9h sáng 20/10, TP Hà Tĩnh chỉ còn mưa phùn dày hạt; một số điểm ngập, nước đã rút nhẹ hơn so với hôm qua. Tôi vội phóng xe tìm đường ra vòng xuyến Thạch Long (Thạch Hà) để theo đường tránh thành phố đi lên vùng Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên).
Là phóng viên, nhiều lần tác nghiệp trong mưa lũ, nhưng sau một hồi lâu loay hoay tìm đường ra, tôi mắc kẹt ngay ngã tư nút giao đường Quang Trung với đường 35. Đang không biết đi hướng nào thì một người đàn ông đi xe bán tải đến gần nói to: “Cả 3 hướng đều ngập sâu lắm, xe chú không qua được đâu, muốn về đâu, để tôi đưa đi”.
Nhìn cách chỉ đường, tôi dám chắc anh đã dùng xe bán tải gầm cao của mình đi khảo sát các tuyến đường rồi sau đó chạy đi chỉ lối cho người dân.
Lên đến đường tránh TP Hà Tĩnh, hình ảnh đập vào mắt tôi là từng đoàn xe container, đầu kéo, xe tải lớn nối đuôi nhau kéo dài cả km. Dù đây là đường 2 chiều, không có dải phân cách cứng giữa đường, trong khi chỉ có xe hướng Bắc - Nam lưu thông. Thế nhưng, tất cả các xe đều lưu thông theo đúng phần đường của mình.
Thi thoảng, có một xe của lực lượng chức năng vận chuyển nhu yếu phẩm, áo phao cho người dân vùng lũ vượt lên, tôi mới hiểu mọi người đang dành phần đường bên kia để “ưu tiên” cho bà con vùng lũ. Cũng trong dòng xe nối đuôi nhau đó, tôi nhìn thấy có rất nhiều xe tải chở đầy hàng hóa, phía trước gắn băng rôn “hướng về miền Trung lũ lụt”.
Đến địa phận xã Tân Lâm Hương (huyện Thạch Hà), nước lũ tràn qua mặt đường, tất cả đều chìm trong biển nước, có nhà ngập đến tận gần nóc. Tận dụng một số điểm cao ráo, các đoàn từ thiện nhanh tay hạ các nhu yếu phẩm xuống xe, trước khi chuyển đến tay người dân.
Trong các đoàn đó, có rất nhiều phụ nữ. Hôm nay là ngày lễ của họ (20/10), nhưng họ không ở nhà mà đội mưa vượt cả trăm km để về với bà con vùng mưa lũ.
12h15, một xe cứu trợ biển Nghệ An lùi vào hỗ trợ cho bà con ở thôn Mỹ Triều, xã Tân Lâm Hương. Đoàn cứu trợ hỏi những người dân khu vực có bao nhiêu hộ để phân chia phần hỗ trợ. Sau một hồi trao đổi, một người đàn ông luống tuổi trả lời: “Bên này đường có khoảng 70 hộ, bên kia khoảng 70 hộ nữa là 140 hộ. Chúng tôi xin nhận một phần ít mì tôm, còn lại phần nhiều để đoàn đưa vào hỗ trợ người dân Quảng Bình. Quảng Bình còn ngập sâu hơn…”.
Thôn Bình Tiến, xã Tân Lâm Hương (Thạch Hà) nằm ngay dưới hạ lưu hồ Kẻ Gỗ. Sau những ngày mưa lớn kéo dài, cộng với hồ Kẻ Gỗ xả lũ (thời điểm cao nhất lên đến mức gần 1.100m3/s) đã khiến khu vực này chìm trong biển nước. Nước trắng trời, nước chui vào nhà, ngập gần đến nóc.
Không để dân đói, khát, Công an huyện Thạch Hà tiếp tục chia nhau, dùng xuồng, ca nô đi vào tiếp tế nhu yếu phẩm đến từng người dân.
Giữa mênh mông sóng nước, Trung úy Nguyễn Quốc Nghĩa cho biết, bố mẹ anh ở Cẩm Xuyên, hiện cũng đang chìm trong nước lũ; nhà anh ở TP Hà Tĩnh cũng bị nước ngập sâu nên vợ và con (mới hơn 3 tháng tuổi) phải sơ tán sang nhà bác.
Đến nay, đã khoảng 10 ngày các anh chưa về với gia đình, người thân dù trong số đó có nhiều người nhà cửa cũng đang ngập sâu trong nước, vợ con phải sơ tán. Thế nhưng, trước khó khăn của nhân dân, các anh đã gác tình riêng để lo cho dân trước, lo cho mình sau.
Câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quảng bởi tiếng gọi thất thanh của một người dân ở phía sau: “Các anh ơi! có cháu bé cần cấp cứu”. Trung úy Nghĩa đánh lái quay ca nô ngược lại. Một cháu bé 6 tháng tuổi của gia đình chị Nguyễn Thị Quyên (ở thôn Bình Tiến) bị sốt, co giật và tím tái. Bốn bề nước vây trắng xóa, gia đình không biết làm gì. Rất nhanh chóng, tổ tiếp tế đã có mặt ở gia đình cháu bé để đưa cháu và người thân ra đường tránh TP Hà Tĩnh đi cấp cứu.
Một điều khiến tôi có thể cảm nhận là giữa mênh mông biển nước, trong cơn bĩ cực, người dân nơi đây vẫn nhường nhịn, sẻ chia cho nhau từng gói mì, hộp sữa, từng tấm chăn mỏng; tổ tiếp tế đến ai cũng chỉ lấy đủ phần ăn của gia đình, không xin thêm; nhà cao ráo hơn đón những nhà thấp hơn về góp gạo ăn chung.
Trời về chiều, mưa ngày một dày hạt, tôi rời đi. Dọc tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh, từng đoàn xe cứu hộ vẫn nối đuôi nhau chạy vào…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận