Dồn sức lo phòng dịch
Theo ông Dương Xuân Huyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, trên địa bàn hiện có 4 khu cách ly người dân trở về từ Trung Quốc và các lái xe, chủ hàng sau khi xuất khẩu nông sản qua biên giới trở về. Đến nay, tổng số người phải cách ly, theo dõi đã lên đến gần 1.000 người. Trong đó có khoảng 20 người có biểu hiện ho, sốt đang được cách ly, chăm sóc tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên, đã có 6 trường hợp có xét nghiệm âm tính với virus nCoV, số trường hợp đang chờ kết quả xét nghiệm còn lại cũng có sức khỏe tốt. “Lãnh đạo UBND tỉnh cũng thường xuyên động viên, vận động người dân cùng chung sức, đùm bọc vượt qua khó khăn vì sức khỏe của nhân dân cả nước”, ông Huyên nói.
Những ngày này, việc thông quan tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) vẫn diễn ra nhưng trong cảnh tượng trái ngược. Ở chiều xuất cảnh, mỗi ngày chỉ có vài chục người Trung Quốc từ Việt Nam vội vã kéo theo hành lý trở về nước. Ở chiều ngược lại, có tới cả trăm người Việt Nam trở về từ biên giới trong ngày. Mỗi lúc đón người dân trở về quê hương, các lực lượng kiểm dịch y tế quốc tế, hải quan, biên phòng tại cửa khẩu lại tất bật triển khai các công tác phòng dịch như: Hướng dẫn người dân rửa tay, đeo khẩu trang phòng dịch; Kê khai thông tin cá nhân, tình hình sức khỏe, nơi đến - đi, các vùng, miền đã đi qua trên nước bạn...
Vừa cùng gần 10 người hoàn thành kiểm tra y tế, chị Bùi Thị Thắm (xóm 4, xã Hải Vân, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) tâm sự: “Có mặt tại Trung Quốc trong những ngày qua là ác mộng đối với chúng tôi khi tất cả người dân đều bị cấm đi lại, không được ra khỏi nhà. Không có việc làm, thu nhập, thực phẩm cũng thiếu thốn. Bên cạnh đó, nỗi lo bị nhiễm dịch bệnh luôn thường trực khiến ai cũng mất ăn, mất ngủ. Nhờ có sự hỗ trợ của lực lượng chức năng, tôi đã trở về nước an toàn”.
Sau khi hoàn thiện thủ tục y tế và nhập cảnh, người dân được lực lượng bộ đội biên phòng chia nhóm, dùng xe chuyên dụng đưa về nơi cách ly 14 ngày theo quy định.
Tỏ rõ sự mệt mỏi sau những ngày làm việc hết công suất, Bác sĩ Hoàng Phúc Sinh, phụ trách công tác kiểm tra y tế quốc tế tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị cho biết: “Không chỉ kiểm tra thân nhiệt, lập hồ sơ y tế của từng người nhập cảnh, sau mỗi ca làm việc, chúng tôi đều phải thực hiện công tác tiêu độc, khử trùng; phòng, chống dịch bệnh tại đường xuất, nhập cảnh, thông quan hàng hóa, trụ sở làm việc và xung quanh khu cửa khẩu. Hết ngày, ai cũng tỏ rõ sự mệt mỏi nhưng đều động viên nhau cùng vượt qua”.
Khác với cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, từ dịp Tết Nguyên đán đến nay, các hoạt động thông thương, qua lại tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) vẫn đang tạm dừng. Tại đây hiện có hơn 250 xe vận chuyển thanh long, tổng khối lượng hơn 5.000 tấn đang được tập kết. Trong đó, nhiều tài xế đã “ăn Tết”, nằm chờ ở đây từ trước Tết. Tài xế Nguyễn Hồng Minh, xã Phú Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre cho biết: “Tôi vận chuyển thanh long từ Long An ra đây từ 26 Tết, đến mùng 2 Tết thì đến cửa khẩu. Mỗi ngày, chi phí ăn nghỉ, bến đỗ, bảo quản hàng hóa mất khoảng 1.000.000 đồng/người và xe. Nỗi lo dịch bệnh cũng có thể tràn đến bất cứ lúc nào, việc bảo đảm chất lượng hàng hóa cũng là trở ngại lớn. Cách 2 giờ chúng tôi lại nổ máy giúp bảo quản lạnh thùng xe. Nếu phải nằm đây cả tháng thì mọi cố gắng trên cũng sẽ trở nên vô nghĩa”.
Ngồi cạnh đó, tài xế Đặng Hữu Hưởng, xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên chia sẻ: “Trước tình cảnh khó khăn, anh em lái xe thường chia sẻ nhau từng gói mỳ tôm, mẩu bánh mỳ qua ngày. Chúng tôi cũng động viên nhau bám trụ, vớt lại chút vốn sau chuyến hàng tồn; Hết dịch mới trở về để tránh nguy cơ ảnh hưởng đến gia đình, người thân và cộng đồng”.
Chia sẻ về tình hình hiện tại, ông Tôn Văn Hà, Phó chi cục trưởng, Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh khẳng định: “Tổ chức chốt chặn, không cho người dân 2 nước đi qua các đường mòn, lối mở với phương châm phòng dịch là quan trọng nhất hiện nay. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn cũng tích cực kết nối, trao đổi với cơ quan chức năng nước bạn để sớm mở lại cửa khẩu, giải cứu số lượng lớn nông sản đang tồn đọng”.
Tất cả vì sức khỏe nhân dân
Những ngày đầu thực hiện phương án cách ly người dân trở về từ biên giới Trung Quốc, Trung đoàn 123, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn còn gặp nhiều bỡ ngỡ khi phần lớn cán bộ, chiến sỹ mới chỉ 19, 20 tuổi, vừa nhập ngũ đầu năm trước. Nhiều chiến sỹ trước khi nhập ngũ còn là những “cậu ấm”, “cơm bưng, nước rót”, nhiều khi việc chăm sóc bản thân vẫn phải được các cán bộ trong Trung đoàn cầm tay, chỉ việc...
Nay, họ bỗng trở thành người chăm sóc đặc biệt, bảo đảm ăn, nghỉ, vệ sinh môi trường; theo dõi sức khỏe cho 410 người dân được đưa về cách ly 14 ngày theo quy định. Với 83 cán bộ, chiến sỹ toàn đơn vị, bình quân mỗi người phải chăm sóc từ 4 - 5 người dân. Trong đó, đa phần là nữ giới, lớn nhất là 59 tuổi, nhỏ nhất có vị khách mới hơn 1 tuổi, có nhu cầu, đòi hỏi khác nhau.
Thượng tá Nguyễn Văn Quyền, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 123 nhấn mạnh: Ngoài việc bảo đảm an ninh, chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ và sức khỏe cho người dân đến cách ly, Trung đoàn luôn yêu cầu các chiến sỹ phải chủ động phòng, tránh dịch bệnh cho chính mình như thường xuyên sử dụng khẩu trang, găng tay, dụng cụ bảo hộ. Mỗi khi tiếp xúc với người dân đều phải rửa tay, sát khuẩn để bảo đảm hiệu quả phòng dịch, bảo đảm sức khỏe cho tất cả mọi người. “Một số vị khách đã từng bị cơ quan chức năng Trung Quốc giữ lại cách ly 14 ngày trên nước bạn, khi trở về Việt Nam lại được đưa đến đây nên kịch liệt phản đối. Tuy nhiên, bằng tấm lòng chân thành của mình, các cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn vẫn kiên trì giải thích giúp người dân hiểu rõ vai trò cao cả của việc làm trên đối với sức khỏe của nhân dân cả nước”, Thượng tá Quyền nói và chia sẻ: “Vất vả, mệt nhọc nhưng niềm vui lớn nhất là sau gần 1 tuần theo dõi tại đơn vị chưa ghi nhận trường hợp nào có biểu bất thường về sức khỏe”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận