Anh Thợ và vợ trong xưởng cơ khí của mình |
Nhà nghèo lại đông anh chị em, nên khi bị TNGT hỏng cả đôi chân, anh Thợ không thể tiếp tục đến trường. Nhưng với nghị lực của mình, anh tự học chữ, học nghề để trở thành một chủ xưởng có cuộc sống gia đình hạnh phúc với câu chuyện tình như cổ tích.
Vẫn đứng vững dù không còn đôi chân
Trưa tháng 9 mưa tầm tã, nhưng xưởng cơ khí ở xã Hưng Long, huyện Ninh Giang, Hải Dương của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển xây dựng Thạch Sơn vẫn vang tiếng máy cắt, máy khoan, hàn xì... Thấy có bóng khách vào, anh Bùi Văn Thợ gỡ chiếc kính hàn ra khỏi mắt, với tay lấy hai chiếc nạng sắt chống đứng lên và tiến ra cửa. Đang đứng chờ lấy chiếc cửa sắt hoàn thiện tại xưởng, ông Bùi Văn Tú - một khách quen của xưởng vội giới thiệu: “Chủ xưởng đấy. Anh ấy tật nguyền mà tay nghề khéo lắm, làm có tâm nên rất đông khách”.
Kéo ghế ngồi xuống rồi vội lấy ống tay áo lấm lem bụi sắt quệt ngang dòng mồ hôi lăn dài trên mặt, anh Thợ trải lòng câu chuyện cuộc đời mình. 20 năm trước, khi anh đang đi bộ đến trường tiểu học thì bị một chiếc ô tô đâm trực diện, cán nát đôi chân và làm anh trọng thương. “Lúc đó tôi còn nhỏ, chuyện xảy ra đã lâu nên tôi không nhớ chi tiết. Chỉ biết bố mẹ dốc hết tiền bạc, vay mượn khắp nơi đưa tôi đi chữa trị để giữ lại mạng sống cho tôi, nhưng đôi chân tôi thì bị cắt bỏ toàn bộ phần cơ, vĩnh viễn không còn đi lại được nữa”, anh Thợ vừa kể vừa vuốt nhẹ đôi chân buông thõng, bất động sau ống quần.
Anh Thợ là con cả trong một gia đình nghèo, đông con, nên vụ tai nạn khiến gia đình thêm kiệt quệ. Dù rất cố gắng, nhưng cha mẹ chỉ cho anh Thợ học được hết cấp II. Anh Thợ nghỉ học, ở nhà mày mò học thêm làm nghề chữa khóa. Vốn tính tình ham học, say mê kỹ thuật, anh tự mày mò học thêm các nghề khác từ chữa đến chế tạo phụ tùng xe đạp, học thêm nghề cơ khí, điện tử…
“Hồi đó mạng internet chưa có, các em tôi sợ tôi buồn nên cứ đi đâu thấy có sách, báo thì mang về nhà cho tôi đọc. Lâu dần, khách đến chữa khóa đông, có tiền gửi các em mua sách kỹ thuật để học hỏi thêm về cơ khí, điện tử. Rồi thấy ở quê khó kiếm tiền, trong khi cha mẹ ngày một già, các em ăn học tốn kém, tôi xin bố mẹ vào Nam lập nghiệp”, anh Thợ kể.
Ý định vào Nam của anh Thợ như “quả bom” khiến cả gia đình hoảng hốt, lo lắng. Bởi ai cũng nghĩ, anh Thợ đã hỏng đôi chân, thì ai dám nhận vào làm. Đi làm tận trong miền Nam không người quen thân, thì người tật nguyền như anh biết xoay xở như thế nào, nhất là lúc trở trời, mưa gió? Nhưng trước sự quyết tâm của anh, gia đình đành đồng ý. Thật may mắn, lúc đến Sở LĐ, TB&XH TP Vũng Tàu nhờ sự giúp đỡ kiếm việc làm, anh Thợ may mắn được một ông chủ xưởng chuyên về kết cấu thép nhận về xử lý đồ họa và hàn xì với mức lương 200.000 đồng/tháng.
Làm tại xưởng sản xuất được khoảng một năm, anh Thợ quyết định về quê, cùng lúc cậu em trai tốt nghiệp đại học. Với kinh nghiệm từ nhiều năm tích lũy qua sách vở và cọ xát thực tế, anh Thợ và em trai chung tay mở xưởng sắt thép, lúc đầu làm tại nhà. Rồi từ sự chắt chiu, sáng tạo của bốn anh em trong gia đình và sự giúp đỡ của người vợ hiền thảo, hiện gia đình anh Thợ chung tay gây dựng được Công ty TNHH Đầu tư và phát triển xây dựng Thạch Sơn, chuyên về các sản phẩm kết cấu sắt thép phục vụ xây dựng.
Mối tình anh thợ hàn và cô bán hàng rong
Đưa mắt về phía người vợ có dáng người mảnh khảnh, làn da trắng và khuôn mặt xinh xắn và vẫn luôn cắm cúi hàn, xì kể từ lúc chồng tiếp khách, anh Thợ xúc động cho hay, thành quả anh đạt được như ngày hôm nay cũng nhờ có chị.
Anh Thợ kể lại, những ngày trai trẻ, anh miệt mài học hỏi, kiếm sống; lại thêm mặc cảm thân phận khuyết tật nên chưa từng nghĩ đến chuyện được ai yêu, được có hạnh phúc gia đình. Rời miền Nam về quê lập nghiệp bằng xưởng cơ khí nhỏ, vạn sự khởi đầu nan khiến anh càng không để tâm gì đến chuyện yêu đương. Nhưng duyên phận đã sắp đặt, những ngày chùa Trông gần nhà anh mở hội, có một cô bé bán hàng rong đến xin ở trọ tại nhà một vài hôm để bán hàng. Ngay từ lần đầu nhìn thấy cô bán hàng rong, anh Thợ đã thấy xốn xang kỳ lạ. Cô bán hàng rong đó chính là chị Trần Thị Phượng, vợ anh bây giờ.
Bẽn lẽn kéo ghế ngồi bên chồng, chị Phượng kể, chị cũng là con cả trong một gia đình nghèo, đông con ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Để kiếm tiền giúp bố mẹ nuôi các em, chị Phượng bươn chải đủ nghề, từ làm công nhân may, đồng áng, bán thịt đến đi đi bán hàng rong “di động” khắp nơi tại các lễ hội… “Ngay ngày đầu tiên ở nhà anh Thợ, nhìn anh tật nguyền mà miệt mài, khéo léo làm việc, tôi đã thấy đồng cảm với nghị lực, lòng hiếu thảo của anh”, chị Phượng tâm sự.
Hội chùa Trông năm đó kết thúc, nhưng chị Phượng vẫn thường xuyên qua lại thăm hỏi, trò chuyện cùng anh Thợ. Tình yêu của họ đến nhẹ nhàng từ sự đồng cảm, trân quý lẫn nhau. Nhưng khi anh chị công khai mối quan hệ của mình, thì vấp phải sự phản đối dữ dội của gia đình chị Phượng. Ngay cả khi bố mẹ anh Thợ sang Thái Bình đặt vấn đề xin cưới, bố mẹ chị Phượng cũng quyết liệt trả lại trầu cau, dọa từ mặt chị.
Có trong mơ tôi cũng không nghĩ đến một ngày tôi lại có vợ con, có công việc đem lại nguồn thu đủ sống như thế này. Khó khăn nhất của tôi là huy động nguồn vốn. Nhiều người nhìn thấy tôi tật nguyền, sợ không hoàn trả được nên không dám cho mượn. Giờ tôi chỉ mong được hỗ trợ vay thêm vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho mọi người và xây được căn nhà khang trang, tươm tất hơn cho vợ con. Anh Bùi Văn Thợ |
“Bố mẹ vợ tôi phản đối cũng phải, vì Phượng khỏe mạnh, xinh đẹp, ngoan hiền, đảm đang, lấy đâu chả được chồng, sao phải lấy người tật nguyền như tôi? Những ngày ấy, tôi buồn đau lắm, nhưng chỉ biết cắm cúi vào làm để chứng minh mình không vô dụng, không còn đôi chân mình vẫn đứng vững được”, anh Thợ nói.
Trước tình cảm bền chặt của anh chị, lại thấy anh Thợ tuy tật nguyền nhưng sáng tạo, hay lam hay làm, rồi gia đình chị Phượng cũng miễn cưỡng đồng ý cho tổ chức đám cưới. “Hồi đó là tháng 6/2008. Cưới mình mà nhà gái khóc như mưa, mẹ mình còn ngất lên ngất xuống mấy lần. Hôm đó cả hai nhà đều mất điện, mình bước về nhà chồng mà lòng nặng trĩu”, chị Phượng nhớ lại.
Về nhà chồng, chị Phượng bỏ gánh hàng rong, sát cánh cùng chồng phát triển công việc sản xuất, kinh doanh. Vừa học để trở thành một thợ hàn hỗ trợ chồng, chị Phượng vừa trở thành xe “ôm” đưa chồng đi khảo sát, thương thảo chào mời, ký hợp đồng. Chị cũng kiêm luôn chân chạy vật liệu, một mình gồng gánh sắt thép vận chuyển khắp các tỉnh từ Hải Dương, Thái Bình...
Với sự giúp đỡ của người vợ hiền và sự chung lưng đấu cật của các anh em, công việc kinh doanh của anh Thợ ngày càng khấm khá. Hạnh phúc nhân đôi khi mỗi năm, anh chị có thêm 1 quý tử chào đời. Gia đình nhỏ bé có 4 thành viên này luôn tràn ngập tiếng cười.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận