
"Nếu cần thiết thì tăng cường lực lượng chi viện, hỗ trợ các địa phương trong tiêm chủng như đã làm trước đó", Thủ tướng nói. Ông cũng đề nghị cơ quan chức năng nghiên cứu, sớm báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền về một số nội dung liên quan tới vaccine, trong đó có khả năng, chủ trương, phương án tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên trên cơ sở khoa học, an toàn, phù hợp diễn biến dịch bệnh trong nước và thực tiễn các nước.
Bí thư TP.HCM yêu cầu hoãn cho học sinh lớp 1 đến trường
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết khi hội ý với lãnh đạo TP.HCM ông đã đề nghị hoãn cho học sinh lớp 1 đi học lại khi có nhiều gia đình, phụ huynh lo lắng, không đồng tình.
TP.HCM đã hội ý về việc hoãn cho học sinh lớp 1 đi học lại sau khi có nhiều ý kiến của các phụ huynh lo lắng, không đồng tình cho con đến trường.
Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp thứ 4 HĐND TP.HCM khoá X, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên cho biết ngay trong sáng nay (7/2), lãnh đạo TPHCM đã hội ý về việc hoãn cho học sinh lớp 1 đi học lại sau khi có nhiều ý kiến của các phụ huynh lo lắng, không đồng tình cho con đến trường như kế hoạch của UBND TP.HCM.
Theo Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên, khi thực hiện khảo sát ý kiến, nhiều phụ huynh không đồng ý cho con em đến trường. Ông cho rằng TP.HCM không cần gượng ép. Các gia đình không yên tâm cho con đến trường thì thành phố phải tôn trọng ý kiến phụ huynh.
"Sáng nay tôi đã hội ý với lãnh đạo thành phố và có ý kiến cần trì hoãn kế hoạch này lại, không ai bắt buộc mình phải thực hiện. Tình hình đang diễn biến không như mong muốn thì nên trì hoãn lại", ông Nên nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy TP.HCM khẳng định tuy thành phố đã có kế hoạch đi học lại đối với lớp 1, 9, 12 nhưng cần phải căn cứ theo tình hình và diễn biến của dịch bệnh để có quyết định phù hợp và không cứng nhắc.
“Cần nhìn thấy sự không yên tâm của phụ huynh. Cho đi học mà không quản lý chặt thì phụ huynh có tâm trạng lo lắng. Mình chưa tiêm vắc xin cho các cháu lớp 1 nên phụ huynh lo lắng là đúng”, ông Nên khẳng định.
Trước đó, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch tổ chức dạy và học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Việc thí điểm tổ chức dạy và học trực tiếp được thực hiện theo 2 giai đoạn.
Theo đó, trong giai đoạn 1 (từ ngày 13 đến 25/12), TP.HCM áp dụng dạy học trực tiếp đối với học sinh lớp 1, 9, 12. Riêng huyện Cần Giờ, trường mầm non Thạnh An, trường Tiểu học Thạnh An, trường THCS Thạnh An sẽ tổ chức dạy học trực tiếp ở tất cả khối lớp từ ngày 13/12.
Học sinh lớp 1 tiếp tục học trực tuyến sau ngày 13/12 do có gần 70% phụ huynh không đồng tình cho con đến trường
Giai đoạn 2, TP.HCM sẽ tổ chức hội nghị sơ kết, rút kinh nghiệm 2 tuần dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục. Căn cứ kết quả đạt được sau 2 tuần đầu tiên, thành phố sẽ xem xét, quyết định việc tiếp tục, mở rộng đối tượng hoặc dạy học trực tiếp trên toàn thành phố từ ngày 3/1/2022.
Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM về việc cho con em đi học trực tiếp theo chủ trương thí điểm mở cửa trường học của UBND TPHCM thì chỉ có gần 29% phụ huynh đồng thuận.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận