HĐND TP.HCM vừa thông qua chủ trương đầu tư dự án mở rộng đường dẫn vào cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đoạn từ nút giao An Phú đến đường Vành đai 2 với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng.
Đây là chủ trương quan trọng, có ý nghĩa rất lớn đối với hạ tầng, nâng năng lực lưu thông của cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Bởi, kể từ khi đưa vào khai thác, lượng phương tiện lựa chọn đi qua cao tốc không ngừng gia tăng. Trung bình mỗi năm đều tăng khoảng 11%.
Clip đoạn đường dẫn cao tốc được đầu tư gần 1.000 tỷ đồng để mở rộng tại TP.HCM.
Theo Sở GTVT TP.HCM, dự báo đến năm 2025, đoạn cao tốc từ TP.HCM đến Long Thành sẽ có khoảng 72.254 lượt xe/ngày đêm, vượt 25% so với khả năng thông hành của quy mô 4 làn xe hiện hữu. Do đó, việc mở rộng đoạn cao tốc từ TP.HCM đến Long Thành, bao gồm đoạn đường dẫn từ nút giao An Phú đến đường Vành đai 2 là cực kỳ cần thiết, cấp bách.
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, đoạn đường dẫn lên cao tốc dài 3,2km với quy mô 4 làn xe đã được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại. Những khung giờ bình thường, tuyến đường thông thoáng, xe cộ lưu thông ổn định.
Tuy nhiên, vào khung giờ cao điểm hoặc ngày cuối tuần, lễ, Tết... đoạn đường dẫn này luôn trong tình trạng kẹt xe nghiêm trọng. Phương tiện phải nối hàng dài, nhích từng chút một. Dù đoạn đường chỉ hơn 3km nhưng nhiều thời điểm, tài xế phải "chôn chân", tốn hàng giờ đồng hồ để lên được cao tốc.
Anh Nguyễn Ngọc Danh, tài xế lái xe container chia sẻ, kẹt xe tại đường dẫn và trên cao tốc là nỗi niềm chung của tài xế. Thời gian "bò" từng chút trên đường không chỉ làm giảm hiệu suất công việc, gây áp lực, mệt mỏi, chậm thời gian giao/lấy hàng mà còn dẫn đến nhiều nguy cơ không an toàn vì điều khiển xe cồng kềnh như container sẽ khó khăn hơn khi kẹt xe.
"Mở rộng đường dẫn lên cao tốc là quá hợp lý, đáng lẽ phải làm ngay từ đầu. Nếu muốn khai thác hiệu quả cao tốc thì tuyến đường dẫn phải đảm bảo rộng rãi, thông suốt chứ cứ kẹt xe hoài thì đi cao tốc có khác gì đi quốc lộ đâu", anh Danh nói.
Theo kế hoạch, đường nối lên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ được mở rộng từ 4 làn lên 8 làn xe. Trong đó, hơn 2km phần đường và hai cầu Mương Kênh, cầu vượt bắc qua tuyến Đỗ Xuân Hợp sẽ được mở rộng đồng bộ.
Dự kiến dự án khởi công vào năm 2025, hoàn thành trong vòng một năm. Khi hoàn tất, công trình sẽ đồng bộ với nút giao An Phú, hiện đang được xây dựng với quy mô ba tầng hiện đại. (Trong ảnh là điểm đầu của đoạn đường dẫn lên cao tốc tại nút giao An Phú).
Về lộ trình cụ thể, dự kiến từ quý II đến quý III/2024 sẽ lập, trình thẩm định, phê duyệt đề xuất chủ trương đầu tư. Quý IV/2024 đến quý I/2025 lập và trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Đến quý III/2025 khởi công dự án và quý IV/2026 đưa vào khai thác.
Việc triển khai dự án mở rộng đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được đánh giá khá thuận lợi vì ít phải giải phóng mặt bằng. Hầu như dọc tuyến đều đã có mặt bằng sạch để thi công.
Hiện TP.HCM đã đầu tư nút giao An Phú 3 tầng, hoàn thành năm 2025. Cùng với đó việc mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành cũng được lên kế hoạch mở rộng từ 8 đến 10 làn xe, phục vụ sân bay Long Thành khi đi vào khai thác.
Khi nút giao An Phú hoàn thiện, đường dẫn và đường cao tốc cũng được mở rộng sẽ mở rộng cửa ngõ phía Đông TP.HCM, tăng sự kết nối TP.HCM về sân bay Long Thành và Đông Nam Bộ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận