Tin tức Covid-19 mới nhất hôm nay
Tính từ 16h ngày 08/11 đến 16h ngày 09/11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 8.133 ca nhiễm mới, trong đó 4 ca nhập cảnh và 8.129 ca ghi nhận trong nước (tăng 175 ca so với ngày trước đó) tại 55 tỉnh, thành phố (có 3.952 ca trong cộng đồng).
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP. Hồ Chí Minh (1.276), Đồng Nai (923), Bình Dương (619), Sóc Trăng (572), An Giang (557), Đồng Tháp (379), Kiên Giang (291), Cà Mau (285), Bình Thuận (279), Hà Nội (268), Tây Ninh (241), Bạc Liêu (232), Tiền Giang (207), Đắk Lắk (197), Trà Vinh (180), Cần Thơ (163), Vĩnh Long (154), Bà Rịa - Vũng Tàu (154), Hà Giang (127), Bình Phước (108), Khánh Hòa (99), Long An (93), Bình Định (65), Hậu Giang (58), Bến Tre (50), Nghệ An (50), Ninh Thuận (49), Bắc Ninh (46), Gia Lai (44), Quảng Nam (39), Quảng Ngãi (39), Đà Nẵng (32), Thừa Thiên Huế (32), Bắc Giang (31), Phú Thọ (26), Thanh Hóa (24), Lâm Đồng (20), Nam Định (20), Hưng Yên (17), Vĩnh Phúc (15), Phú Yên (10), Quảng Ninh (7), Thái Bình (7), Quảng Trị (6), Hà Nam (6), Điện Biên (6), Hải Phòng (4), Kon Tum (4), Hải Dương (4), Hòa Bình (3), Hà Tĩnh (3), Quảng Bình (2), Sơn La (2), Lai Châu (2), Tuyên Quang (2).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bình Dương (-209), Tiền Giang (-185), Tây Ninh (-113).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: TP. Hà Nội (+157), Trà Vinh (+129), Đắk Lắk (+64).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 7.347 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 984.805 ca nhiễm, đứng thứ 38/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 151/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.996 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 979.840 ca, trong đó có 839.983 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 1.325; Tổng số ca được điều trị khỏi: 842.800
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.350 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 2.355; Thở ô xy dòng cao HFNC: 553; Thở máy không xâm lấn: 105; Thở máy xâm lấn: 324; ECMO: 13.
88 ca tử vong tại TP.HCM, Hà Nội và 16 tỉnh, thành phố
Từ 17h30 ngày 08/11 đến 18h30 ngày 09/11 ghi nhận 88 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (38), Bình Dương (11), An Giang (7), Kiên Giang (5), Tây Ninh (4), Bạc Liêu (4), Đồng Nai (3), Long An (3), Cần Thơ (3), Tiền Giang (2), Lâm Đồng (1), Bình Thuận (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Đồng Tháp (1), Vĩnh Long (1), Hậu Giang (1), Hà Nội (1), Sóc Trăng (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 69 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 22.686 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong 24 giờ qua đã thực hiện 147.248 xét nghiệm cho 282.887 lượt người.
Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 23.237.873 mẫu cho 62.739.785 lượt người.
Trong ngày 8/11 có 1.536.448 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 92.211.330 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 61.907.563 liều, tiêm mũi 2 là 30.303.767 liều.
Hà Nội tìm người đi buýt số 22A từ 115 Trần Duy Hưng về Cửa Bắc
Tối 9/11, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quận Ba Đình (Hà Nội) khẩn tìm người từng đến nhiều địa điểm các ca Covid-19 từng đến.
Theo đó, tìm người từ 8h đến 17h đến Công ty Dầu khí sông Hồng - Tòa nhà Charmvit số 177 Trần Duy Hưng, Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội.
Từ ngày 26/10 đến 9/11 tại ô số 15 dãy hàng cá D4, chợ Thành Công B.
Hà Nội tìm người đi buýt số 22A từ 115 Trần Duy Hưng về Cửa Bắc
Ngày 31/10, tại các điểm: Từ 7 - 9h30 tại Đại học Kiến trúc; 9h30 - 10h30 tại quán phở 397 Trường Chinh; 15h - 16h tại cửa hàng Circle K số 16 Văn Cao.
Ngày 1/11 - 6/11: Từ 16h45 - 17h45 trên tuyến xe buýt số 22A từ 115 Trần Duy Hưng về Cửa Bắc.
Ngày 3/11 (6h30 - 7h); Ngày 6/11 (6 - 7h) tại chợ Ngọc Khánh.
Ngày 4/11, 8 - 9h tại Ngân hàng Nam Á 409 Kim Mã.
Ngày 5/11 - 9/11, tại các điểm: Quán bún, phở tại số 24 ngõ 720 đường La Thành, phường Giảng Võ; Cửa hàng bán đồ ăn sáng tại số 81 ngõ 678 đường La Thành, phường Giảng Võ.
Tất cả những người từng đến các địa điểm trên tự cách ly tại nhà và liên hệ ngay với Trạm Y tế gần nhất hoặc gọi điện thoại đến CDC Hà Nội số 0969082115 hoặc số 0949396115 (CDC Hà Nội).
Ngày 9/11, TP Hà Nội ghi nhận số ca mắc Covid-19 mới kỷ lục, gồm 222 ca nhiễm trong đó có 105 ca tại cộng đồng.
Trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021), Hà Nội ghi nhận 5.326 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 2.122 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 3.204 ca.
Cà Mau: Tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho cả người không thường trú tại tỉnh
Ngày 9/11, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh - Huỳnh Quốc Việt vừa chỉ đạo tuyệt đối không từ chối tiêm đối với những người chưa được tiêm vaccine ngừa Covid-19 và đảm bảo ít nhất 95% dân số từ 12 tuổi trở lên được tiêm mũi 1 trước ngày 13/11/2021.
Theo đó, nhằm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời đẩy nhanh tiến độ, tăng tỷ lệ bảo phủ vaccine ngừa Covid-19 trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo các địa phương phải tiêm đủ mũi 1 cho toàn thể người dân từ 12 tuổi trở lên, đang sinh sống, làm việc trên địa bàn tỉnh (kể cả người không đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú) đảm bảo trước ngày 13/11.
Lực lượng y tế tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người dân. (Ảnh minh họa)
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thông báo đến toàn thể người dân (kể cả người dân không có đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú) đang sinh sống, làm việc trên địa bàn tỉnh chưa được tiêm vaccine đến các điểm tiêm của xã, phường, thị trấn hoặc các điểm tiêm lưu động do Sở Y tế bố trí để được tiêm vaccine.
“Đảm bảo mọi người dân được tiêm vaccine nhanh nhất, đạt tỉ lệ cao nhất. Tuyệt đối không từ chối tiêm đối với những người chưa được tiêm vaccine, có nhu cầu, đủ điều kiện tiêm theo quy định”, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo rõ.
Một bác sĩ ở Cà Mau sĩ tự ý bỏ về nhà khi đang là F1
Ngày 9/11, lãnh đạo UBND huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) xác nhận, có việc một bác sĩ H.T.Q. (48 tuổi, là Trưởng Khoa liên chuyên khoa của Bệnh viện đa khoa Trần Văn Thời) là F1 tự ý về nhà khi đang là F1.
Theo đó, trưa 8/11, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Trần Văn Thời tiếp nhận thông tin bác sĩ Q. là F1, đang cách ly tại khu vực cách ly dành riêng cho nhân viên y tế tự ý về nhà.
Bệnh viện Đa khoa Trần Văn Thời.
Bác sĩ H.T.Q. (trú khóm 9, thị trấn Trần Văn Thời) là người chăm sóc trực tiếp cho bệnh nhân N.T.K. (ngụ ấp Công Nghiệp B, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời) tại Khoa Liên chuyên khoa từ ngày 28/10 - 2/11.
Sau đó, bệnh nhân K. được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Cà Mau điều trị và được xét nghiệm RT-PCR khẳng định dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 3/10.
Qua truy vết, cơ quan chức năng xác định bác sĩ Q. thuộc nhóm nguy cơ cao, nên ra quyết định cách ly cùng 7 nhân viên y tế khác của đơn vị từ ngày 3 – 16/11/2021 tại khu cách ly của bệnh viện dành cho nhân viên y tế.
Tuy nhiên, đến khoảng 10h ngày 8/11, bác sĩ Q. tự ý bỏ nơi cách ly tập trung về nhà không báo cho bộ phận nào biết.
Sau đó, vụ việc được trình báo đến Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện Trần Văn Thời và bác sĩ Q. đang được cho cách ly tại nhà ở khóm 9, thị trấn Trần Văn Thời.
Sa Pa phong tỏa 5 nhà hàng vì khách Hà Nội dương tính
Tỉnh Lào Cai vừa phong tỏa tạm thời 5 nhà hàng, khách sạn tại khu du lịch Sa Pa sau khi đón một đoàn du khách từ Hà Nội có thành viên mắc Covid-19.
Đoàn khách gồm 13 người, đi trên 3 ô tô, xuất phát từ Hà Nội lên thẳng Sa Pa từ ngày 4/11. Tới ngày 6/11 thì về Yên Bái và 7/11 quay về Hà Nội.
Khách sạn Pao’s Sa Pa (thị xã Sa Pa) đã tiến hành phong tỏa từ 16h ngày 8/11
Trong quá trình di chuyển, 1 trường hợp là lái xe có việc tách đoàn về trước. Đây cũng là trường hợp đầu tiên tự phát hiện mắc Covid-19 qua xét nghiệm. 2 thành viên về sau tự test nhanh cũng cho kết quả dương tính.
Sau khi nắm được thông tin, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thị xã Sa Pa đã lập tức tổ chức điều tra, truy vết, khoanh vùng, phong tỏa các địa điểm liên quan.
Tính đến 23h ngày 8/11, đã ghi nhận 16 F1 và 59 F2, được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm kịp thời.
Số điểm phong tỏa tại Hà Nội tăng vọt với 125 điểm
Đến sáng 9/11, trên địa bàn TP Hà Nội hiện có 867 trường hợp F0 đang điều trị tại các cơ sở y tế và 125 điểm đang phong tỏa, tăng vọt so với 2 ngày trước.
Lực lượng chức năng phường Láng Hạ, quận Đống Đa phong toả tạm thời khu vực Chung cư 88 Láng Hạ vào chiều 8/11. (Ảnh: Trần Long).
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP đến nay, toàn TP có 1.088 ca mắc Covid-19 (trung bình 41,9 ca/ngày), trong đó 411 ngoài cộng đồng (37,8%), 514 tại khu cách ly (47,2%), 142 tại khu phong tỏa (13,1%), 21 ca nhập cảnh (1,9%).
Thành phố hiện có 13 chùm ca bệnh sau:
1. Chùm ca bệnh tại Khu công nghiệp Đại Tư, quận Long Biên đã ghi nhận 37 ca mắc (ngày 8/11 ghi nhận 11 ca mắc mới).
2. Chùm ca bệnh mới tại đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy đã ghi nhận 13 ca mắc (ngày 8/11 ghi nhận 4 ca mắc mới).
3. Chùm ca bệnh tại Yên Xá, Tân Triều, huyện Thanh Trì đã ghi nhận 14 ca mắc mới. (2 ngày chưa ghi nhận ca mắc mới).
4. Chùm ca bệnh mới tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm đã ghi nhận 124 ca mắc (ngày 8/11 ghi nhận 29 ca mắc mới).
5. Chùm ca bệnh tại đường Bưởi, Cống Vị, quận Ba Đình ghi nhận 28 ca mắc (ngày 8/11 chưa ghi nhận ca mắc mới).
6. Chùm ca bệnh tại Thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh đã ghi nhận 176 ca mắc (ngày 8/11 ghi nhận 9 ca mắc mới).
7. Chùm ca bệnh tại Phú La, quận Hà Đông ghi nhận 35 ca mắc (ngày 8/11 ghi nhận 3 ca mắc mới).
8. Chùm ca bệnh tại huyện Quốc Oai đã ghi nhận 150 ca mắc (ngày 8/11 ghi nhận 1 ca mắc mới).
9. Chùm ca bệnh tại Thủ Lệ, Ngọc Khánh, quận Ba Đình ghi nhận 16 ca mắc (ngày 8/11 ghi nhận 6 ca mắc mới).
10. Chùm ca bệnh tại Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa đã ghi nhận 41 ca mắc (3 ngày chưa ghi nhận ca mắc mới).
11. Chùm ca bệnh mới tại xã An Khánh, huyện Hoài Đức đã ghi nhận 14 ca mắc (4 ngày chưa ghi nhận ca mắc mới).
12. Chùm ca bệnh tại Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai đã ghi nhận 34 ca mắc (ngày 8/11 ghi nhận 8 ca mắc mới).
13. Chùm ca bệnh tại đường Lê Đức Thọ, quận Nam Từ Liêm đã ghi nhận 12 ca mắc (2 ngày chưa ghi nhận ca mắc mới).
Về công tác giám sát người về từ cách tỉnh, thành phố: Tổng số có 12.027 người về Hà Nội, trong đó đi bằng máy bay 7.336 người, tàu hỏa 1.692 người, ô tô, xe khách 1.785 người, phương tiện cá nhân 1.214 người.
Trong đó ghi nhận 100 trường hợp dương tính về từ: TP Hồ Chí Minh (64), Đồng Nai (9), Bình Dương (7), Hà Giang (5), Nam Định (3), Hà Nam (3), Phú Thọ (02), Quảng Ngãi (2), Tây Ninh (1), Bắc Giang (1), Đăk Lăk (1), Phú Quốc (1), An Giang (1).
Trong số các ca dương tính được phát hiện về từ các tỉnh, thành trên, có 61 người tiêm đủ 2 mũi, 21 người tiêm 1 mũi, 8 người chưa tiêm và 7 người chưa đến tuổi tiêm chủng.
Cũng theo thống kê từ Sở Y tế Hà Nội, toàn TP hiện có 125 điểm đang phong tỏa; 867 trường hợp F0 đang điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn.
Ngày 8/11, thêm 7.988 ca nhiễm mới, tăng 323 ca so với ngày 7/11
Tính từ 16h ngày 7/11 đến 16h ngày 8/11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 7.988 ca nhiễm mới, trong đó 34 ca nhập cảnh và 7.954 ca ghi nhận trong nước (tăng 323 ca so với ngày trước đó) tại 55 tỉnh, thành phố (có 2.237 ca trong cộng đồng).
Tin tức Covid-19 liên tục được cập nhật trên Báo Giao thông ngày 9/11/2021.
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP. Hồ Chí Minh (1.316), Đồng Nai (969), Bình Dương (823), An Giang (531), Tiền Giang (392), Kiên Giang (363), Tây Ninh (354), Đồng Tháp (351), Bình Thuận (267), Bạc Liêu (229), Cà Mau (222), Cần Thơ (178), Bà Rịa - Vũng Tàu (149), Vĩnh Long (149), Long An (136), Hà Giang (133), Đắk Lắk (133), Hà Nội (111), Khánh Hòa (80), Bình Phước (79), Bến Tre (69), Bắc Ninh (68), Nam Định (67), Đắk Nông (60), Gia Lai (59), Nghệ An (58), Phú Thọ (57), Bắc Giang (56), Hậu Giang (54), Ninh Thuận (52), Trà Vinh (51), Bình Định (50), Quảng Bình (30), Lâm Đồng (29), Thanh Hóa (27), Đà Nẵng (21), Hưng Yên (18), Hà Tĩnh (17), Hải Phòng (16), Thái Nguyên (16), Thừa Thiên Huế (14), Quảng Ngãi (14), Quảng Nam (14), Sơn La (11), Hải Dương (11), Quảng Ninh (10), Hà Nam (9), Vĩnh Phúc (9), Phú Yên (7), Kon Tum (4), Điện Biên (4), Ninh Bình (2), Lai Châu (2), Tuyên Quang (2), Thái Bình (1).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bạc Liêu (-69), Tây Ninh (-39), Kiên Giang (-35). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: TP. Hồ Chí Minh (+307), Tiền Giang (+159), An Giang (+104).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 6.988 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 976.672 ca nhiễm, đứng thứ 38/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 151/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.915 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 971.711 ca, trong đó có 838.658 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 4 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Ninh Bình, Yên Bái, Bắc Kạn, Cao Bằng. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (439.940), Bình Dương (239.728), Đồng Nai (73.142), Long An (35.897), Tiền Giang (18.496).
Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 1.073 Tổng số ca được điều trị khỏi: 841.475
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.390 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 2.379; Thở ô xy dòng cao HFNC: 573; Thở máy không xâm lấn: 119; Thở máy xâm lấn: 306; ECMO: 13.
Số bệnh nhân tử vong: Từ 17h30 ngày 07/11 đến 17h30 ngày 08/11 ghi nhận 67 ca tử vong tại TP.HCM (35), Đồng Nai (11), Bình Dương (8 ), Tây Ninh (2), Kiên Giang (2), An Giang (2), Khánh Hòa (1), Bình Phước (1), Cần Thơ (1), Hậu Giang (1), Đắk Lắk (1), Sóc Trăng (1), Bạc Liêu (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 67 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 22.598 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.
So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong 24 giờ qua đã thực hiện 130.407 xét nghiệm cho 243.920 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 23.090.625 mẫu cho 62.456.898 lượt người.
Trong ngày 7/11 có 987.621 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 90.684.561 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 61.351.433 liều, tiêm mũi 2 là 29.333.128 liều.
Các chuyên gia cho rằng, dịch lây lan rộng trong cộng đồng có phần nguyên nhân là do sự chủ quan của người dân khi không thực hiện nghiêm 5K; ý thức của người dân lúc này rất quan trọng.
Người dân chủ động đi chích vaccine COVID-19 để an toàn trước đại dịch
Xuất hiện 2 ca F0, hàng vạn học sinh ở Hải Phòng tạm dừng đến trường
Sáng 8/11, lãnh đạo UBND quận Kiến An, TP Hải Phòng thông tin, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, quận quyết định cho học sinh các cấp học, trung tâm dạy nghề và Giáo dục thường xuyên, các trung tâm kỹ năng sống, ngoại ngữ, tin học trên địa bàn tạm thời nghỉ học từ ngày hôm nay.
Trước đó, tối 7/11, quận Kiến An ghi nhận 7 ca dương tính với SARS-CoV-2, bao gồm: 1 trường hợp từ Gia Lai đi về; 5 người ở cùng nhà tại phường Tràng Minh và 1 người cư trú tại phường Nam Sơn liên quan đến ca F0 ở tòa nhà Bạch Đằng, quận Lê Chân.
Trong đó, cơ quan chức năng đã xác định có 2 F0 là học sinh Trường THCS Bắc Hà thuộc phường Phù Liễn, quận Kiến An. Đây là các ca nhiễm liên quan đến ca bệnh Covid-19 ở phường Tràng Minh, quận Kiến An từng đi Gia Lai về từ ngày 30/10.
Liên quan đến ca nhiễm ở phường Tràng Minh, 1 học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo ở huyện An Lão, TP Hải Phòng đã thành F0 và trường này được yêu cầu cho học sinh nghỉ học.
Sau khi xác định được 7 F0 mới với 134 F1 trên địa bàn và 1 F1 ở Trường THPT Trần Hưng Đạo, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quận Kiến An đã phối hợp chuyển 7 ca nhiễm Covid-19 và các F1 đi cách ly tập trung, yêu cầu cách ly y tế tại nhà đối với các F2.
Trong ngày hôm nay 8/11, cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ tại Trường THCS Bắc Hà.
Cũng liên quan đến các ca nhiễm này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng quyết định cho học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo tạm dừng đến trường từ 8/11, chuyển sang học trực tuyến để đảm bảo an toàn và sức khỏe. Đồng thời, thành lập 4 đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các trường học trên địa bàn huyện An Lão và quận Kiến An.
Trong khi đó, Trường THCS Hồng Bàng thuộc phường Minh Khai, quận Hồng Bàng cũng khẩn cấp thông báo cho học sinh nghỉ vì 1 học sinh của trường chuyển từ diện F2 thành F0.
Hiện trường hợp F0 này vẫn chưa được Sở Y tế Hải Phòng thông báo chính thức là ca mắc Covid-19.
Ngoài ra, Trường Tiểu học An Đồng thuộc xã An Đồng, huyện An Dương cũng tiếp tục cho học sinh nghỉ để làm xét nhiệm lần 2. Đây là trường có 2 học sinh mắc Covid-19.
Cận cảnh xe tiêm phòng lưu động Covid-19 được triển khai tại TP Việt Trì, Phú Thọ. Ảnh CDC Phú Thọ.
Triển khai cách ly F1, F0 tại nhà hợp lý
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, cùng với việc siết chặt phòng dịch, quản lý người về từ các địa phương có dịch, Hà Nội nên cho những ca F0 không có triệu chứng tự điều trị tại nhà, để giảm tải gánh nặng cho ngành Y tế. Có thể để người dân tự khai báo và cách ly tại nhà; tránh việc nhiều trường hợp trở thành F0, nhưng không có triệu chứng, không khai báo y tế, vì họ sợ phải đi cách ly.
PGS.TS Trần Đắc Phu cũng cho rằng: Hiện dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, việc xuất hiện nhiều F0 thì cùng với đó cũng sẽ có nhiều F1. Vì vậy, chúng ta cần phải tính đến phương án cách ly tại nhà mới có thể thích ứng được với điều kiện hiện nay, đồng thời giảm lây nhiễm chéo trong khu cách ly.
Theo đó, việc cách ly cũng phải hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng để tránh lây lan dịch bệnh. Khi người dân được lựa chọn việc cách ly tại nhà thì phải đảm bảo được đúng theo yêu cầu về điều kiện cách ly của Bộ Y tế mới xem xét cho cách ly tại nhà. Nếu trường hợp không có đủ điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo cách ly tại nhà như: Phòng ốc chật chội, dễ có nguy cơ lây nhiễm cho gia đình, cộng đồng... thì vẫn cần cách ly tập trung.
Về vấn đề kiểm soát dịch của Hà Nội, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, Hà Nội cần thực hiện nghiêm Nghị quyết 128 của Chính phủ, thực hiện thích ứng, linh hoạt, kiểm soát dịch có hiệu quả… để thực hiện mục tiêu kép. Cùng với đó là xét nghiệm các đối tượng nguy cơ, vùng nguy cơ; xét nghiệm hàng ngày tất cả các trường hợp sốt, ho, khó thở… để phát hiện ổ dịch, khoanh vùng dập dịch kịp thời, nhằm đánh giá nguy cơ đúng và có giải pháp phù hợp.
Đồng thời, Hà Nội cũng nhanh chóng bao phủ tiêm đủ 2 mũi cho người dân, nhất là người già, người có bệnh nền; đặc biệt cần có kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em…
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, để ngăn dịch lan rộng trong cộng đồng, Hà Nội phải tăng cường tuyên truyền, giám sát chặt những người đi từ các địa phương về các tỉnh thực hiện tốt việc cách ly tại nhà, giám sát chặt trong thời gian đầu với người từ địa phương khác về. Các trường hợp này có thể xét nghiệm ngay, xét nghiệm trong vòng 7 ngày đầu; đồng thời thực hiện nghiêm việc cách ly, không đi ra ngoài, tiếp xúc với người khác.
“Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người dân rất quan trọng. Khi dịch len lỏi trong cộng đồng, thì chỉ có người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, mới có hiệu quả ngăn chặn lây lan. Trong đó, người dân cần tiếp tục thực hiện thật tốt thông điệp “5K” mới có thể cắt đứt chuỗi lây nhiễm”, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận