Nguy cơ trở thành bãi rác của thế giới, tốn kém chi phí tiêu hủy đối với hàng hóa là phế liệu, chất thải đưa vào Việt Nam đã được nhiều cơ quan báo chí cảnh báo trong thời gian qua.
Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo kịp thời để ngăn chặn tình trạng này. Đáng chú ý, cuối năm 2019, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 35/2019/QĐ-TTg về Quy chế phối hợp liên ngành quản lý hoạt động nhập khẩu phế liệu. Trong đó, đã quy định phối hợp của các Bộ, ngành và địa phương trong việc ngăn chặn chất thải, phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu; Phối hợp trong công tác xử lý hàng hóa là phế liệu tồn đọng tại cảng biển.
Cụ thể, Bộ Công thương ngoài việc quy định về Danh mục phế liệu tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu cũng đang hoàn thiện quy định liên quan đến cửa khẩu được phép nhập khẩu phế liệu đã giúp cơ quan Hải quan hạn chế, kiểm soát đường đi của phế liệu, tăng khả năng kiểm soát rủi ro đối với hoạt động nhập khẩu phế liệu.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đã nỗ lực trong việc yêu cầu các hãng tàu cùng với chủ hàng kiểm soát chất lượng hàng hóa được vận chuyển; Đề xuất việc miễn giảm phí lưu container những lô hàng đang tồn đọng. Chính việc này đã giúp một số doanh nghiệp chủ hàng nhận hàng theo quy định, tháo gỡ khó khăn về chi phí lưu kho, bãi, giảm áp lực tồn đọng tại các cảng.
Liên quan tới việc xử lý phế liệu tồn đọng tại các cảng biển, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Bộ Tài chính để triển khai phương án xử lý. Cụ thể, ngày 13/1/2020, Tổng cục Môi trường đã có Công văn gửi Tổng cục Hải quan đề xuất tiêu chí lựa chọn các cơ sở được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất để làm căn cứ để Tổng cục Hải quan lựa chọn cơ sở tham gia đấu giá xử lý hàng tồn đọng...
Ngày 9/11, Báo Giao thông phối hợp với Trung tâm truyền thông Bộ Tài nguyên Môi trường tổ chức tọa đàm “Nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam - Từ chính sách đến thực tiễn”.
Khách mời dự tọa đàm gồm có: Ông Nguyễn Thành Lam, đại diện vụ quản lý chất thải Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT); Bà Nguyễn Thị Thương, Phó trưởng phòng Vận tải và dịch vụ Hàng hải, Cục Hàng hải Việt Nam; Ông Vũ Minh Quân, Giám đốc Công ty Cổ phần DVC Hà Nội; Bà Nguyễn Nga, Phó Tổng biên tập Báo Giao thông là người điều phối tọa đàm.
Nhà báo Nguyễn Nga: Ông có thể cho biết những chính sách điều chỉnh về nhập khẩu phế liệu trong thời gian qua đã tạo ra những thay đổi như thế nào trong lĩnh vực này?
Ông Nguyễn Thành Lam, đại diện vụ quản lý chất thải Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT): Trước thực tế phế liệu tồn đọng nhiều tại các cảng của Việt Nam, Bộ TNMT đã phối hợp bộ ngành rà soát số lượng. Nổi bật là chỉ thị 27 của Chính phủ để ngăn chặn từ xa việc nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất vào Việt Nam. Hướng dẫn luật bảo vệ môi trường đã quy định rõ ràng về phòng ngừa từ xa như là yêu cầu các đơn vị phải có thông tin khai báo rõ ràng và phải ký quỹ trước khi đưa hàng vào Việt Nam. Bộ TNMT cũng đã ban hành quy chuẩn về các mặt hàng phế liệu được phép nhập khẩu.
Gần đây nhất, Thủ tướng ban hành Quyết định 28 chỉ cho phép nhập khẩu 24 mã thay vì 36 mã như Quyết định 73 trước đây. Cụ thể, bỏ mã phế liệu có nguy cơ ảnh hưởng môi trường cao, một số phế liệu chưa đảm bảo được điều kiện tái chế.
Phải nói rằng, trong những năm qua, bên cạnh việc tái chế chất thải, tận dụng phế liệu phát sinh trong nước làm nguyên liệu sản xuất, để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu của một số ngành sản xuất, Chính phủ đã cho phép nhập khẩu phế liệu với các điều kiện quy định cụ thể tại Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP).
Trước thực tế một số nước (là thị trường nhập khẩu phế liệu lớn của thế giới) đã hạn chế, cấm nhập khẩu một số loại phế liệu tạo nên sự dịch chuyển lượng lớn phế liệu nhập khẩu vào các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và việc kiểm soát quy trình nhập khẩu, trung chuyển, quá cảnh hàng hoá là phế liệu chưa chặt chẽ dẫn đến tồn đọng lượng lớn lô hàng phế liệu nhập khẩu không xác định được chủ hàng tại các cảng biển nước ta, nhất là tại các cảng biển ở Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo quy định của Luật Hải quan, các tổ chức, cá nhân tiếp tục được phép nhận hàng trong thời gian hàng được lưu giữ từ 90 ngày đến 150 ngày (quá thời gian này thì hàng hóa được xác định là tồn đọng).
Hiện nay, số lượng container phế liệu tồn đọng tại các cảng biển đã giảm nhiều so với trước đây (số liệu cụ thể do Tổng cục Hải quan tổng hợp từ Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện kiểm kê, phân loại hàng hóa là phế liệu tồn đọng).
Nhà báo Nguyễn Nga: Vậy, chính sách này bước đầu đã tạo sự chuyển biến như thế nào trong hoạt động nhập phế liệu thông qua các cảng biển thời gian qua?
Bà Nguyễn Thị Thương, Phó trưởng phòng Vận tải và dịch vụ Hàng hải, Cục Hàng hải Việt Nam: Trong thời gian qua, vấn đề tồn đọng tại cảng biển rất nan giải, ảnh hưởng về mặt kinh tế và ảnh hưởng hoạt động khai thác của cảng. Tuy nhiên, nhờ sự thay đổi về chính sách, lượng hàng hóa tồn đọng đã giảm đáng kể. Cụ thể, năm 2018 hơn 10.000 container, nhưng đến năm 2019 còn khoảng 6.0000 và đến nay, hàng tồn đọng trên 90 ngày khoảng hơn 2.000 container.
Mặc dù vậy, có những chính sách cũng cần tháo gỡ và cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan.
Nhà báo Nguyễn Nga: Là một doanh nghiệp chịu tác động từ chính sách, xin hỏi phía doanh nghiệp (DN) có nắm được những quy định mới này không?
Ông Vũ Minh Quân, Giám đốc Công ty CP DVC Hà Nội: Là một DN sử dụng nguyên liệu tái chế và nguyên sinh nên chúng tôi hiểu rõ quy định này. Thực tế, thời gian qua cho thấy, DN nhập khẩu phế liệu về làm nguyên liệu sản xuất giảm trông thấy và giá nguyên liệu tái chế cũng giảm khoảng 1-2 nghìn đồng/kg.
Đó là dấu hiệu tốt, tuy nhiên, bên cạnh đó chúng ta phải kiểm soát được nguyên liệu tái chế đi đâu bởi thực tế có hiện tượng những DN lớn mới đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu về làm nguyên liệu. Song, họ tái chế và chỉ dùng 20% cho việc tạo sản phẩm của mình, số còn lại xuất đi các nước khác.
Tôi đã chứng kiến việc các DN Trung Quốc sang Việt Nam để săn lùng nguyên liệu tái chế. Như vậy, những DN nhỏ của Việt Nam đã không tự nhập được nguồn phế lại như trước đây, lại còn cạnh tranh với giới buôn Trung Quốc. Như vậy liệu có còn chặt chẽ và tạo thuận lợi cho DN Việt nữa hay không?
Ngoài việc có hành lang bảo vệ thì cần phân luồng rác thải.
Nhà báo Nguyễn Nga: Có một câu hỏi được đặt ra, đó là với năng lực của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, chính sách nhập khẩu phế liệu vừa được siết chặt có đang là rào cản của DN? Chúng ta có thiếu nguyên liệu tái chế đến mức buộc phải sử dụng nguyên liệu tái chế hay không?
Ông Nguyễn Thành Lam, đại diện vụ quản lý chất thải Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT): Tái chế phế liệu là xu hướng tất yếu. Do đó, Bộ TNMT luôn khuyến hích ủng hộ việc thu gom tái chế. Bằng chứng là trong Nghị Định 40, tỷ lệ tái chế phải đạt mức 20%. Tuy nhiên, thực tiễn, chưa đáp ứng đầy đủ. Nên một mặt quy định mới siết chặt, mặt khác tạo điều kiện tối đa cho những DN đáp ứng đầy đủ về điều kiện bảo vệ môi trường.
Nghị định số 40/2019/NĐ-CP đã quy định cụ thể về điều kiện về bảo vệ môi trường đối với cơ sở nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, trong đó, thẩm quyền cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất được giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, không phân cấp tới cơ quan quản lý môi trường địa phương;
Để thúc đẩy việc thu gom, tái chế phế liệu trong nước, Nghị định số 40/2019/NĐ-CP cũng đã quy định chỉ được phép nhập khẩu phế liệu để sản xuất ra sản phẩm, hàng hóa (không bao gồm hạt nhựa và bộ giấy thương phẩm) và chỉ được nhập khẩu tối đa 80% khối lượng phế liệu phục vụ sản xuất từ ngày 01/01/2025.
Nhà báo Nguyễn Nga: Về góc độ DN, ông nhận xét như thế nào về việc truyền thông những chính sách của quy định mới thời gian qua?
Ông Vũ Minh Quân, Giám đốc Công ty CP DVC Hà Nội: Hơi gấp gáp, chúng tôi làm sản xuất cần một kế hoạch dài hạn chứ không thể thay đổi nhanh chóng nay đang A mà ngày mai B bởi khi chính sách đưa ra sẽ tác động trực tiếp đến giá cả và người tiêu dùng trực tiếp là người phải chịu tác động. Họ sẽ không chấp nhận nếu như việc thay đổi giá cả xảy ra nhanh chóng.
Do đó, để thích ứng, tại sao chúng ta không thành lập một tiểu khu tái chế theo mô hình làng nghề khi chúng ta có từ 1.000 – 5.000 nhà làm tái chế. Tiểu khu này sẽ vận hành theo tổ chức để đảm bảo điều kiện môi trường. Và tiểu khu này bao những ngành tái chế nhất định tạo thành một thực thể lớn. Họ sẽ thành lập để tạo thành một đơn vị lớn, đảm bảo điều kiện nhập khẩu phế liệu tái chế thay vì với quy định hiện tại chỉ có DN lớn mới đáp ứng được. Đơn cử như vùng Xà Kiều (Thanh Oai) hay Thường Tín tại sao không làm? Khi đây là những vùng có nguy cơ ô nhiễm cao bởi sự tập trung của rất nhiều nhà tái chế trong nước.
Nhà báo Nguyễn Nga: Bộ TNMT thấy thế nào với đề xuất trên của DN?
Ông Nguyễn Thành Lam, đại diện vụ quản lý chất thải Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT): Đề xuất của DN chúng tôi sẽ xem xét và Bộ sẽ tiếp thu có ý kiến về việc này.
Nhà báo Nguyễn Thị Hồng Nga: Qua khảo sát của PV Báo Giao thông, dù được kiểm soát từ xa nhằm hạn chế những container chứa phế liệu tồn đọng tại cảng, nhưng thực tế, con số vẫn còn nhiều thách thức. Vậy, hướng xử lý trong thời gian tới như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Thương, Phó trưởng phòng Vận tải và dịch vụ Hàng hải, Cục Hàng hải Việt Nam: Dù đã phát huy được hiệu quả, tuy nhiên, lượng tồn đọng vẫn là con số lớn. Việc xử lý còn vướng mắc vì chính sách chưa đầy đủ. Ví dụ như dù yêu cầu tái xuất các container tồn đọng nhưng quy định và chế tài với tàu chưa đầy đủ nên việc xử lý rất khó khăn.
Cục HHVN đã có văn bản kiến nghị các Bộ ngành liên quan như Bộ Tài Chính và Bộ TNMT sớm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý phế liệu nhập khẩu theo hướng đồng bộ giữa các yêu cầu bảo vệ môi trường theo Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Thương mại, Luật Hải quan và Luật Hàng hải để tạo cơ chế quản lý, kiểm soát thống nhất.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung kiểm soát từ xa khi hàng vẫn còn trên tàu, không cho phép dỡ xuống cảng đối với những hàng không đủ điều kiện nhập khẩu và cương quyết không việc tái xuất quay trở lại trong trường hợp này.
Nhà báo Nguyễn Nga: Một số DN có ý kiến, có những container nằm ở cảng biển đến 5-7 năm không thể giải phóng, thông tin này có chính xác không?
Bà Nguyễn Thị Thương, Phó trưởng phòng Vận tải và dịch vụ Hàng hải, Cục Hàng hải Việt Nam: Việc này đã tồn tại từ lâu gây nên nhiều khó khăn cho hãng tàu, cảng biển, thiệt hại cả 2 bên. Có những container vướng mắc trong xử lý tái xuất vì phụ thuộc vào nước thứ 3 có nhận số hàng đó hay không, phụ thuộc quy trình kiểm định, xử lý.... Thực tế có những container đã tồn đọng vài ba năm ở cảng biển.
Nhà báo Nguyễn Nga: Quy trình xử lý các phế liệu tồn đọng có phức tạp không, thưa ông?
Ông Nguyễn Thành Lam, đại diện vụ quản lý chất thải Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT): Hàng hóa là phế liệu tồn đọng được thực hiện xử lý theo quy định tại Thông tư số 203/2014/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2014 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn xử lý hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan. Việc xử lý này thường kéo dài, thủ tục phức tạp nên hàng hoá chậm được giải phóng khỏi cảng.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quy chế quản lý phế liệu nhập khẩu và giao Tổng cục Hải quan là đơn vị kiểm soát. Để giải quyết được hàng tồn đọng thì chúng ta phải làm rõ hàng tồn đọng là hàng hóa thông thường hay phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Nếu là phế liệu phải kiểm đếm và kiểm định xem có đáp ứng yêu cầu không mới có hướng giải quyết.
Hiện, Tổng cục Môi trường đã có văn vản gửi Tổng cục Hải quan đối với lô hàng phải đưa ra đấu giá. Bên cạnh đó, những lô hàng không đáp ứng điều kiện cần kiên quyết tái xuất theo đúng quy định.
Nhà báo Nguyễn Nga: Có ý kiến cho rằng, cần sửa đổi quy định buộc tái xuất hàng phế liệu tới cảng xuất, điều này khiến việc giải phóng container tại cảng biển khó khả thi, vậy có nên nới lỏng cho phép tái xuất phế liệu nhập khẩu không đủ quy định tới nước thứ 3?
Ông Nguyễn Thành Lam, đại diện vụ quản lý chất thải Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT): Theo quy đinh, nhập ở đâu thì tái xuất ở đó. Còn tại sao không tái xuất vào nước thứ 3 thì cần nói rằng, đây là hàng hóa kinh doanh đặc biệt nên quan trọng nước thứ 3 họ có chấp nhận hay không thì mình mới tái xuất được theo công ước Basel.
Hiện tại, tái xuất vào nước thứ 3 rất khó khăn! Và Việt Nam yêu cầu tái xuất qua đường biển, không được đổi vỏ container tái xuất qua đường bộ hoặc đường thủy.
Nhà báo Nguyễn Nga: Theo ông, mức xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự hiện nay với các sai phạm đã đủ sức răn đe? Thời gian qua có những vụ việc nào nổi cộm?
Ông Nguyễn Thành Lam, đại diện vụ quản lý chất thải Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT): Chúng ta kiên quyết yêu cầu chủ tàu tái xuất. Nếu ko đáp ứng mà ko tái xuất được thì phải có tham mưu với Thủ tướng để đưa ra hướng giải quyết.
Bộ TNMT cũng có những quy định xử lý liên ngành. Chúng tôi cho rằng, chính sách đã đủ mức xử lý với các chế tài chặt chẽ. Cụ thể, với vi phạm về không sử dụng giấy xác nhận với lượng giá trị hàng hóa khoảng 400 triệu thì sẽ bị tước giấy xác nhận từ 3-6 tháng. Ngoài ra còn có các mức phạt theo Nghị định 185 về vi phạm bảo vệ môi trường.
Một số vụ vệc vi phạm nổi cộm trong thời gian gần đây như vụ việc của Công ty Trường Thịnh, Đức Đạt đang bị khởi tố...
Nhà báo Nguyễn Nga: Qua theo dõi tình hình nhập khẩu, các DN đã có những đề xuất gì về những chính sách vừa thay đổi, giải pháp trong thời gian tới là gì để tiếp tục siết chặt quản lý phế liệu nhập khẩu, thưa ông?
Ông Nguyễn Thành Lam, đại diện vụ quản lý chất thải Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT): Chúng tôi cũng tham vấn các ban ngành, hiệp hội về các chính sách. Qua đó tiếp thu những chính sách đúng, phù hợp và xây dựng lộ trình thay đổi phù hợp.
Thời gian qua, tỷ lệ nhập khẩu thắt chặt hơn và đã đạt được sự đồng thuận của các DN về việc không cho nhập phế liệu làm thương mại mà chỉ có phục vụ trực tiếp cho sản xuất.
Trong thời gian tới, Bộ TNMT sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện, bổ sung và xây dựng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu theo hướng quy định chặt chẽ các điều kiện bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; không cấp phép cho các cơ sở sản xuất nhập khẩu phế liệu về chỉ để sơ chế, xử lý và bán lại nguyên liệu.
Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương thực hiện thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở nhập khẩu phế liệu thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, thúc đẩy hoạt động thu gom, tái chế phế liệu thu gom từ nguồn trong nước, giảm dần nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài.
Nhà báo Nguyễn Nga: Qua những trao đổi trong buổi tọa đàm này, khách mời có đóng góp gì thêm về chính sách nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất?
Ông Vũ Minh Quân, Giám đốc Công ty CP DVC Hà Nội: Cần kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu để làm thương mại vì một số DN đang suy nghĩ rằng, siết quy định có phải rào cản để đẩy giá lên cao không khi những DN lớn có thể độc quyền thị trường.
Ông Nguyễn Thành Lam, đại diện vụ quản lý chất thải Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT): Luật cấm các trường hợp nhập khẩu về làm thương mại và tiến tới năm 2025 chỉ nhập 85% để thúc đẩy tái chế trong nước.
Chúng ta đang làm chính sách để đảm bảo công bằng, công khai bởi DN nào muốn tham gia cũng phải đáp ứng đầy đủ điều kiện và không có chuyện DN không đảm bảo điều kiện môi trường tái chế rác thải phế thải mà được nhập khẩu.
Bà Nguyễn Thị Thương, Phó trưởng phòng Vận tải và dịch vụ Hàng hải, Cục Hàng hải Việt Nam: Chúng tôi mong muốn có những chính sách cụ thể hóa việc xử ly hàng tồn đọng và mong muốn các bộ ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ làm sao để thực hiện một cách hiệu quả nhất những quy định đã đặt ra và tiếp thu rộng rãi những ý kiến đóng góp từ phía DN.
Nhà báo Nguyễn Nga: Những ý kiến này có được tiếp thu để đưa vào Luật Tài nguyên môi trường sửa đổi hay không?
Ông Nguyễn Thành Lam, đại diện vụ quản lý chất thải Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT): Kiến nghị của DVC, cũng như các DN khác chúng tôi đã tiếp thu. Thực tiễn, chúng tôi sẽ chi tiết hóa trong việc triển khai phát triển theo tỉnh. Và chắc chắn chúng tôi sẽ xem xét góp ý cụ thể với các tỉnh về đề xuất đưa các ngành nghề tái chế về Khu CN, cụm CN.
Bà Nguyễn Thị Thương, Phó trưởng phòng Vận tải và dịch vụ Hàng hải, Cục Hàng hải Việt Nam: Hiện nay, khó khăn nhất mà chúng tôi gặp phải là việc yêu cầu các hãng tàu tái xuất những hàng hóa tồn đọng. Do đó, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục kiên quyết yêu cầu hãng tàu phải tái xuất bằng những chính sách cụ thể hơn.
Yêu cầu các hãng tàu chủ động phối hợp chặt chẽ với các DN kinh doanh cảng biển, đại lý hãng tàu kiên quyết chỉ đưa xuống tàu để vận chuyển về Việt Nam những đơn hàng có giấy chứng nhận/giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu nhằm phòng ngừa vận chuyển phế liệu bất hợp pháp từ xa ngoài biên giới.
Đối với các DN chủ hàng, hiệp hội ngành hàng cần thống kê phân loại hàng hóa container đang tồn đọng tại các cảng thuộc diện miễn giảm giá lưu bãi để đề xuất phương án miễn giảm giá lưu bãi - một trong những lý do khiến DN bỏ hàng khi thời gian lưu kho lâu, chi phí lưu khó vượt quá giá trị phế liệu nhập về.
Chúng tôi sẽ có nghiên cứu bổ sung thêm về quy định xử phạt, chế tài xử phạt đủ sức răn đe.
Nhà báo Nguyễn Nga: Xin cảm ơn các vị khách mời, Tọa đàm Nhập khẩu phế liệu - từ chính sách đến thực tiễn xin được khép lại tại đây. Một lần nữa xin cảm ơn các vị khách mời đã đồng hành. Cảm ơn quý vị và các bạn đã quan tâm theo dõi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận