Tại buổi họp báo chiều 24/8, bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng cho hay, qua 9 ngày "yên tại chỗ", thành phố làm xét nghiệm và đưa rất nhiều F0 ra khỏi cộng đồng. Đây là phương pháp không gì thay thế được, cắt nguồn lây, không cho virus phát triển.
Đà Nẵng cho nhân viên giao nhận hàng của các siêu thị hoạt động từ sáng 23/8, giảm áp lực cho các tổ dân phố trong cung ứng thực phẩm đến người dân
Sau 26/8 mới đánh giá được nguy cơ của thành phố
Theo bà Yến, thành phố đang điều trị 1.820 người mắc Covid-19. Cho ra viện khoảng 1.329 trường hợp và 21 tử vong. Trong số bệnh nhân đang điều trị, có 57 trường hợp bệnh nhân nặng và rất nặng, đang điều trị hồi sức tích cực.
"Đà Nẵng vẫn đang nguy cơ cao vì số ca trong cộng đồng còn nhiều. Với năng lực của thành phố, khi số ca dương tính tăng lên, ca bệnh nặng cao hơn thì hệ thống y tế sẽ quá tải", bà Yến nói.
Bà Yến cho rằng, qua đánh giá 2 đợt xét nghiệm toàn thành phố và chuẩn bị kết thúc lần thứ 3, có thể thấy nguy cơ rất lớn từ biến chủng Delta.
“Phải sau ngày 26/8 chúng ta mới có thể đánh giá được rõ hơn về nguy cơ của thành phố”, bà Yến nói.
Theo ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, thành phố có 2 chuỗi lây nhiễm cao, liên quan đến cảng cá Thọ Quang và chợ đầu mối Hoà cường.
Đối với các quận huyện, nguy cơ nhất hiện nay là quận Hải Châu và Cẩm Lệ. Thành phố đang triển khai đợt xét nghiệm thứ 3 trên diện rộng, trên kết quả của đợt 3, thành phố sẽ triển khai biện pháp quyết liệt hơn trong thời gian tới”, ông Minh cho hay.
Phó chủ tịch Đà Nẵng cho biết thêm, thành phố đang cố gắng mở lại lò mổ Đà Sơn, yêu cầu lực lượng làm tại đây phải 3 tại chỗ, xét nghiệm, tiêm vắc xin... để đáp ứng nhu cầu lượng nhu yếu phẩm tươi sống cần thiết cho người dân thành phố.
Về lâu dài, thành phố sẽ xây dựng phương án, trình thành phố sớm mở lại chợ truyền thống vào thời điểm thích hợp khi mà điều kiện dịch tễ cho phép. Nếu mở sẽ mở lại 2 chợ cấp thành phố gồm chợ Đầu Mối và Chợ Cồn.
Huy động thêm shipper công nghệ giao hàng cho dân
Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng cho biết, thời gian tới, sẽ huy động đội ngũ shipper công nghệ, nhân viên giao nhận chuyên nghiệp hoạt động để giảm áp lực cung ứng hàng hóa cho người dân.
Thời gian tới Đà Nẵng sẽ cho shipper công nghệ, nhân viên giao nhận chuyên nghiệp hoạt động trở lại để giảm áp lực cung ứng hàng hóa...
Theo đó, những người này sẽ được tiêm vắc xin, được hoạt động thông qua kí hợp đồng với các đơn vị siêu thị, đơn vị phân phối để việc giao nhận đảm bảo.
Đà Nẵng đang ở ngày thứ 9 "yên tại chỗ", dự kiến sau 8h ngày 26/8, thành phố sẽ đánh giá, chia các vùng có nguy cơ để áp dụng biện pháp chống dịch phù hợp.
Ngày 24/8, Đà Nẵng ghi nhận 153 ca mắc Covid-19, có 18 ca cộng đồng.
Trong đó, có 5 trường hợp được phát hiện khi đến các cơ sở y tế khám, xét nghiệm. 13 trường hợp còn lại được phát hiện khi xét nghiệm lấy mẫu hộ gia đình;
"Siêu thị nào có nhu cầu sử dụng đội ngũ shipper công nghệ thì sẽ kí hợp đồng, gửi danh sách cho Sở Công Thương. Sở sẽ gửi danh sách qua Sở Y tế để tiêm vắc xin, đồng thời gửi cho Công an thành phố để cấp giấy đi đường tham gia giao nhận hàng hóa"', bà Phương cho hay.
Cũng theo Giám đốc Sở Công thương TP Đà Nẵng, khi kéo dài quy định “ai ở đâu thì ở đó” thêm 3 ngày, thành phố đã cho phép các shipper của các đơn vị cung ứng được phép giao hàng tận nhà.
Tuy nhiên, từ 22/8 đến nay, nhu cầu đặt hàng của người dân tăng đột biến, có nhiều phản ánh, phàn nàn về đặt hàng gây áp lực cho các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi.
“Trong 10 ngày tới, để giảm bớt áp lực về cung ứng hàng hóa, thành phố cho phép nâng số lượng nhân viên làm việc tại các Trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi lên đến 60% và cho phép không làm việc “3 tại chỗ” để duy trì lực lượng đảm bảo hiệu suất làm việc, đảm bảo đủ nhân lực để tổ soạn hàng, giao hàng cho người dân”, bà Phương nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận