Đồng loạt kiến nghị
Theo phản ánh, thời gian qua, các cảng và doanh nghiệp cảng tại Bà Rịa - Vũng Tàu gặp nhiều khó khăn vướng mắc liên quan đến công tác nạo vét duy tu khu nước trước bến cảng cũng như các nghĩa vụ phát sinh liên quan đến vật chất nạo vét.
Từ năm 2021 đến nay, các doanh nghiệp nhận được rất nhiều văn bản từ Sở TN&MT tỉnh yêu cầu thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với việc sử dụng vật chất nạo vét từ hoạt động nạo vét duy tu vùng nước trước bến cảng như với khoáng sản.
Các doanh nghiệp cho rằng, trước đây, tỉnh đã có quy hoạch khu vực nhận chìm vật chất nạo vét tại khu A ngoài khơi biển Bà Rịa - Vũng Tàu.
Kể từ khi có sự cố môi trường do Formosa, Hà Tĩnh năm 2016, pháp luật về bảo vệ môi trường thay đổi, kéo theo hàng loạt các quy định mới, thủ tục phức tạp, chi phí rất lớn và thời gian phê duyệt kéo dài.
Theo Nghị định 159 của Chính phủ, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh phải công bố địa điểm đổ chất nạo vét trên bờ và ngoài biển thuộc phạm vi quản lý trước ngày 30/1 hằng năm.
Nhưng tới tháng 5/2023, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới ban hành quyết định công bố khu vực đổ trên bờ, có ghi mục đích đổ san lấp hoặc đổ thải của các khu vực tiếp nhận vật chất nạo vét.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, cảng biển chỉ có nhu cầu đổ vật chất nạo vét đi và không có nhu cầu cũng như không phải là bên sử dụng vật chất nạo vét để san lấp.
Theo ông Đặng Việt Dũng, Tổng giám đốc Cảng tổng hợp Thị Vải, khi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đổ bùn nạo vét lên bờ với tên gọi "đổ san lấp", vật chất nạo vét này lại được xem là khoáng sản và bị yêu cầu thực hiện các nghĩa vụ tài chính về khai thác khoáng sản (bao gồm truy thu đối với cả các dự án duy tu, nạo vét trước đây).
Đại diện Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) cũng cho rằng, nạo vét khu nước trước bến cảng hằng năm là yêu cầu thiết yếu, gắn với an toàn khai thác cảng. Việc nạo vét này không nhằm mục đích thu hồi khoáng sản, không phải là hoạt động khai thác khoáng sản, nên việc thu phí khoáng sản là vô lý.
Ông Đỗ Công Khanh, Chủ tịch HĐQT cảng Cái Mép Gemadept - Terminal Link cũng nói rằng bản thân các doanh nghiệp cảng hoạt động theo công năng của một cảng biển như đã đăng ký trong giấy chứng nhận đầu tư, không đăng ký kinh doanh khai thác khoáng sản hay vật chất nạo vét duy tu để từ đó bị thu phí khoảng sản.
Đề xuất không áp dụng thu phí chất nạo vét cảng biển
Theo Cục Hàng hải VN, hiện nay, Bộ GTVT đang dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 159/2018 về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa. Dự thảo có đề xuất liên quan tới việc áp thuế khoáng sản với chất nạo vét tại vùng nước cảng biển.
Trong đó, đề xuất chưa áp dụng các quy định về khoáng sản đối với chất nạo vét, duy tu trong vùng nước cảng biển và vùng nước trong thời gian chưa có hướng dẫn kỹ thuật đánh giá, phân tích thành phần, hàm lượng, khối lượng khoáng sản cũng như chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn chất nạo vét tận dụng vào mục đích san lấp, xây dựng và mục đích khác.
Hoàng Anh
Vì sao chỉ Bà Rịa - Vũng Tàu làm vậy?
Trong văn bản gửi kiến nghị trực tiếp đến Bộ trưởng Bộ TN&MT của đại diện 14 doanh nghiệp cảng biển tại Bà Rịa - Vũng Tàu nêu rõ: Vật chất từ hoạt động nạo vét, duy tu khu nước, vùng nước không phải là khoáng sản, không thuộc đối tượng áp dụng của Luật Khoáng sản.
Các doanh nghiệp thực hiện nạo vét, duy tu khu nước, vùng nước cũng không phải là đơn vị khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản.
Theo các doanh nghiệp, Bộ Xây dựng cũng đã có ý kiến về phương án, tiêu chuẩn và các điều kiện cần thiết để có thể tận dụng sản phẩm nạo vét vào mục đích san lấp, xây dựng. Vấn đề chất lượng, an toàn công trình, bảo vệ môi trường là vấn đề phức tạp, phụ thuộc vào tính chất, thành phần của loại vật liệu nạo vét, cần có thời gian nghiên cứu, thử nghiệm…
Do đó, khi cơ quan chuyên ngành chưa có ý kiến chính thức về vấn đề này thì không áp dụng Luật Khoáng sản vào vật chất nạo vét duy tu.
Các doanh nghiệp cảng kiến nghị không áp dụng các quy định của Luật Khoáng sản trong trường hợp này, không áp dụng các loại thuế, phí và nghĩa vụ tài chính của Luật Khoáng sản đối với vật chất nạo vét duy tu vùng nước cảng biển; Không áp dụng truy thu các khoản nghĩa vụ tài chính đối với các dự án nạo vét đã thực hiện trước đây.
Ông Hồ Kim Lân, Tổng thư ký Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cho biết, Hiệp hội đã nhiều lần làm việc với các cảng ở Bà Rịa - Vũng Tàu về vấn đề này. Việc đổ chất nạo vét luồng hàng hải và khu vực cảng ở Bà Rịa - Vũng Tàu từ trước tới nay được quy định vị trí tại khu A.
Tuy nhiên, từ sau sự cố Formosa (2016), ngành môi trường "siết" đánh giá tác động môi trường. Chẳng hạn, các doanh nghiệp cảng phải có hồ sơ đánh giá lan tỏa, ảnh hưởng của chất nạo vét tại tọa độ, vị trí đổ thải.
Điều này rất khó vì doanh nghiệp cảng không có chuyên môn. Ngay cả nhiều đơn vị chuyên ngành cũng chưa chắc làm được và phải mất thời gian rất lâu, hàng năm trời.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp muốn giải quyết nhanh công việc nạo vét duy tu trước bến cảng chỉ còn cách đổ thải lên bờ. Tuy nhiên, sau một thời gian, các khu vực đổ thải trên địa bàn đã đầy nên họ tìm nơi đổ thải ở các tỉnh khác.
"Ở Bà Rịa - Vũng Tàu, kinh tế biển là mũi nhọn, các cảng có đóng góp rất lớn cho địa phương. Trong khi, chưa có tỉnh nào thu phí khoáng sản đối với chất nạo vét tại các bến cảng mà chỉ có Bà Rịa - Vũng Tàu thu.
Lượng kinh phí thu được rất nhỏ, nhưng hệ quả của việc này thì không hề nhỏ. Nếu các tàu lớn gặp sự cố, mắc cạn do luồng cạn, thiệt hại sẽ vô cùng lớn...", ông Lân trăn trở.
Chất nạo vét đem san lấp mới thu phí
Theo ông Lân, để tháo gỡ vướng mắc những bất cập liên quan đến luật, trước mắt cần có sự phối hợp liên bộ và Chính phủ cần vào cuộc chỉ đạo. Về lâu dài phải sửa luật để gỡ khó cho các doanh nghiệp cảng.
Thời gian qua, các doanh nghiệp cảng đã đồng loạt ký văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ TN&MT, các cơ quan trong tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị về vấn đề này. Tuy nhiên, đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết.
PV đã nhiều lần liên hệ với ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để tìm hiểu thông tin, tuy nhiên, ông Hải không phản hồi.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Phương, Phó cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam cho biết, kiến nghị đã được doanh nghiệp gửi Bộ từ năm 2019. Bộ TN&MT đã có văn bản trả lời, trách nhiệm giải quyết thuộc thẩm quyền của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
"Bộ TN&MT đã có hướng dẫn, kể cả hướng dẫn Sở TN&MT Bà Rịa - Vũng Tàu. Trường hợp chất nạo vét mang đi san lấp thì phải thực hiện nghĩa vụ.
Nếu chất nạo vét lên không sử dụng được, phải mang đi đổ thải thì không thực hiện nghĩa vụ vì không phải khoáng sản có giá trị. Khi chất thải đó đưa đi san lấp mặt bằng thì mới là vật liệu san lấp có giá trị sử dụng", ông Phương nói.
Theo văn bản đề nghị thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với việc sử dụng khối lượng vật chất nạo vét để san lấp gửi 19 cảng biển ở Bà Rịa - Vũng Tàu của Sở TN&MT vào tháng 10/2021, các đơn vị có khối lượng chất nạo vét bị truy thu ít thì từ trên 5.000m3, nhiều thì gần 100.000m3.
Với mức giá bình quân các cảng tạm tính, đem nhân khối lượng chất nạo vét với đơn giá khoảng gần 10.000 đồng/m3, đơn cử như Công ty Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) hai năm nạo vét duy tu một lần phải đóng 45.000 khối, tương đương với 440 triệu đồng.
Công ty TNHH Liên doanh dịch vụ container quốc tế cảng Sài Gòn - SSA (SSIT) bị truy thu 48.000m3 phải nộp gần 480 triệu đồng; Công ty TNHH Cảng quốc tế Tân Cảng Cái Mép (TCTT) khối lượng trên 98.000m3 phải nộp hơn 970 triệu đồng; Công ty Cổ phần cảng tổng hợp Thị Vải khối lượng 72.500m3 phải đóng hơn 710 triệu đồng...
Các cảng cho biết, đây là các khoản gồm: Thuế tài nguyên, phí bảo vệ, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản mà Sở TN&MT tỉnh BR-VT yêu cầu phải nộp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận