An ninh hình sự

Tòa án tối cao kháng nghị hủy 2 bản án liên quan đại gia Liên Khui Thìn

08/09/2023, 12:52

TAND Tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy hai bản án kinh doanh thương mại mà ông Liên Khui Thìn là nguyên đơn.

TAND Tối cao vừa có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, tạm đình chỉ thi hành bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 32/2022 ngày 24/6/2022 của TAND cấp cao tại TP.HCM liên quan vụ cựu tử tù Liên Khui Thìn (70 tuổi, thường trú tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đòi tài sản sau khi được đặc xá.

Theo quyết định kháng nghị, TAND Tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy hai bản án kinh doanh thương mại, giao hồ sơ vụ án cho TAND TP.HCM giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm đúng quy định của pháp luật.

Tòa án tối cao kháng nghị hủy 2 bản án liên quan đại gia Liên Khui Thìn - Ảnh 1.

Ông Liên Khui Thìn, nguyên giám đốc Công ty TNHH EPCO.

Tháng 6/2021, ông Liên Khui Thìn gửi đơn tố cáo các cá nhân lợi dụng thời gian ông Thìn chấp hành án phạt tù đã chiếm đoạt tài sản của Công ty TNHH EPCO, Công ty TNHH An Khánh và Công ty TNHH Hồng Long. Theo đơn, năm 1996, ông và bà Nguyễn Thị Tuyết Mai cùng thành lập Công ty Tây Sơn với vốn điều lệ là 3 tỷ đồng.

Khi ông Thìn đang chấp hành án tù, ông Phạm Nguyễn Minh Đức và ông Phạm Minh Đạo đã nhận toàn bộ vốn và tài sản của Công ty Tây Sơn. Đến năm 2009, ông Thìn phát hiện sự việc, nhiều lần liên hệ để giải quyết nhưng những người liên quan không hợp tác.

Trong đơn khởi kiện, ông đề nghị tuyên vô hiệu đối với các giao dịch chuyển nhượng vốn góp giữa bà Mai với hai cá nhân trên. Ông cũng đòi lại phần vốn góp 50% vốn điều lệ và tài sản tại Công ty TNHH Tây Sơn, gồm: Biệt thự số 198 Võ Thị Sáu (quận 3, TP.HCM) có diện tích 1.704 m2; khu dự án du lịch nghỉ dưỡng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quy mô 3 ha.

Tại phiên phúc thẩm hồi tháng 6/2022, Hội đồng xét xử không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Liên Khui Thìn.

Theo quyết định kháng nghị của TAND Tối cao, tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm không đưa Công ty Tây Sơn vào tham gia tố tụng trong vụ án với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Điều này cho thấy thiếu bên tham gia tố tụng, vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều 68 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Bên cạnh đó, các bên đương sự đều thừa nhận Công ty Tây Sơn có hai thành viên góp vốn là ông Thìn và bà Mai, thực tế mỗi người góp 1,5 tỷ đồng (bằng 50% vốn điều lệ). Trong khi đó, hồ sơ vụ án kinh doanh thương mại không có tài liệu, chứng cứ về việc ông Thìn chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp cho bà Mai, hay việc Công ty Tây Sơn mua lại toàn bộ phần vốn góp của ông Thìn.

Quá trình giải quyết vụ án, các bị đơn (ông Đạo và ông Đức) cùng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cho rằng, ông Thìn không còn là thành viên Công ty Tây Sơn kể từ ngày 5/9/2000, bởi Công văn số 123/CV-TA ngày 22/8/2000 của TAND TP.HCM có ghi: "Theo Bản án hình sự sơ thẩm số 1590/HSST ngày 4/8/1999 của TAND TP.HCM thì mọi tài sản của Liên Khui Thìn và của nhóm Công ty EPCO đã được thu hồi và giao cho cơ quan chức năng bảo đảm thi hành án".

Tuy nhiên, TAND Tối cao khẳng định, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 không có quy định về giải thích, đính chính, sửa chữa bản án, quyết định. Công văn trên không phải là văn bản giải thích, sửa chữa bản án, quyết định của tòa án theo quy định tại Điều 365 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Do đó, đây không phải là căn cứ để xác định ông Thìn không còn phần vốn góp ở Công ty Tây Sơn.

Tòa án tối cao kháng nghị hủy 2 bản án liên quan đại gia Liên Khui Thìn - Ảnh 2.

Một góc dự án khu dân cư ở TP.HCM mà ông Liên Khui Thìn tố bị chiếm đoạt.

Cũng theo cấp tối cao, tòa án sơ thẩm và phúc thẩm không thu thập các bản án hình sự sơ thẩm (ngày 4/8/1999 của TAND TP.HCM) và bản án hình sự phúc thẩm (ngày 12/1/2000 của TAND Tối cao tại TP.HCM trong vụ án Minh Phụng - EPCO) để làm rõ ông Thìn có chiếm đoạt tiền của Công ty TNHH EPCO hay tiền của tổ chức tín dụng để góp vốn vào Công ty Tây Sơn không.

Tòa án hai cấp cũng không xem xét, đánh giá quy định của pháp luật về tư cách thành viên công ty TNHH trong trường hợp thành viên công ty là người quản lý doanh nghiệp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang phải chấp hành hình phạt tù thì có mất quyền sở hữu phần vốn góp hay không, có mất tư cách thành viên công ty TNHH hay không để áp dụng trong trường hợp này.

Do đó, TAND Tối cao xác định tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Liên Khui Thìn, còn tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Thìn, đều chưa đủ căn cứ pháp luật.

Ông Liên Khui Thìn từng là giám đốc, kiêm phó chủ tịch HĐQT Công ty Epco. Năm 1997, ông bị bắt tạm giam, sau đó cùng ông Tăng Minh Phụng bị tuyên án tử hình vì chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của các ngân hàng.

Sau thời gian thụ án, ông Thìn được Chủ tịch nước chấp nhận đơn xin ân giảm từ án tử hình xuống tù chung thân. Năm 2008, ông Thìn tiếp tục được xét giảm án còn 20 năm. Ngày 2/9/2009, ông Thìn được đặc xá.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.