Ngày 30/7, PV Báo Giao thông đã trao đổi với luật sư Lê Bá Thường, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Dân Luật Tín Thành (Đoàn Luật sư TP.HCM) về tính pháp lý trong vụ tai nạn giữa tàu hỏa và xe bán tải khiến hai người tử vong, ba người bị thương ở Đồng Nai.
Theo luật sư Thường, tại Điều 25 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định quyền ưu tiên tại nơi đường sắt giao cắt đường bộ.
Theo đó, nơi giao nhau cùng mức với đường sắt có đèn tín hiệu, rào chắn và chuông báo hiệu, khi đèn tín hiệu màu đỏ đã bật sáng, có tiếng chuông báo hiệu, rào chắn đang dịch chuyển hoặc đã đóng, người tham gia giao thông đường bộ phải dừng lại phía phần đường của mình và cách rào chắn một khoảng cách an toàn. Khi đèn tín hiệu đã tắt, rào chắn mở hết, tiếng chuông báo hiệu ngừng mới được đi qua.
Còn tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt không có đèn tín hiệu, rào chắn, chuông báo hiệu, người tham gia giao thông đường bộ phải quan sát cả hai phía, khi thấy chắc chắn không có phương tiện đường sắt đang đi tới mới được đi qua. Nếu thấy có phương tiện đường sắt đang đi tới thì phải dừng lại, giữ khoảng cách tối thiểu 5m tính từ ray gần nhất, chỉ khi phương tiện đường sắt đã đi qua mới được đi.
Luật sư cho biết, theo các quy định tại điều nêu trên, tại nơi đường bộ giao nhau cùng với đường sắt, quyền ưu tiên sẽ thuộc về phương tiện giao thông đường sắt.
Do đó người đi đường phải quan sát, tuân thủ theo các tín hiệu… để đảm bảo an toàn, tránh xảy ra sự cố đáng tiếc khi lưu thông qua các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt.
Đối với vụ tai nạn ở Biên Hoà, Đồng Nai, tài xế xe bán tải cho xe lao từ hẻm ra, do thiếu quan sát, không chú ý nên đã dẫn đến xảy ra tai nạn. Như vậy tài xế có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260, Bộ luật hình sự, Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
"Tuy nhiên phải dựa trên kết quả điều tra, mức độ nghiêm trọng, thiệt hại của vụ tai nạn mới có thể xác định được mức hình phạt của tài xế", luật sư nói.
Theo luật sư, với hành vi trên, nếu bị kết tội, tài xế có thể bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm. Hoặc phạt tù từ 3 - 10 năm (khung thứ 2) và có thể đối mặt với khung hình phạt tù từ 7 - 15 năm (khung thứ 3).
Về trách nhiệm dân sự, tài xế có thể phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Bộ luật dân sự cho các nạn nhân và gia đình của họ, bao gồm chi phí y tế, tổn thất về tinh thần.
Bên cạnh đó, thời điểm tàu hỏa đến nhưng nhân viên gác chắn chưa kéo 1 barie trên đường Phạm Văn Thuận xuống vì đang vướng xe rác. Đối với việc này cũng cần xem xét nhân viên gác chắn đã thực hiện đủ các biện pháp bảo đảm an toàn khác hay chưa, bao gồm cảnh báo bằng tín hiệu âm thanh hoặc ánh sáng.
"Tuy nhiên trách nhiệm của nhân viên gác chắn sẽ dựa trên đánh giá cụ thể về các yếu tố liên quan và các biện pháp bảo đảm an toàn mà họ đã triển khai.
Nếu hành vi của nhân viên gác chắn bị cơ quan chức năng xác định là vi phạm quy định về an toàn giao thông, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nhưng thực tế hiện nay các cơ quan chức năng vẫn đang điều tra, do đó vẫn phải chờ kết luận chính thức để xác định mức độ, hành vi của những người liên quan", luật sư phân tích.
Theo báo cáo, vụ tai nạn xảy ra vào 20h47 ngày 28/7. Thời điểm này tàu khách SNT5 có trưởng tàu là Bùi văn Tiến, lái tàu Đoàn Hùng Hải đang điều khiển tàu thông theo hướng từ Bắc vào Nam.
Khi tàu đi đến địa điểm trên bất ngờ có xe bán tải biển số 60C-097.05 (có 4 người ngồi trên xe) lao từ hẻm ra giữa đường ngang dẫn đến va chạm với tàu hoả.
Sau vụ va chạm, xe bán tải bị hất văng va vào anh Lê Minh Tú (23 tuổi, quê Bình Dương, nhân viên môi trường) đang thu gom rác gần đó.
Hậu quả anh Tú tử vong tại chỗ. Còn cháu Bùi Hữu Nghĩa (13 tuổi, con bà Út) ngồi trên xe bán tải cũng bị văng ra đường ray, tử vong.
Ngoài ra có 3 người khác là Võ Văn Khải (tài xế), Mai Phú Phương (vợ anh Khải), Mai Thị Út (là mẹ của cháu Bùi Hữu Nghĩa) bị thương nặng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận