Tâm sự

Tình yêu lớn của chàng trai trẻ và cô gái ngồi xe lăn

02/01/2018, 07:12

Quyết định cưới cô gái tật nguyền của Trí vấp phải sự phản đối kịch liệt của cả hai bên gia đình.

42

Sau bao khó khăn, hiện vợ chồng Trí - Phương đang có một cuộc sống hạnh phúc, bình dị

Tàn nhưng không phế

Khi anh Trần Minh Trí (SN 1986) dùng xe ba bánh rước dâu đưa chị Dương Đình Thảo Phương (SN 1982, hiện trú ở phường 12, quận 10, TP.HCM) trong lễ cưới, ai cũng khen cô dâu tàn tật nhưng tốt số, lấy được người chồng khỏe mạnh, lại trẻ hơn 4 tuổi. Nhưng ít ai ngờ, để cưới được chị Thảo Phương, anh Trí đã ròng rã theo đuổi 7 năm với 4 lần tỏ tình bị từ chối.

Gặp cặp đôi Trí - Phương tại một cuộc hội thảo dành cho người khuyết tật tại Hà Nội vào một ngày cuối năm. Khi đó, Trí đang cuống cuồng chạy đi tìm vợ bởi: “Tôi vừa hỗ trợ đưa một bạn khuyết tật vào hội trường, quay lại thì Phương đã đẩy xe lăn đi đâu mất rồi”. Nhìn chồng bết mồ hôi, ánh mắt sáng lên khi thấy vợ, chị Phương bẽn lẽn thanh minh: “Trí là vậy đó, lúc nào cũng lo cho vợ. Vợ đi hội thảo hay công việc nọ kia, là ảnh sẵn sàng nghỉ việc để đi theo hỗ trợ”.

Phương trở thành người khuyết tật từ năm 17 tuổi. Đó là năm 1999, vào dịp nghỉ hè, Phương chạy xe máy đi chơi với bạn. Trên đường đi chơi trở về nhà ở TP Long Xuyên (An Giang), xe của Phương bị nổ lốp. Phương té ngã và bị chấn thương cột sống dẫn tới liệt đôi chân, phải nằm liệt giường hơn một năm.

Để đồng hành cùng vợ, Trí đăng ký làm tài xế Dự án “Xe ba bánh hỗ trợ miễn phí cho người khuyết tật” của Trung tâm Khuyết tật và phát triển (DRD). Anh luôn sát cánh cùng Phương trong các hoạt động tình nguyện vì người khuyết tật như: Bán sản phẩm thủ công gây quỹ, hỗ trợ di chuyển cho các bạn khuyết tật nặng. Nhờ tình yêu và sự ủng hộ của chồng, Phương vừa là nhân viên quản lý website của Công ty Cỏ Nhân Tạo 2B, vừa nhận đan khăn, làm chuỗi tràng hạt tại nhà. Phương còn là thành viên nhóm thanh niên Đột Phá ở DRD, thành viên Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật, Phó nhóm Tham vấn đồng cảnh của DRD. Chị thường xuyên đi tập múa, tập nhảy trên xe lăn, tập hát…

“Thời gian đầu bị tai nạn, tôi suy sụp. Đang khỏe mạnh, ở độ tuổi đẹp nhất của đời người, tôi thấy ngưỡng cửa tương lai đóng sập lại, thấy đời mình như bỏ đi. Tôi đã từng nghĩ đến cái chết, nhưng nghĩ cha mẹ đã đánh đổi mọi thứ để giành giật sự sống cho mình, nên không đành…”, Phương tâm sự.

Nghĩ mình phải sống, không những thế phải sống có ích, Phương nỗ lực phục hồi để ngồi được trên xe lăn, rồi đòi đi học trở lại. Cô tìm mọi cách thuyết phục ba mẹ, đồng thời tự tìm hiểu thấy có trường dạy nghề ở TP.HCM nên nộp hồ sơ.

Năm 2004, bố Phương mất, cảnh nhà càng khó khăn hơn, thôi thúc Phương quyết học nghề để không làm gánh nặng của mẹ. Phương xin mẹ: “Nếu con không làm được, con sẽ quay về”. Đồng thời, cô học lỏm thêu tay, bán bảo hiểm xe máy và phụ ghi sổ sách trong quán ăn để tích góp tiền đi học.

Thấy con quá quyết tâm, mẹ Phương đưa con lên TP.HCM tìm nhà trọ để con ăn học. Sau những ngày mẹ hết đẩy xe lăn đến cõng con lên giảng đường, Phương hoàn thành chương trình phổ thông rồi thi vào ngành Thiết kế đồ họa, trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ TP.HCM. “Những ngày học thiết kế đồ họa cũng cực lắm, ký túc xá trên lầu 4, học toàn trên lầu, đường từ ký túc xá đến giảng đường mưa ngập nửa bánh xe lăn, mẹ xót con bảo về. Nhưng Phương lại nài nỉ mẹ: “Mới cực chút xíu, mẹ bảo con bỏ cuộc, khó khăn nữa thì sao?”. Rồi Phương quen với các bạn nữ trong ký túc xá, các bạn thay mẹ cõng Phương đi học, cứ như thế trong suốt 3 năm”, Phương kể.

Ra trường, cô gái nhỏ đầy nghị lực ấy đến sinh hoạt tại Trung tâm Khuyết tật và phát triển (DRD) ở TP HCM và tham gia 1 lớp tập huấn kỹ năng xin việc làm cho người khuyết tật. Cô đã nộp hồ sơ cho các doanh nghiệp và tự tin chứng minh khả năng của mình nên được tuyển dụng. Ở thời điểm này, cô đã tự lập gần hết mọi việc. Khi ở công ty, cô cũng không thua kém một nhân viên nào. Ở công ty không có xe lăn, cô dùng ghế văn phòng có chân xoay di chuyển. Rời công ty, Phương đi chợ, nấu ăn, tự chăm sóc bản thân trong căn phòng trọ thuê. “Tôi thấy khuyết tật chỉ khiến mình có khó khăn trong đi lại, còn không hề vô dụng”, Phương nói.

Trái tim mở cửa

Suốt những năm tháng đó, Phương luôn nỗ lực chứng minh cho mọi người thấy cô mạnh mẽ, vui vẻ, học tập, lao động và sống như một người bình thường. Nhưng sâu thẳm trong lòng, Phương vẫn cảm nhận được sự mất mát, cô đơn. Nhất là sau khi ba mất, cứ đi làm về, đóng cánh cửa phòng trọ, Phương lại thấy tim mình nhói đau khi nghĩ về tương lai. Để khỏa lấp sự trống trải đó, Phương thường đắm mình vào đọc sách, nghe đài.

“Phương thích nghe chuyên mục “Cảm nhận giữa đời thường” trên Đài Phát thanh Kiên Giang. Phương thấy nhiều bạn gái tâm sự chán nản, thất vọng chỉ vì mình đen, mập, xấu... Phương nghĩ đến bản thân, bèn viết một bài “Tôi ơi đừng tuyệt vọng” để chia sẻ cuộc sống của cô và ao ước của bản thân chỉ mong có sức khỏe để có công ăn việc làm phụ giúp gia đình, sống tốt hơn để không là gánh nặng của xã hội. Bài viết của Phương được độc giả Trần Minh Trí (SN 1986 ở Sóc Trăng) lắng nghe, đồng cảm. Trí viết thư làm quen với Phương, thư đi thư lại, rồi Trí gọi điện an ủi, chia sẻ, tâm sự nhiều hơn với cô gái tật nguyền mà tâm hồn như anh nói là “tuyệt đẹp, đầy nghị lực”.

Gần 7 năm, những cánh thư, cuộc gọi kéo dài giúp Trí hiểu hơn về Phương. “Tình yêu nảy mầm lúc nào không hay”, Trí thổ lộ. Năm 2010, Trí ngỏ lời lần đầu, nhưng Phương thẳng thừng từ chối. “Trí còn trẻ, lại khỏe mạnh, hơn nữa Phương cũng không có tình cảm với Trí”, Phương nói. Nhưng lời từ chối của Phương không làm Trí thấy nản, họ vẫn tiếp tục giữ mối quan hệ bạn bè, thường xuyên tâm sự, động viên nhau trong cuộc sống. Thêm một lần nữa trong quá trình tình bạn, Trí lại tỏ tình và lại bị Phương từ chối, nhưng anh không hề nao núng, bởi trái tim anh đã thuộc về cô gái xinh xắn đầy nghị lực đó rồi.

Năm 2012, Trí chuyển lên làm công nhân tại quận 11, Phương đi làm và trọ ở quận 10, Trí đề nghị một cuộc gặp mặt. Phương đồng ý, cô đinh ninh sau khi nhìn thấy thực tế đôi chân bại liệt của cô, Trí sẽ không nghĩ đến một tương lai xa hơn với Phương. Nhưng Phương bất ngờ khi từ chỗ gặp về, Trí điện thoại luôn để tiếp tục ngỏ lời yêu. Cô lạnh lùng từ chối: “Trí đã tận mắt thấy Phương như vậy rồi, đừng lưu giữ tình cảm với Phương nữa”.

Một lần nữa, Trí phớt lờ lời từ chối của Phương. Anh kiên trì tới thăm, cắm cúi đẩy xe lăn đưa Phương đi siêu thị, dạo phố. Phương sinh hoạt tại DRD, bất kể mưa nắng gì Trí cũng kiên trì đẩy xe, bế Phương đến đúng giờ. Không chỉ chăm sóc Phương, Trí còn chăm sóc, hỗ trợ cho các bạn bè khuyết tật của Phương tại DRD, anh tận tình đẩy xe lăn, bế, cõng các bạn. Tình cảm chân thành, mộc mạc của Trí đã sưởi ấm trái tim nhiều tổn thương, mất mát của Phương. Vì vậy, khi Trí đề nghị lần thứ tư: “Em hãy cho anh một cơ hội và cũng cho bản thân mình một cơ hội đi Phương”, thì Phương quyết định mở cửa trái tim mình.

“Lúc ấy, Phương nhận lời, nhưng cũng nói rõ là chưa thấy yêu tôi. Tôi bảo không sao, anh chờ đợi được. Một năm sau, tôi xin cưới. Thấy Phương ngập ngừng, tôi bảo: “em cho anh thời gian, cơ hội, anh tin em sẽ yêu thương và thấy sự đồng cảm của anh”, Trí cho hay.

Quyết định cưới cô gái tật nguyền của Trí vấp phải sự phản đối kịch liệt của cả hai bên gia đình. Nhà Trí phản đối vì sức khỏe của Phương đã đành, nhà Phương cũng ngại ngần lo Trí chỉ đùa cợt, ngộ nhận hay thương hại. Lúc đó, Trí chỉ nắm chặt tay Phương, dặn: “Mình hãy dùng hành động để chứng minh và bảo vệ tình yêu của hai đứa”. Tháng 10/2013, họ chính thức làm đám cưới.

“Và anh đã đúng, bây giờ tôi yêu ông xã của mình hơn bất cứ thứ gì trên cõi đời này. Bây giờ, chúng tôi đang có một cuộc sống hạnh phúc bình dị như mọi cặp đôi khác”, Phương trìu mến nhìn chồng, chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.