Pháp luật

Tòa triệu tập không đến, Thứ trưởng Bộ Y tế có bị áp giải?

24/10/2017, 15:10

Thứ trưởng Bộ Y tế vắng mặt khi tòa gửi giấy triệu tập, vậy tòa có quyền làm gì?

Luât sư đang trao đổi với bị cáo Hùng

Luật sư đang trao đổi với bị cáo Nguyễn Minh Hùng

Trước phiên xử phúc thẩm ngày 24/10, Chủ tọa Phạm Công Mười cho biết sáng nay sẽ Tòa tiếp tục phần xét hỏi. Tòa sẽ hỏi đến đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, lãnh đạo Cục Quản lý Dược những người đã được gửi thư triệu tập để làm rõ nhiều vấn đề. Tuy nhiên, sáng nay, chỉ có ông Đỗ Trung Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế có mặt. Nhân vật được quan tâm nhất trong phiên xử ngày hôm nay - Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm Cục trưởng Cục Quản lý Dược Trương Quốc Cường vắng mặt. 

"Ông Trương Quốc Cường - Thứ trưởng Y tế; ông Nguyễn Tấn Đạt - Phó cục trưởng Cục quản lý Dược, là những người quan trọng. Dù tòa đã có văn bản triệu tập nhưng không đến, đề nghị HĐXX có biện pháp nhắc nhở", đại diện VKS nói.

Trước tình tiết này, dư luận đặt nhiều câu hỏi: Tòa triệu tập không đến, hậu quả pháp lý thế nào? Tòa có quyền làm gì, có áp giải người triệu tập không đến được không? Báo Giao thông xin giới thiệu những phân tích của Luật sư Trần Hồng Phong, Đoàn LS TP.HCM về vấn đề này. 

Qua phần xét hỏi tại phiên toà phúc thẩm vài ngày qua, đã xuất hiện khá nhiều dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng, về trách nhiệm của Cục quản lý Dược và một số cán bộ lãnh đạo tại cơ quan này Thậm chí là có dấu hiệu phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, đưa nhận hối lộ.v.v... 

Chính vì vậy, Toà đã triệu tập một số cá nhân có liên quan đến các tình tiết mới này. Cụ thể, ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế, kiêm Cục trưởng Cục quản lý Dược và ông Nguyễn Tấn Đạt, Phó Cục trưởng. Bởi hai người này được các cơ quan tố tụng xác định có liên quan trực tiếp đến việc cấp phép cho VN Pharma nhập thuốc H-Capita, có dấu hiệu là thuốc giả. Việc Toà phúc thẩm triệu tập các cá nhân "mới" như vậy, chính là để bảo đảm nguyên tắc "xác định sự thật vụ án" được quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự.

Xem thêm: NGUYÊN CHỦ TỊCH VN PHARMA KHÓC LỚN, XIN TẠI NGOẠI CHĂM VỢ BẦU

Tuy nhiên, xét về mặt tố tụng, cá nhân ông Thứ trưởng Trương Quốc Cường lúc này không phải là "nhân chứng" hay "người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan một cách "chính thức" trong vụ án. Hay nói khác, tư cách tố tụng của ông Thứ trưởng chưa được xác định chính thức. Trong trường hợp này, toà triệu tập chỉ để hỏi, làm rõ.

Về nguyên tắc, mọi công dân, tổ chức khi được Toà án triệu tập đều phải có mặt theo giấy triệu tập. Tuy nhiên Luật tố tụng hình sự không quy định bắt buộc những người không/chưa có tư cách tố tụng phải có mặt và nếu không có mặt thì sẽ bị áp giải. Trường hợp bị áp giải chỉ áp dụng với các nhân chứng. Do vậy, tôi cho rằng Toà không có quyền áp giải Thứ trưởng Trương Quốc Cường đến toà, nếu ông này vẫn vắng mặt. Sự vắng mặt của ông này có thể xem là sự thiếu hợp tác, thiếu trách nhiệm.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng cho dù ông Thứ trưởng không có mặt tại phiên toà lần này, thì không đồng nghĩa với việc những câu hỏi đặt ra với ông sẽ được bỏ qua, hay ông Thứ trưởng sẽ "thoát" được trách nhiệm, kể cả trách nhiệm hình sự, nếu có của mình... Phiên toà phúc thẩm hoàn toàn không phải là cơ hội duy nhất để các cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ các tình tiết. Toà phúc thẩm có quyền huỷ án, yêu cầu điều tra bổ sung, xét xử lại, có quyền đề nghị điều tra về trách nhiệm, sai phạm của Cục quản lý Dược và lãnh đạo cơ quan này...

Tại phiên toà ngày 20/10/2017, đại diện VKS đã nêu quan điểm đề nghị huỷ án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra bổ sung, xét xử lại, để toàn diện hơn, tránh lọt người, lọt tội - trong đó có việc làm rõ trách nhiệm của Cục quản lý Dược và cả một số cá nhân, lãnh đạo tại Cục này. Theo tôi kháng nghị này là cần thiết, hợp lý.

Luật sư Trần Hồng Phong (Đoàn Luật sư TP.HCM)

Bùi Phụ (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.