Thiệt hại hơn 60 tỷ đồng
Tính đến trưa 11/6, mưa lũ đã gây sạt lở đất, ách tắc giao thông nghiêm trọng tại nhiều địa phương trên toàn tỉnh Hà Giang. Ước tính thiệt hại ban đầu khoảng hơn 60 tỷ đồng.
Mưa lũ làm 3 người chết, gồm hai bố con bị lũ cuốn tử vong trên đường về nhà tại thôn Tân Thượng (xã Nậm Ty, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang), một người chết do sạt lở đất tại thôn Pao Mã Phìn (xã Tả Ván, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang).
Mưa lớn cũng khiến trên 1.400 ngôi nhà bị thiệt hại, ảnh hưởng, trong đó thành phố Hà Giang có hơn 1.100 nhà bị ngập úng, nước tràn vào nhà.
Huyện Vị Xuyên có 44 nhà bị thiệt hại (2 nhà sập hoàn toàn phải di dời khẩn cấp); huyện Bắc Quang có 198 nhà bị ngập úng. Ngoài ra, 73 ngôi nhà tại các huyện bị đất đá sạt vào.
Mưa lũ cũng đã khiến trên 278ha lúa, ngô, hoa màu bị thiệt hại, trên 28ha ao nuôi cá, hơn 1.000 con gia súc, gia cầm, tài sản khác của người dân bị lũ cuốn trôi.
Đặc biệt, mưa lũ diện rộng khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh bị hư hỏng nặng. Nhiều tuyến quốc lộ như 4, 34, 279, 4C bị sạt lở gây hư hỏng mặt đường, ngập úng tại 3 điểm lớn dẫn đến ách tắc giao thông.
Ngoài ra, mưa lớn khiến 31 tuyến đường tại thành phố Hà Giang bị ngập úng cục bộ, 7 cầu treo, cầu đập tràn tại huyện Vị Xuyên bị ảnh hưởng, hư hỏng. Tại huyện Hoàng Su Phì có 41 vị trí sạt lở ở 5 tuyến đường, làm ách tắc một số đoạn ô tô không đi lại được.
Trận mưa lũ lịch sử này cũng khiến nhiều công trình trường học bị ngập, hư hỏng. Hàng trăm phương tiện ôtô, xe máy cùng các tài sản của nhân dân bị ngập nước, hư hỏng.
CSGT đưa 400 du khách qua điểm ngập đến nơi an toàn
Theo thượng tá Hoàng Anh Đức, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an tỉnh Hà Giang cho biết mưa lớn kéo dài liên tục 3 ngày khiến Hà Giang xuất hiện những điểm ngập sâu gây thiệt hại cũng như cản trở quá trình đi lại của người dân.
Riêng tại Km 100+62, QL4C đoạn qua thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, do nước lũ dâng cao đã gây ngập sâu khiến nhiều người dân và du khách nước ngoài bị mắc kẹt.
Lực lượng CSGT cử 11 cán bộ, chiến sỹ đến hiện trường dùng 2 ô tô chuyên dụng đưa khoảng 400 du khách qua đoạn đường bị ngập nặng.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang đã khuyến cáo người dân và du khách hạn chế đi lại qua các cung đường, điểm đến, khu vực tham quan du lịch.
Không chỉ ở thành phố Hà Giang, các địa phương trong tỉnh cũng xảy ra tình trạng sạt lở đất, ngập úng gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Có 3 người chết tại các huyện Hoàng Su Phì, Quản Bạ, nguyên nhân do bị lũ cuốn trôi, bị đất đá vùi lấp do sạt lở đất.
Chính quyền đã huy động lực lượng tìm kiếm nạn nhân, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kinh phí các gia đình có người bị nạn.
Cơ sở hạ tầng giao thông được ghi nhận thiệt hại nặng nề, hàng chục tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên xã trên địa bàn toàn tỉnh bị sạt lở, ngập úng, hư hỏng với khối lượng đất đá lên đến hàng chục nghìn mét khối.
Ðiển hình như tại huyện Mèo Vạc, tuyến quốc lộ 4C xuống điểm du lịch lòng hồ thủy điện Nho Quế và đi 3 xã biên giới Sơn Vĩ, Thường Phùng, Xín Cái vẫn đang tiếp tục bị sạt lở, đường hư hỏng nặng do nước suối chảy xiết.
Ông Cù Duy Man, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Hà Giang cho biết, có những điểm mới thông đường mấy hôm trước, mưa lớn lại tiếp tục xảy ra tình trạng đất đá sạt lở gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Sở GTVT khuyến cáo người dân, các chủ phương tiện khi di chuyển qua các tuyến đường cần phải theo dõi, quan sát và chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.
Hiện tại, các địa phương huy động máy móc, nhân lực để san gạt, tu sửa những điểm sạt lở, hư hỏng nhằm thông tuyến trong thời gian nhanh nhất.
Hiện nay tại Km 35 TL177 (thuộc xã Nậm Ty, huyện Hoàng Su Phì) và Km 162, QL4C (thuộc xã Liêm Sơn, huyện Mèo Vạc) chưa thể thông xe do vẫn sạt lở ta luy dương.
Cơn lũ đi qua, tình người ở lại
Sau khi cơn lũ đi qua, khắp các đường làng, ngõ phố ở thành phố Hà Giang, nơi các khu vực nước rút là cảnh tượng hoang tàn.
Sau một ngày bị lũ nhấn chìm, nước rút đi để lại một lượng lớn bùn đất, rác thải. Đi đến đâu PV cũng bắt gặp các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, thanh niên xung kích giúp người dân dọn dẹp, tổng vệ sinh.
Những điểm ngập nặng nhất là tại khu vực tổ 2, 3 đường Minh Khai, phường Minh Khai; nhiều điểm trên đường Lý Tự Trọng, khu vực cầu Trắng, tổ 12, phường Nguyễn Trãi, ngã tư giao nhau đường Lê Quý Đôn và đường 26/3, phường Nguyễn Trãi, xã Phương Thiện, một số điểm trên địa bàn phường Ngọc Hà, Quang Trung, Ngọc Đường.
Ông Trần Văn Tuấn, ở tổ 11, phường Minh Khai, thành phố Hà Giang cho biết, từ sáng sớm, đã cùng gia đình dùng vòi nước, chổi để rửa trôi lớp bùn non bám trên mặt đường trước nhà mình. Khi nước vừa rút xuống phải xịt rửa ngay. Nếu để bùn non khô lại sẽ rất khó có thể lau sạch và mùi hôi khó chịu”.
Còn tại cánh đồng thôn Nà Dọc, xã Phương Ðộ, thành phố Hà Giang, lúa vụ xuân đã chín. Những ngày vừa qua, mưa kéo dài nên người dân chưa thu hoạch. Sáng 10/6, nước sông Lô dâng cao đã tràn vào đồng ruộng, nhiều diện tích lúa, ngô bị ngập úng.
Chị Lường Thị Xuyến, thôn Lâm Đồng, xã Phương Thiện cho biết: "Nhà tôi có một sào lúa đã chín, do thời tiết không thuận lợi nên gia đình đợi mấy ngày nữa nắng lên sẽ gặt.
Nhưng sáng nay nước sông dâng cao nhấn chìm cả ruộng lúa. Hy vọng nước rút sớm để không bị ảnh hưởng đến năng suất. Nhiều hộ dân trong thôn đã giúp nhau tranh thủ gặt chạy lúa sớm để không bị mọc mầm".
Cái quý giá nhất sau khi cơn lũ qua đi là “tình người”, sự hỗ trợ của các lực lượng chức năng rất kịp thời để hỗ trợ người dân vùng ngập lũ thêm vững tâm, ấm lòng.
Cuộc chiến khắc phục hậu quả mưa lũ còn gian nan, nhưng với sự chung sức của cán bộ nhân viên ngành giao thông vận tải, lực lượng vũ trang và các ban, ngành, đoàn thể cùng sự chung tay của người dân, thành phố Hà Giang sẽ sớm trở lại cuộc sống thanh bình.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận