Trong ngày 28/4, trên công trường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, hàng trăm công nhân đang tất bật thi công nước rút các hạng mục lắp hàng rào hộ lan, biển báo, vệ sinh mặt đường dọc tuyến từ Đồng Nai đến Bình Thuận.
Tuyến cao tốc dài 99km này sẽ được khánh thành vào sáng 29/4. Dịp 30/4, 1/5 và Giỗ Tổ Hùng Vương, người dân được sử dụng cao tốc này cho kỳ nghỉ lễ của mình.
Trong giai đoạn khai thác tạm, phương tiện lưu thông trên tuyến chính và ra, vào các đường nhánh tại 3 nút giao liên thông gồm:
Nút giao kết nối cao tốc Long Thành tại Km 43+125, nút giao QL1 đoạn xã Xuân Tâm, Xuân Lộc (Km 62+997) và nút giao Km 0+00 nối QL1 đi Mỹ Thạnh thuộc Hàm Thuận Nam, Bình Thuận (cách QL1 khoảng 2,6km).
Một số hình ảnh PV Báo Giao thông ghi nhận vào sáng 28/4 trước ngày thông xe:
Nút giao cao tốc Long Thành tại Km43 kết nối với cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đã thi công hoàn chỉnh, sẵn sàng thông xe
Từ nút giao với cao tốc Long Thành tại Km 43+125, ô tô chạy một mạch để đến TP Phan Thiết (Bình Thuận)
Trên tuyến, nhiều hạng mục phụ vẫn đang được thi công gấp rút. Trong ảnh: Công nhân thi công lắp đặt hệ thống cáp tại trạm thu phí
Ông Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc điều hành gói thầu XL04 (Liên danh TCT Xây dựng Thăng Long - Cienco 6) cho biết, các hạng mục lắp biển báo, hàng rào, tôn hộ lan... vẫn tiếp tục thi công và hoàn thiện ngay trong ngày 28/4
Biển báo số điện thoại khẩn cấp đã được lắp dọc tuyến trên cao tốc. Khi gặp sự cố, tài xế nên điện thoại theo số này
Trong ảnh là nút giao QL1 tại Km 62+997 (xã Xuân Tâm, Xuân Lộc, Đồng Nai). Sau thông xe, từ TP.HCM đi Phan Thiết (hay ngược lại) xe cộ có thể chạy liền một mạch trên đường cao tốc
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc điều hành gói thầu XL03 (Liên danh Vinaconex - Trung Chính) cho biết, gói thầu XL03 dài hơn 35km, quá trình thi công gặp vô vàn khó khăn. Đó là thời gian dịch bệnh dồn dập (năm 2020 và 2021), biến động vật liệu… "Để có thành quả như hôm nay là một nỗ lực rất lớn của các nhà thầu, Ban QLDA và cán bộ công nhân viên, người lao động", ông Hải chia sẻ
Đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây như một dải lụa vắt ngang qua những sườn núi đồi đoạn qua Hàm Tân (Bình Thuận)
Hệ thống biển báo, sơn vạch kẻ đường đang được gấp rút thi công trước ngày thông xe
Ông Hoàng Nghĩa Việt, Phó giám đốc Ban điều hành cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cho rằng, khó khăn nhất giai đoạn đầu là ảnh hưởng dịch bệnh, thời tiết mưa nhiều, mưa trái mùa. Việc thiếu đất đắp gay gắt cũng ảnh hưởng tiến độ. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban với các tỉnh, nên được sử dụng nguồn đất từ việc hạ cốt nền đất nông nghiệp để làm đất đắp nền, giải quyết được việc thiếu nguồn đất, bảo đảm tiến độ
Trong ảnh là nút giao Km 0+00 nối QL1 đi Mỹ Thạnh (Bình Thuận). Xe đi từ hướng TP.HCM, khi đến nút giao này rẽ phải ra QL1, chạy thêm hơn 10km để đến TP Phan Thiết và các khu du lịch ven biển Bình Thuận.
“Tuyến cao tốc dài 99km bao gồm nhiều tuyến nhánh. Theo đánh giá cá nhân của tôi cũng là một kỳ tích của Ban QLDA, nhà thầu nói riêng và ngành giao thông”, ông Hoàng Nghĩa Việt, Phó giám đốc Ban điều hành cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây nhận định
Đến chiều 28/4, các hạng mục lắp biển báo, rào hộ lan vẫn đang được gấp rút thi công trước lễ khánh thành
Đang chạy thử chương trình chuẩn bị lễ khánh thành tại đầu cầu Phan Thiết - Dầu Giây
Hai MC tập rượt, khớp lời trước ngày diễn ra buổi lễ khánh thành
Bình Thuận được chọn là điểm cầu chính kết nối với điểm cầu tại khu vực hầm Thung Thi (Thanh Hóa) trong buổi truyền hình trực tiếp. Tại khu vực tổ chức lễ thông xe vào sáng 29/4, các đơn vị đang hoàn thiện các hạng mục cuối, đảm bảo buổi lễ diễn ra trang trọng
Dự kiến chương trình sẽ được phát trực tuyến trên các phương tiện truyền thông. Trong ảnh là nhân viên Đài Truyền hình tỉnh Bình Thuận lắp đặt thiết bị phục vụ truyền hình trực tiếp buổi lễ
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận