Chiều 4/9, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa về tình hình thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 3 dự án cao tốc Nha Trang - Đà Lạt, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương.
Tham dự cuộc làm việc có Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn.
Nhà đầu tư kiến nghị có cơ chế đặc thù
Báo cáo Phó thủ tướng, ông Trần Hòa Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, dự án cao tốc Nha Trang - Đà Lạt có chiều dài khoảng 80km, điểm đầu tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa và điểm cuối là chân đèo Prenn, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Trong đó đoạn qua tỉnh Khánh Hòa dài khoảng 44km, đoạn qua tỉnh Lâm Đồng là 36,8km.
Giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 4 làn xe ô tô, tốc độ thiết kế 80 - 100 km/h. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 25.058 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2024 - 2028.
Thay mặt 2 tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng, ông Nam kiến Trung ương cho phép địa phương triển khai đầu tư xây dựng dự án trước năm 2030. Đồng thời, chấp thuận phương án nhà nước hỗ trợ 70% nguồn vốn để trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư.
Trong đó, giao UBND tỉnh Khánh Hòa làm cơ quan có thẩm quyền để kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), nhà đầu tư sẽ huy động 30% nguồn vốn, triển khai xây dựng.
Ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải (nhà đầu tư đề xuất dự án) cho biết, dự kiến sau khi hoàn thành cao tốc Nha Trang-Đà Lạt sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa Nha Trang đến Đà Lạt còn 1,5-2 giờ so với hiện tại là 3,5-4 giờ nếu đi Quốc lộ 27C.
Theo ông Hải, với mức đầu tư như đề xuất (hơn 25.000 tỷ đồng), thời gian thu hồi vốn là hơn 27 năm. Tuy nhiên, địa hình dự kiến rất phức tạp, hiểm trở, với độ chênh rất cao giữa điểm đầu - điểm cuối (hơn 1.500 m) nên suất đầu tư cao. Do vậy, kiến nghị Trung ương cho dự án được hưởng cơ chế đặc thù để triển khai tiếp các thủ tục.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, dự án cao tốc Nha Trang - Đà Lạt đã được Bộ GTVT thống nhất bổ sung vào kế hoạch.
Theo Thứ trưởng, việc triển khai dự án là cần thiết, song hai địa phương cần nghiên cứu kỹ, chuẩn bị kỹ kế hoạch, chủ trương đầu tư. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT mới có thể giải quyết cụ thể, chi tiết các kiến nghị liên quan.
"Đề nghị địa phương và các bên liên quan cùng nhau rà lại phương án tài chính. Càng rút ngắn thời gian hoàn vốn thì càng hấp dẫn các nhà đầu tư", Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nói.
Tính toán kỹ về yếu tố kỹ thuật, nguồn vốn
Phát biểu kết luận, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao hai địa phương, nhà đầu tư đề xuất dự án đã quyết tâm, nỗ lực trong công tác chuẩn bị để thực hiện trước một dự án quan trọng kết nối duyên hải Nam Trung bộ và các tỉnh Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ, các trung tâm kinh tế, cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải; tạo dư địa, không gian phát triển mới…
Nhấn mạnh tầm quan trọng của giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án, Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT đồng hành, phối hợp chặt chẽ với hai địa phương, nhà đầu tư đề xuất dự án trong quá trình xây dựng, hoàn thiện thủ tục, hồ sơ trình cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư.
Cụ thể là xác định hướng tuyến tối ưu, phương án thiết kế kỹ thuật, quy mô dự án, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia, hiệu quả đầu tư…
"Về mặt kỹ thuật, phải tính toán rất cụ thể. Như hướng tuyến đi qua địa hình phức tạp, chênh lệch thì giải pháp như thế nào? Hay vốn đầu tư, hai địa phương dự kiến giao tỉnh Khánh Hòa làm cơ quan có thẩm quyền nhưng ngân sách đang khó khăn, vậy giải pháp là gì?
Có thể tính toán khoản ngân sách vượt thu hoặc các khoản đầu tư khác. Thay vì đầu tư cho nhiều công trình thì tập trung vào một công trình", Phó thủ tướng lưu ý.
Đối với nhà đầu tư là Tập đoàn Sơn Hải, Phó thủ tướng cho rằng, cần tính toán phương án đầu tư, thời gian đầu tư, không kéo dài để đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Lựa chọn phương án khả thi làm cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương
Cũng tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái đã báo cáo cụ thể về công tác chuẩn bị hai dự án cao tốc đoạn Tân Phú-Bảo Lộc, Bảo Lộc-Liên Khương được thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Cụ thể, dự án cao tốc đoạn Tân Phú (Đồng Nai)-Bảo Lộc (Lâm Đồng) có tổng chiều dài khoảng 66 km, trong đó đoạn qua tỉnh Lâm Đồng dài 55 km. Giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 4 làn xe ô tô. Tốc độ thiết kế 80 km/h. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 17.200 tỷ đồng.
Đến nay, hai tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng đã hoàn thiện khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư; quy hoạch, bổ sung 7 mỏ vật liệu phục vụ thi công cao tốc…
Đối với dự án cao tốc đoạn Bảo Lộc-Liên Khương có tổng chiều dài 73,64km. Giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 4 làn xe ô tô. Tốc độ thiết kế 100km/h. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 19.521 tỷ đồng.
Tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện các thủ tục giao nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án lập báo cáo nghiên cứu khả thi; đang hoàn thiện hồ sơ đánh giá tác động môi trường; quy hoạch, bổ sung 11 mỏ vật liệu phục vụ thi công cao tốc…
Theo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, hai dự án cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc, Bảo Lộc-Liên Khương đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, vấn đề là lựa chọn phương án tổ chức thực hiện khả thi, hiệu quả, thiết thực.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận