Còn nhiều ý kiến về việc toà thu thập chứng cứ
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi), bà Lê Thị Nga nêu rõ, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Tổ chức tòa án nhân dân (TAND) năm 2014 nhằm đẩy mạnh cải cách tư pháp, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Song theo bà Nga, còn một vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau đó là điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho biết, Ủy ban cơ bản tán thành với dự thảo Luật.
Theo đó, đối với vụ án hình sự, việc khởi tố, điều tra, truy tố thuộc trách nhiệm của cơ quan điều tra và viện kiểm sát.
Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ do cơ quan điều tra và viện kiểm sát thu thập trong hồ sơ vụ án, sau khi đã kiểm tra, làm rõ tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa để ra phán quyết về vụ án.
Nếu thiếu chứng cứ hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm... thì tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Đối với vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nghĩa vụ thu thập chứng cứ và chứng minh thuộc về đương sự.
Tòa án không có trách nhiệm thu thập chứng cứ mà chỉ hướng dẫn, yêu cầu các đương sự thu thập. Nếu đương sự là người yếu thế trong xã hội thì tòa án hỗ trợ đương sự.
Tuy nhiên, có ý kiến không tán thành với dự thảo Luật vì theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng Dân sự, Luật Tố tụng hành chính thì tòa án chỉ tiến hành thu thập chứng cứ trong trường hợp nhất định, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta.
Theo đó, đối với vụ án hình sự nếu tại phiên tòa phát sinh vấn đề cần xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ thì tòa án tạm ngừng phiên tòa để thực hiện.
Vụ việc dân sự, vụ án hành chính thì tòa án chỉ thu thập nếu đương sự không thu thập được và có yêu cầu.
Việc thu thập chứng cứ ở nước ngoài thì tòa án thông qua cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam yêu cầu cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thu thập.
Những ý kiến này cho rằng Nghị quyết 27 yêu cầu nghiên cứu làm rõ… những trường hợp Tòa án thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử. Do đó, đề nghị quy định những trường hợp tòa án thu thập chứng cứ để thể chế hóa Nghị quyết 27 và phù hợp với điều kiện của nước ta.
Toà không ra quyết định khởi tố vụ án
Về việc không quy định tòa án có nhiệm vụ, quyền hạn ra quyết định khởi tố vụ án tại phiên tòa, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với đề xuất của Toà án Nhân dân tối cao về nội dung này.
Việc khởi tố, điều tra, truy tố là trách nhiệm của cơ quan điều tra và viện kiểm sát.
Ủy ban cho rằng: "Tòa án là cơ quan xét xử. Nếu tòa án khởi tố vụ án, sau đó lại xét xử vụ án đó thì có thể ảnh hưởng đến tính khách quan, vô tư trong quá trình xét xử".
Theo Ủy ban Tư pháp, có ý kiến đề nghị kế thừa quy định của Luật hiện hành để quy định trong dự thảo Luật nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng xét xử khởi tố vụ án tại phiên tòa, góp phần thực hiện cơ chế kiểm soát quyền lực trong các cơ quan tư pháp và để Tòa án thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận