"Thách thức nhất là đốt hầm cao 9 m còn luồng chính sông Sài Gòn có chỗ sâu chỉ 10 m. Chỉ cần một sơ suất là đốt hầm va chạm đáy sông, kéo chìm cả những con tàu lai dắt", ông Lương Minh Phúc kể về việc lai dắt các khối bê tông tương đương tòa nhà 25 tầng để làm hầm vượt sông Sài Gòn.
Lai dắt khối bê tông 27.000 tấn tương đương tòa nhà 25 tầng suốt 22 km đường thủy, rồi dìm sâu 20 m xuống lòng sông Sài Gòn để gắn kết. Đó là công đoạn khó nhất khi làm hầm Thủ Thiêm và là những ngày không thể quên của những người từng thực hiện công trình này.
"8/3/2010 - đốt hầm đầu tiên được gắn kết thành công, tôi về đến nhà khi trời đã là 3h sáng. Bó hoa tặng bà xã đã khô", ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, nhớ lại ngày trực tiếp điều hành công trình hầm vượt sông Sài Gòn.
Thay vì các đường hầm được đào xuyên núi, 4 đốt hầm sông Sài Gòn được đúc rời ở Nhơn Trạch (Đồng Nai) cách 22 km. Sau đó, mỗi đốt hầm dài 93 m, cao 9m, mặt cắt ngang 33 m được lần lượt lai dắt về TP.HCM. Nặng đến 27.000 tấn, có người ví những đốt hầm này giống toà nhà 25 tầng, hay một sân bóng đá nhưng lại nổi trên mặt sông trong suốt quá trình lai dắt về Thủ Thiêm.
Các kỹ sư đã vận dụng tối đa lực đẩy Acsimet, hút nước ra ngoài để hầm nổi lên, bơm nước vào trong để dìm hầm xuống… và gắn kết các đốt hầm lại với nhau cho khít. Mô tả lại quá trình lai dắt, ông Phúc cho biết thời điểm đó, các kỹ sư Nhật Bản đã nảy ra ý tưởng lấy hai tấm vách thép để bịt kín hai đầu đốt hầm. Trong bụng đốt hầm có 8 bể thép và hệ thống máy để bơm nước sông vào, ra trong quá trình kéo lai dắt.
Khi bịt kín hai đầu, đốt hầm như một khối hộp hình chữ nhật rỗng. Hoàn thành giai đoạn này, đập ngăn cách bể đúc với sông Đồng Nai được phá vỡ để cho nước tràn vào bể đúc. Với thể tích của đốt hầm rất lớn, lực đẩy Acsimet đẩy các đốt hầm nổi trên mặt nước.
Với tính toán chính xác của kỹ sư Nhật Bản, khi nước tràn vào bể đúc, đốt hầm nặng 27.000 tấn như viên gạch rỗng nổi lên khỏi mặt nước nhô cao 20 cm. Bước tiếp theo là phải kéo những đốt hầm từ các bể đúc Nhơn Trạch về khu vực thi công.
"Điều quan trọng là làm sao khi lai dắt, đốt hầm có thể chuyển động dọc dòng sông mà không bị chao nghiêng xuống đáy sông. Thách thức nhất là đốt hầm cao 9 m còn luồng chính sông Sài Gòn có chỗ sâu chỉ 10 m, chỉ một sơ suất là đốt hầm va chạm đáy sông. Khối bê tông 27.000 tấn khi chìm dưới nước, lực cản sẽ gấp nhiều lần ", ông Phúc chia sẻ.
Nhà thầu phải thuê 4 tàu lai dắt từ Thái Lan bởi lúc đó ở Việt Nam chưa có những tàu như thế này. Trước khi lai dắt đốt thứ nhất, nhà thầu đã lai dắt thử một sà lan từ Nhơn Trạch về Thủ Thiêm để canh chỉnh giờ giấc, điều kiện thủy văn.
Kể lại các tình huống thót tim, ông Phúc cho biết khi tàu lai dắt từ sông Đồng Nai rẽ vào Mũi Đèn Đỏ, đi dưới cầu Phú Mỹ với dòng nước chảy xiết, đường cong. Chỉ cần các tàu lai dắt phối hợp không nhịp nhàng, đốt hầm sẽ xoay ngang và bị lật.
"Sai số cho phép tính từng milimet, chỉ cần một sơ suất là đốt hầm va chạm đáy sông, kéo chìm cả những con tàu lai dắt".
Đốt hầm đầu tiên khi kéo về Thủ Thiêm được neo, cố định trên mặt sông, sau đó dìm xuống phía hầm dẫn bờ Thủ Thiêm. Làm sao để đốt hầm số 1 hạ xuống và khít vào đường hầm dẫn đã đúc sẵn. Tất cả đều được canh chỉnh chi tiết đến từng milimet.
"Để làm được, chúng tôi đã sử dụng đến công nghệ đã áp dụng cho ron cửa các tàu vũ trụ", ông Lương Minh Phúc nói và cho biết công nghệ này làm cho đốt hầm số 1 không va chạm với hầm dẫn, đồng thời khiến 2 kết cấu khít chặt với nhau. Khi đó, thợ lặn là những người nhái phải lặn lên ngụp xuống hàng chục lần để canh chỉnh dưới nước.
"Có thể hình dung mặt cắt ngang sông Sài Gòn có đoạn sâu nhất là âm 15 m, chúng ta đào thêm 12 m với mặt cắt ngang rộng như một hình thang, tương tự kênh đào thủy lợi", ông Phúc dẫn giải.
Có nhiều kinh nghiệm làm các công trình hầm dìm trên thế giới, các chuyên gia Nhật Bản nhận xét dòng chảy sông Sài Gòn rất phức tạp. Đó là thách thức lớn nhất khi tính toán thi công hầm.
"Thời điểm dìm hầm, phía Nhật Bản phải mời một chuyên gia, trong đời vị này đã dìm 50 đốt hầm như vậy trong đường hầm vượt biển Thổ Nhĩ Kỳ nối châu Âu và một số vị trí ở Sydney (Australia). Đốt hầm của hầm vượt sông Sài Gòn là đốt hầm thứ 51 trong sự nghiệp của ông ấy", ông Phúc nói.
Nhớ lại hôm dìm đốt hầm đầu tiên là ngày 8/3/2010, ông Phúc kể từ 5h sáng, đốt hầm đầu tiên bắt đầu kéo từ bể đúc Nhơn Trạch về Thủ Thiêm. Mất 12 giờ cho hành trình đó. Sau khi neo đốt hầm vào vị trí, các chuyên gia tính toán cần 6 giờ để dìm đốt số 1 với hầm dẫn bờ Thủ Thiêm, tức là đến 18h sẽ kết thúc.
Nhưng hôm đó, việc hạ khối bê tông xuống đáy sông phải cân chỉnh mất nhiều thời gian hơn dự tính. Mỗi lần định hạ đốt hầm xuống là phải bơm hàng trăm khối nước vào và muốn hầm nổi lên lại phải hút nước ra. Công việc như vậy cứ liên tục, ai cũng toát mồ hôi. Đến tận 0h ngày 9/3/2010, đốt hầm số 1 mới được dìm xuống đúng vị trí.
"Lúc đó anh em thở phào nhẹ nhõm. Tôi về nhà lúc 3 giờ sáng, bó hoa trên xe để tặng vợ ngày 8/3 đã héo", ông Phúc kể lại.
Đốt cuối cùng số 4 cũng là một thử thách khác. Ông Phúc cho biết đốt hầm dài 93 m, trong khi khoảng cách giữa mặt cắt đốt số 3 và hầm dẫn phía quận 1 là 95 m. Có nghĩa, chỉ còn khoảng trống 2 m khi tịnh tiến khối bê tông 27.000 tấn đi xuống.
Các chuyên gia Nhật đã đưa ra một ý tưởng là tạo một vách gỗ ở phía hầm dẫn bờ quận 1. Đốt hầm số 4 ép sát vào vách gỗ đó, hạ từ từ trên xuống, sau đó dịch chuyển để gắn kết vào mặt cắt số 3. Có thể hình dung là khi dìm khối nhà 15 tầng nặng 27.000 tấn xuống, mỗi bên chỉ còn 1 m.
Đội ngũ thi công trên bờ, đội thợ lặn người nhái bên dưới phối hợp để vừa dìm, vừa chỉnh độ dốc. Có thời điểm đang dìm hầm, trời mưa nặng hạt, tất cả ướt sũng nhưng mọi việc vẫn phải tiếp tục.
"Thế nhưng rất ấn tượng là đốt hầm số 4 lại là đốt hầm có tốc độ dìm nhanh nhất, 14h chiều là đã xong. Khi cánh cửa thép ngăn cách hầm dẫn và đốt hầm số 4 mở ra, anh em bước qua vách ôm nhau, cảm xúc vỡ òa", ông Lương Minh Phúc nhớ lại.
21/9/2010, trời không mưa, buổi lễ hợp long hầm vượt sông Sài Gòn diễn ra tốt đẹp. Những người thi công và cả hàng triệu người dân từng ngày dõi theo công trình không giấu được hạnh phúc.
Giấc mơ về một con đường ngắn nhất nối kết trung tâm quận 1 với khu đô thị mới Thủ Thiêm đã đến rất gần. Lãnh đạo TP.HCM tự hào vì đây là kỳ tích trong thời bình, đánh dấu bước phát triển vượt của một quốc gia nông nghiệp đang từng bước hòa nhập vào nền kinh tế thế giới.
Nhớ lại những đêm trắng lênh đênh trên mặt nước từ tháp chỉ huy, ông Phúc xúc động trước cảnh hơn 1.500 người trên dưới lòng sông đồng lòng thực hiện. Người dân tôn trọng tuyệt đối, dừng mọi hoạt động giao thông, đảm bảo mặt sông phẳng lặng để đội thi công làm nhiệm vụ.
Hàng trăm phóng viên, nhà báo của Trung ương, địa phương đến các điểm dọc sông Đồng Nai, sông Sài Gòn để chụp hình đưa tin. Thời điểm đó cũng chưa có flycam để ghi lại, thành phố huy động một chiếc trực thăng để chở phóng viên ảnh, truyền hình để theo dõi suốt quá trình lai dắt từ trên cao…
"Đó là những tình cảm vô giá, hành trang để các anh em chúng tôi giữ trong tim và đi tiếp. Ngày khởi công vành đai 3 TP.HCM, tôi có cảm giác như mình được lần nữa gặp lại không khí đó, cả thành phố cùng tiến về phía trước", ông Phúc chia sẻ.
Sau 14 năm, đường hầm sông Sài Gòn vận hành hiệu quả, an toàn, ông Phúc đặt niềm tin ngành giao thông tiếp tục thực hiện thành công thêm những công trình khác đóng góp cho thành phố.
"TP.HCM sẽ có thêm những công trình lớn hơn, hiện đại hơn, nhưng đây cũng là công trình "rất" đầu tiên", lãnh đạo Ban giao thông nói.
Hơn một thập kỷ qua, hầm vượt sông Sài Gòn nối kết giao thông giữa TP Thủ Đức với trung tâm TP vốn bị ngăn cách bởi sông Sài Gòn. Công trình góp phần giảm ùn ứ giao thông, rút ngắn quãng đường từ trung tâm thành phố về các tỉnh miền Tây, miền Đông, tạo tiền đề để khu đô thị Thủ Thiêm bứt phá.
"Sau khởi đầu tốt đẹp của hầm vượt sông Sài Gòn, TP.HCM đã có thêm cầu Ba Son, sắp tới là cầu Thủ Thiêm 3 kết nối quận 4 và khu đô thị mới Thủ Thiêm, cầu Thủ Thiêm 4 nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm qua quận 7, cầu vượt sông Đồng Nai, tạo tiền đề cho bán đảo Thủ Thiêm phát triển hơn nữa", ông Lương Minh Phúc nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận