Đời sống

“Tình và Tiền” có gắn liền với hạnh phúc gia đình?

01/03/2019, 12:35

Trò chuyện thú vị với CEO Nguyễn Phương Hằng về chủ đề “Tình và Tiền” có gắn liền với hạnh phúc gia đình?

img
Ông Huỳnh Uy Dũng trong sự kiện talk show của vợ là bà Nguyễn Phương Hằng tối 14/2.

"Tiền và tình” lại là hai chủ đề xoay quanh cuộc sống của con người. Mấy ngày nay dư luận đang đặc biệt quan tâm về vụ ly hôn nghìn tỷ của vợ chồng "vua cà phê". PV Báo Giao thông có cuộc gặp gỡ CEO Nguyễn Phương Hằng - Phó tổng giám đốc công ty CP Đại Nam - Chủ tịch điều hành Quỹ từ thiện Huỳnh Hữu Hằng xung quanh chủ đề nóng này:

Là một CEO tài giỏi, xinh đẹp và thành đạt, bà có quan điểm thế nào về sức hút của tiền bạc và quyền lực?

CEO Nguyễn Phương Hằng: Khái niệm về tiền và tình đã rất được nhiều người định nghĩa theo những quan điểm riêng.

Với trải nghiệm của bản thân, theo tôi nhìn nhận như sau: Tiền và tình là mầm mống của mọi nỗi khổ đau và tội lỗi, là then chốt trong cuộc sống hôn nhân và mọi thứ xoay quanh chúng ta cũng chỉ bởi chữ tiền và tình.

Đơn giản nhất khi ta nghèo, ta cố gắng làm việc để kiếm tiền. Khi ta đã có tiền, ta đi tìm các mối quan hệ. Và khi có mối quan hệ, ta lại tìm đến quyền lực. Khi có cả 3 thứ này (tiền, quyền lực, mối quan hệ) trong tay thì ta tiếp tục tìm đích đến cuối cùng là thu tóm thiên hạ trong tay mình. Đó là quy luật của cuộc sống rất logic, nó là chất xúc tác khiến cho con người lao động bằng khối óc hay tay chân để đi đến mục tiêu sống và là chân lý sống.

Với một người thông minh, khi đạt được đồng tiền, họ sẽ dùng nó làm phương tiện để thực hiện những giấc mơ, hoài bão cao cả thiêng liêng, để được phụng sự và giúp đỡ lại cuộc đời bằng những giá trị nhân văn khác nhau mà bản thân họ cảm thấy yêu thích.

Đặc biệt, họ không để đồng tiền che mờ lý trí và không làm nô lệ cho đồng tiền (họ làm ra tiền, chứ tiền không tạo ra họ), họ biết cách tạo ra một hình ảnh đẹp, một việc làm tốt đẹp để lại cho đời, ít nhất là cho những người thân yêu của họ.

Tiền rất cần mọi lúc mọi nơi nhưng người sử dụng đồng tiền phải hết sức thông minh, đây cũng là một nghệ thuật sống để nói lên giá trị nhân cách của một con người.

Còn đối với người xem tiền là mục tiêu thì họ sẵn sàng lấy thân để che tiền, bán rẻ nhân phẩm, đạo đức kể cả sinh mạng. Họ bất chấp mọi thủ đoạn và san bằng mọi thứ, kể cả tình thân, tình yêu và những giá trị thiêng liêng nhất cũng được họ quy đổi ra thành tiền.

Thật ra, ma lực của đồng tiền thật kinh khủng. Nó khiến cho không biết bao nhiêu người sống đảo điên, mờ mắt, ù tai chỉ hướng đến một điều duy nhất là làm sao để có tiền và nhiều tiền. Khi có tiền mà không biết xử sự, không biết sống, không biết cách sử dụng đồng tiền làm phương tiện thì đồng nghĩa chữ “Bạc” đem theo. Vì vậy người ta thường gọi là “Tiền - Bạc”. Cho nên, người đời hay nói câu " bạc tình, bạc nghĩa", phần lớn nguyên nhân cũng do đồng tiền mà ra.

Có những người khi nghèo khó thì thật dễ thương nhưng khi có tiền thì không còn nhận ra họ nữa vì ma lực của đồng tiền đã đưa họ lên ngôi sao hay đẩy họ vào vực thẳm của cuộc đời là do cách hành xử và suy nghĩ của từng người tạo nên mọi quyết định của hai chữ “Tình - Tiền".

img
Năm 2018 Bà Phương Hằng vinh dự được trường Đại học Đại học Apollos (Mỹ) trao bằng Giáo sư thỉnh giảng vì những đóng góp tích cực của họ trong việc phát triển sự nghiệp gắn liền với sứ mệnh vì cộng đồng.

Theo bà, “tiền" có gắn liền với cuộc sống hôn nhân không? Nó ảnh hưởng đến hôn nhân như thế nào?

CEO Nguyễn Phương Hằng: Tôi độc lập về tài chính nên không có ảnh hưởng gì trong cuộc sống. Điều chắc chắn tôi sẽ không bao giờ để đồng tiền làm ảnh hưởng đến cuộc sống hạnh phúc gia đình.

Tuy nhiên với những trải nghiệm sóng gió của riêng tôi thì theo tôi đồng tiền cũng chưa phải là quyết định trong hôn nhân, tình yêu thương mới là yếu tố quyết định.

Nếu bạn hiểu tiền chỉ là phương tiện, có thể uyển chuyển được dù cuộc sống có khó khăn đến đâu thì với nền tảng của yêu thương và niềm tin trong hôn nhân vững chắc thì không có gì làm khó được họ. Vợ chồng vẫn 1 lòng 1 dạ yêu thương nhau đến hết cuộc đời.

Cho nên trong cuộc sống vẫn thấy nhiều đôi vợ chồng rất nghèo nhưng họ vẫn sống với nhau hạnh phúc, keo sơn vì cuộc sống hôn nhân họ tìm được tiếng nói chung và tìm được sự đồng cảm, sự sẻ chia và quan trọng là họ dám sống vì nhau. Nếu trong cuộc sống hôn nhân mà xem nặng đồng tiền thì hôn nhân đó sớm muộn gì cũng rạn nứt, đổ vỡ.

Xét cho cùng, đồng tiền có 2 mặt, như con dao hai lưỡi cắt đứt mọi yêu thương, mọi điều thiêng liêng nhất cũng chỉ vì “Tiền”.

img
Gia đình hạnh phúc bà Nguyễn Phương Hằng

Có 1 câu nói “Tiền không thể mua được hạnh phúc, nhưng nó lại giúp cho sự đau khổ trở nên dễ chịu hơn”. Theo quan điểm của bà có đúng không?

CEO Nguyễn Phương Hằng: (Cười!.)

Nói như thế chẳng khác nào lừa dối chính mình vì khổ đau không gì bù đắp được hết, kể cả nhiều tiền. Chẳng qua mình tự an ủi bản thân bằng những giá trị vật chất, có chăng đó chỉ là những cảm xúc hưởng thụ. Nỗi đau không ai làm mình bớt đau được, ngoại trừ bản thân mình.

Cho nên, nỗi đau bên trong và cảm xúc hưởng thụ hoàn toàn khác nhau, hoàn toàn không liên quan tới nhau, nhiều người thường hay nhầm lẫn về điều này.

Hạnh phúc là sự vô giá, nhiều tiền cũng không mua được, chỉ bản thân mỗi người tự định nghĩa khi nào là hạnh phúc và như thế nào là đau khổ.

Dư luận đang đặc biệt quan tâm về vụ ly hôn của vợ chồng "vua cà phê", theo bà, cách ứng xử của những người trong cuộc đã hợp lý chưa. Nếu là bà, bà sẽ ứng xử ra sao?

CEO Nguyễn Phương Hằng: Thực sự, chúng ta không một ai đủ tư cách can thiệp vào cuộc sống hôn nhân của người ta.

Tôi chỉ nói những quan điểm tôi thấy được, thực sự thì bà Thảo mất nhiều như: tuổi trẻ, sức khỏe, sắc đẹp… những thứ này ông Vũ có nhiều tiền cũng không thể mua lại được và quý hơn tất cả là bà sinh cho ông Vũ 4 đứa con.

Đối với tôi, chồng tôi bị bệnh tật, không đủ lý trí để xử lý mọi thứ thì tôi vẫn luôn ở bên chồng đến hết cuộc đời, trừ khi tình yêu không còn nữa. Nhưng khi tình yêu không còn thì mình xử sự làm sao cho cả 2 đều ấm lòng. Bởi vì cả 2 đến với nhau bằng 2 bàn tay trắng, cùng nhau gây dựng sự nghiệp…thì khi chia tay cả hai cũng phải tiếp tục sống và bước tiếp trên con đường còn lại, giữ cho nhau chút ân tình, còn sót lại chút tử tế để an ủi nhau, để tự mình an ủi khi bao năm đã cùng nhau gắn bó.

Ngày nay, vẫn còn những quan điểm người phụ nữ nên lui về bếp núc chăm lo gia đình, bà cho rằng đó là đúng hay sai và với gia đình bà thì sao?

CEO Nguyễn Phương Hằng: Khi một người phụ nữ hướng ngoại, việc họ lui về là rất khó. Vì họ đã thể hiện được năng lực và tài năng thật sự ở bên ngoài xã hội. Như bản thân tôi, tôi có thể đi làm cực khổ ngoài đường, chứ không cam tâm ngồi nhà hưởng thụ, thậm chí được cung phụng như bà hoàng.

Khi một người phụ nữ đã “ra trận”, họ muốn “chiến đấu”, muốn thể hiện tài năng, năng lực của mình với mọi người và toàn xã hội. Nên lời khuyên như thẩm phán phiên tòa không có giá trị đối với một người hướng ngoại như chị Thảo và tôi.

Trong công việc kinh doanh, bà có tham gia vào việc kinh doanh của ông Dũng không? Nếu có mâu thuẫn bất đồng trong kinh doanh thì ông bà sẽ xử lý sao, sẽ theo ai? Mâu thuẫn đã xảy ra với ông bà hay chưa?

CEO Nguyễn Phương Hằng: (Cười !).

Tôi tham gia rất nhiều, kể cả việc chèo lái trong việc để phát triển công ty. Bao giờ tôi cũng là người đóng góp tinh tế bằng sự hiểu biết của mình và tránh những ngôn từ làm tổn thương chồng mình. Để thuyết phục chồng, tôi thường phải phân tích và chứng minh hiệu quả thực tế trong công việc về những ý kiến của mình là đúng.

Để hai chữ “tình và tiền” đi đến hạnh phúc trong khi cả hai ông bà đều là người nổi tiếng và rất bận rộn, bà giữ lửa hạnh phúc đó như thế nào?

CEO Nguyễn Phương Hằng: Bận rộn công việc chứ không phải không có thời gian quan tâm cho nhau. Dù bận đến mấy, khi dành cho nhau 15 -20 phút mỗi ngày cũng ấm lòng rồi. Chứ không phải suốt ngày quấn quýt bên nhau mà chẳng ai hiểu ai, không ai quan tâm ai.

Có câu nói: "Đằng sau một người đàn ông thành công luôn có bóng dáng của người phụ nữ”, vì thế tôi tin tuyệt đối vào chồng mình. Người vợ phải ủng hộ và tin tưởng chồng mình sẽ thành công để tiếp sức mạnh cho chồng.

Riêng bản thân tôi luôn lắng nghe, tâm sự và cổ vũ chồng khi gặp khó khăn hay thất bại, để chí khí đàn ông vươn lên đi tới thành công. Sau khi thành công rồi, người chồng sẽ không quên sự đóng góp của người phụ nữ luôn phía sau họ.

img
Bà Phương Hằng thăm bệnh nhân nghèo bị tim bẩm sinh tại bệnh viện Nhi đồng 1,
img
Quỹ từ thiện trái tim Hằng Hữu do Bà Phương Hằng làm Chủ tịch thực hiện thành công mỗi năm khoảng 500 ca mổ tim.

Năm 2019, bà có những dự án hay dự định gì cho xã hội trong thời gian tới?

CEO Nguyễn Phương Hằng: Năm nay có quá nhiều dự án, nhưng dự án tôi quan tâm nhất, muốn làm ngay đó là dự án “Hỗ trợ mổ úng thuỷ não vào chung với dự án mổ tim Hằng Hữu cho các trẻ em kém may mắn trong cuộc sống. Ngoài ra, còn dự án kinh doanh như nhà máy xử nước thải Huỳnh Hữu Hằng, trường đua ngựa…

Tôi vẫn luôn động viên chồng tôi, trong cuộc đời chỉ có lần 1 sinh ra và chết đi, anh muốn làm gì tôi cũng ủng hộ. Nếu dự án thành công thì đó là 1 sự hạnh phúc, còn thất bại thì xem như đó là 1 sự trải nghiệm. Sợ nhất đối với mỗi con người là không dám vượt qua chính mình chỉ vì sợ đánh mất tiền bạc, sức khỏe và trí tuệ.

Cảm ơn bà!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.