Giữa tâm dịch Đà Nẵng, vượt qua nỗi sợ hãi, họ đã gác lại công việc gia đình để tình nguyện ngày đêm góp sức, góp của chung tay cùng cả cộng đồng chiến đấu với dịch bệnh. Dù đó là doanh nhân, chủ nhà hàng, chủ hãng xe hay là bác sĩ, sinh viên... thì nghĩa cử của họ cũng chỉ đều nhằm một mục đích là san sẻ bớt khó khăn với những người nơi tuyến đầu chống dịch, những hoàn cảnh còn khó khăn.
Gác việc nhà, nấu hàng nghìn suất cơm thiện nguyện
8h sáng 6/8, như thường lệ, anh Phạm Quang cùng anh Nguyễn Tuấn Anh lại có mặt trước số nhà 185 Bế Văn Đàn (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) để chuẩn bị công đoạn cuối cùng cho việc nấu cả ngàn suất ăn, trước khi vận chuyển đến các bệnh viện trên địa bàn thành phố. Tại căn nhà rộng rãi, không khí hết sức khẩn trương, hàng chục người ai vào việc nấy để cho kịp giờ.
Anh Quang vốn là chủ hãng xe du lịch, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên hãng đã ngừng chạy. Gác lại mọi công việc nhà, hàng ngày anh cùng vợ đến nấu ăn và trực tiếp đi giao cả ngàn suất đến tiếp sức cho các y, bác sĩ, đơn vị chức năng, bệnh nhân tại các bệnh viện trên địa bàn TP Đà Nẵng… “Mỗi ngày có trên dưới 2.000 suất ăn được tiếp tế vào bệnh viện, cơ sở cách ly. Khối lượng lớn nhưng tất cả phải được thực hiện nghiêm ngặt, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm”, anh Quang nói.
Hơn 11h trưa 6/8, khi vừa giao những suất cơm cuối cùng cho Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng, anh Tuấn Anh lại đánh lái chiếc xe về phía phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn), gõ cửa hơn chục hộ dân có hoàn cảnh khó khăn để trao tặng các suất nhu yếu phẩm gồm gạo, xì dầu, dầu ăn… giúp họ chống chọi qua mùa dịch.
Là chủ nhà hàng trên đường Nguyễn Tất Thành, phải đóng cửa vì Covid-19 nhưng cũng như anh Quang, anh Tuấn Anh không để mình rảnh rỗi. Hàng ngày, anh cùng các thành viên của Quỹ hai buổi ngược xuôi khắp thành phố để giao suất ăn miễn phí tới các y, bác sĩ và tặng nhu yếu phẩm cho người nghèo. Toàn bộ số tiền dùng để mua các nhu yếu phẩm cần thiết đều được trích từ Quỹ “Vì một thành phố đáng sống”.
Theo anh Phạm Thanh (sáng lập Quỹ vì một thành phố đáng sống), trong đợt giãn cách xã hội lần trước, Quỹ đã quyên góp được khoảng 700 triệu đồng. Tuy nhiên, các hoạt động thiện nguyện sau đó đã “ngốn” số tiền lên tới 3 tỷ đồng. Vì thế, số tiền 2,3 tỷ đồng còn lại anh đã phải huy động các thành viên trong gia đình mình đóng góp.
Đến lần này khi dịch quay trở lại, Quỹ cũng quyên góp được khoảng 700 triệu đồng, nhưng số tiền triển khai đến nay đã lên tới gần 900 triệu đồng. “Ngay từ đầu mùa dịch mới, các thành viên tập trung mua thiết bị y tế, bảo hộ, thuốc men, quần áo, chăn mền để kịp thời chi viện cho các bệnh viện. Chỉ riêng khẩu trang, Quỹ đã mua loại tốt nhất là N95 với giá gần 100.000 đồng/chiếc để hỗ trợ các bác sĩ khu vực cách ly, điều trị cho bệnh nhân Covid-19”, anh Quang cho biết.
Cùng với việc hỗ trợ các y, bác sĩ, anh Quang cho biết, Quỹ còn hướng tới những hộ nghèo, bởi bình thường họ cũng đã rất khó khăn, nay gặp dịch lại càng khó khăn hơn nữa. Đến nay, đã có hơn 10.000 suất nhu yếu phẩm được Quỹ trao tặng tới các hộ nghèo trong thành phố.
“Trốn” nhà đi tình nguyện chống dịch
0h sáng, chốt kiểm soát dịch trên đường Trần Đại Nghĩa (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) thưa hẳn xe cộ qua lại, các thành viên làm nhiệm vụ tại chốt được thảnh thơi đôi chút. Trương Quang Cương (19 tuổi, quê ở Quảng Ngãi) người nhễ nhại, mồ hôi chảy thành dòng bởi bộ đồ bảo hộ trùm kín mít. Ca trực của Cương kéo dài 8 tiếng.
Cương là sinh viên Trường Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Việt Hàn (đóng tại quận Ngũ Hành Sơn). Ngày Đà Nẵng bùng phát dịch, lệnh phong tỏa thành phố được ban ra cũng là lúc trường cho toàn bộ sinh viên nghỉ học. Bạn bè của Cương phần lớn về quê tránh dịch cũng như tránh cảnh bị thiếu thốn do phong tỏa. Cương quyết định ở lại, đăng ký đi tình nguyện tại các chốt kiểm dịch của thành phố.
Sau vài ngày chờ đợi, Cương nhận quyết định được tham gia vào đội ngũ tình nguyện viên cùng Đà Nẵng chống dịch. Ngày nhận quyết định, Cương lo lắng đến mất ngủ. Bởi chưa bao giờ cậu làm công việc kiểm soát y tế, sợ mình sẽ làm không tốt nhiệm vụ.
Phần lo lắng hơn là Cương không dám báo tin cho mẹ về việc mình đi tình nguyện chống dịch. “Em chỉ nói với mẹ do bị kẹt nên ở lại, tranh thủ thời gian nghỉ học bài chứ không dám nói đi tình nguyện tại chốt kiểm soát dịch vì sợ mẹ lo lắng”, Cương bộc bạch.
Cương chia sẻ, những ngày đầu làm nhiệm vụ có nhiều người qua lại, Cương có nhiệm vụ yêu cầu người dân khai báo y tế, khoảng cách tiếp xúc khá gần nên ban đầu cũng khá lo lắng. “Trên cả nỗi sợ hãi, em tin rằng Đà Nẵng sẽ chiến thắng dịch bệnh. Một ngày không xa, bọn em sẽ trở lại trường lớp, người dân sẽ ra đường, đi làm việc trở lại bình thường”, Cương nói.
Cả nhà chung tay chống dịch
Những ngày qua, khi BS. Lê Đức Dũng đang căng sức điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện C Đà Nẵng thì nơi hậu phương, cũng là lúc vợ anh - y sĩ Ngô Thị Thùy, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) tất bật công tác phòng chống dịch.
Từ ngày 30/7, Bệnh viện C bị phong tỏa, BS. Dũng túc trực và cách ly hoàn toàn tại bệnh viện. Ở nhà, y sĩ Thùy vừa lo chăm hai con nhỏ vừa tất bật với cả núi công việc: Rà soát dịch tễ, hướng dẫn người dân khai báo y tế, phòng chống dịch, khi Hòa Hải là một trong những địa phương đầu tiên có người bị mắc Covid-19. Trong khi đó, Trạm Y tế phường Hòa Hải chỉ có 10 nhân viên y tế. Đến nay, phường Hòa Hải đã ghi nhận có 3 ca dương tính với Covid-19; cách ly 74 trường hợp tiếp xúc F1.
“Khi nhận thông tin có người mắc Covid-19, có phần lo lắng nhưng tôi trấn tĩnh mọi người và tập trung ngay việc thống kê về các trường hợp F1, F2. Chúng tôi căng mình làm việc không kể ngày đêm, hầu như 24/24h nhằm sớm có những thông tin dịch tễ chính xác, đầy đủ gửi lên đơn vị y tế tuyến trên để kịp thời tổng hợp, có phương án xử lý. Tất cả đội ngũ nhân viên y tế đều lăn lộn đến từng căn nhà, từng ngõ, từng phố tuyên truyền, hướng dẫn người dân”, chị Thùy chia sẻ.
Theo ông Huỳnh Quang Trung, Chủ tịch UBND phường Hòa Hải, mặc dù hoàn cảnh có chồng là bác sĩ đang ở tuyến đầu chống dịch, lại cáng đáng 2 con nhỏ, nhưng chị Thùy chưa bao giờ tỏ ra mệt mỏi.
BS. Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn cho hay, những ngày qua, lực lượng 4 trạm y tế trên địa bàn quận đều nỗ lực thực hiện nhiệm vụ. Không riêng trường hợp chị Thùy mà có rất nhiều gia đình cả hai vợ chồng đều là những thành viên tích cực tham gia chống dịch, tất cả đều tạm thời gác lại việc cá nhân.
Hiệu quả từ lực lượng phản ứng nhanh 24/24h
Thời gian qua, mô hình Tổ giám sát phòng chống dịch bệnh ở khu dân cư đã được thành lập tại nhiều nơi trên địa bàn Đà Nẵng, thực hiện nhiệm vụ xử lý những tình huống cấp bách, đem lại hiệu quả rất thiết thực. Nhờ phản ứng nhanh, hoạt động 24/24h nên những sự việc dù là nhỏ nhất cũng đều được xử lý nhanh chóng, từ việc phát hiện người trốn cách ly, khai báo y tế không trung thực hay kể cả những tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội.
Là một trong những nơi tổ chức tốt mô hình này, ông Cao Đình Hải, Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) cho biết, những ngày qua, các Tổ giám sát phòng chống dịch bệnh Covid-19 ở khu dân cư đã khẳng định vai trò, nhiệm vụ tiên phong trong công tác ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Hiện phường đã thành lập được 24 Tổ giám sát. Hàng ngày, các Tổ giám sát thành lập các chốt tại các tuyến đường là cửa ngõ, lối vào địa bàn phường để giám sát người ra vào, giám sát y tế và tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt giãn cách xã hội.
Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh đang tiếp tục diễn biến phức tạp, lãnh đạo các phường trên địa bàn Đà Nẵng phản ánh: Các thành viên trong Tổ giám sát phải căng mình túc trực, hoạt động ngày đêm không nghỉ. Trong khi đó nguồn nhân lực bổ sung, tăng cường có hạn. Vì vậy, các phường đã gửi lời kêu gọi người dân, bác sỹ, nhân viên y tế, sinh viên ngành y trên địa bàn phường đăng ký tham gia Tổ giám sát nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.
Trước tình hình trên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) cho biết, 343 sinh viên vừa tốt nghiệp trường Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng đã được huy động để tình nguyện lăn lộn vào cộng đồng điều tra dịch tễ và truy vết.
“Hơn chục ngày chưa ai được về nhà”
Mới đây, thông tin chị Đặng Thị Thu Hà (cán bộ y tế phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) ngất xỉu khi đang làm việc đã khiến nhiều người xúc động mạnh. Khi Đà Nẵng thành “điểm nóng” Covid-19, phường Hòa Minh được xác định có nhiều người trong diện phải cách ly do tiếp xúc với nguồn bệnh, từng đến thăm khám tại Bệnh viện Đà Nẵng.
Chị Hà cùng các y, bác sĩ Trạm y tế căng sức để xác định các đối tượng F1, F2. Đêm 1/8, khi công việc tạm kết thúc, khoảng 21h cùng ngày, khi chưa kịp ăn tối thì chị Hà mệt lả và ngủ thiếp đi. Đến hôm sau, chị được chồng chở đến trạm y tế, nhưng vừa đến cổng, chị gục xuống ngất xỉu. “Tôi chỉ mong có sức khỏe để được cùng các đồng nghiệp hoàn thành tốt nhiệm vụ”, chị Hà chia sẻ khi vừa tỉnh dậy.
Tại Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng, tần suất làm việc của các y, bác sĩ, nhân viên dày đặc đến nỗi họ hầu như “không có thời gian thở”. Hình ảnh nhiều y, bác sĩ mệt lả, không thể đứng vững và phải nhờ đồng nghiệp hỗ trợ được lan truyền trên mạng xã hội vừa qua gây sự xúc động với nhiều người.
BS. Trần Công Thông, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng cho hay, trung tâm là đơn vị duy nhất được thành phố giao vận chuyển các ca nhiễm và nghi nhiễm Covid-19. Gần 100 cán bộ, nhân viên trực tiếp làm việc với 14 xe cứu thương, luôn hoạt động quá công suất trong những ngày qua. “Mọi người “chiến đấu” 10 ngày nay và không ai được về nhà. Anh em phân công nhau tranh thủ ăn uống và chợp mắt tạm ở phòng làm việc hoặc hội trường rồi tiếp tục lên đường”, BS. Công cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận