Giải ngoại hạng phủi bước vào mùa tranh tài thứ 4 và đã bán được bản quyền truyền hình. Ảnh: VTC News |
Ngày 18/9 tới đây, giải Ngoại hạng phủi 2016 sẽ chính thức khởi tranh tại SVĐ C500 (Học viện An ninh nhân dân). Năm thứ tư đi vào hoạt động, giải Ngoại hạng phủi ngày càng cho thấy được sự chuyên nghiệp trong khâu tổ chức lẫn vận hành. Đáng kể nhất là việc bản quyền truyền hình giải đấu đã được Mobile TV mua với giá 200 triệu đồng. Số tiền này không lớn nhưng thông qua đó, giá trị của Ngoại hạng phủi đã được khẳng định.
Chẳng biết nhìn giải Ngoại hạng phủi, BTC V-League có chạnh lòng khi bản quyền truyền hình của giải đấu cao nhất Việt Nam chẳng mang lại xu nào. Thực ra, VPF đã dùng “hàng đổi hàng” với các nhà đài trong câu chuyện bản quyền truyền hình. Cụ thể hơn, nhà đài muốn phát sóng V-League sẽ phải trả bằng quảng cáo cho nhà tài trợ của giải đấu này. Thử hỏi, nếu không dùng “hàng đổi hàng”, bản quyền truyền hình V-League liệu có được nhà đài tiếp cận? Câu trả lời nghiêng nhiều về phương án không. Đơn giản, không nhiều người ngồi trước màn hình TV để theo dõi V-League bởi họ sợ xem những màn kịch được thao túng phía sau hậu trường.
Bất chấp việc đang có cái kết cực kỳ kịch tính nhưng V-League 2016 không thoát khỏi những chỉ trích vì lùm xùm trước đó. Mà lùm xùm ở V-League thì chẳng mùa nào ngớt, dần dà nó trở thành “thương hiệu”. Nhiều người ví von V-League như “V-Nát”, càng ngẫm lại càng thấy đúng. Với thực trạng như vậy, rõ ràng bản quyền truyền hình V-League chẳng thể thu hút đầu tư từ nhà đài.
Quay ngược trở lại câu chuyện giải Ngoại hạng phủi bán bản quyền truyền hình. Tại sao nhà đài lại quan tâm tới giải đấu này dù chỉ là sân chơi không chuyên? Đáp án không khó tìm, giải Ngoại hạng phủi thực sự mang trong mình tinh thần của môn thể thao vua. Ở đó, các đội đá với tất cả năng lực; không toan tính; không có chuyện nhường, nhả nên nhận được tình yêu của người hâm mộ.
Có một sự đối nghịch rất lớn khi so sánh giữa giải Ngoại hạng phủi và V-League. Mỗi cuối tuần, SVĐ C500 đều chật kín khán giả mặc kệ mưa hay nắng. Họ đến vì tình yêu bóng đá chứ không phải vì bất kỳ một động cơ nào khác.
Ngược lại, các trận đấu tại V-League thường xuyên diễn ra giữa những khán đài trống vắng. Tình yêu không biết nói dối và cũng cực kỳ công bằng. Không thể yêu cầu khán giả tới sân để chứng kiến hết sai sót của trọng tài tới nghi án bán độ hay văn hóa 3 đi 3 về... Thế nên, đừng hỏi tại sao người hâm mộ chưa yêu V-League. Thay vào đó, hãy hỏi V-League đã làm gì để xứng đáng nhận được tình yêu?
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận