Thị trường

Toàn cầu bất ổn, làm gì để nâng tỷ trọng xuất khẩu?

23/05/2022, 16:28

Xung đột tại Ukraine, hay việc Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chiến lược “Zero Covid” là những thách thức và quan ngại cho xuất khẩu Việt Nam...

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký quyết định phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030. Chiến lược đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng xuất khẩu bình quân 8-9%/năm, giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng bình quân 5-6%/năm.

Làm gì để nâng tỷ trọng xuất khẩu trong bối cảnh mới, khi xung đột tại Ukraine vẫn chưa "hạ nhiệt", hay việc Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chiến lược “Zero Covid”... là nội dung cuộc trao đổi của Báo Giao thông và ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương).

img

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương)

Ông đánh giá như thế nào về kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam thời gian qua? Có dấu hiệu nào cho thấy sản xuất đã phục hồi?

Trong quý I/2022, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá ghi nhận mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, đạt 176,7 tỷ USD, tăng 14,6%. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 89,1 tỷ USD, tăng 13,6%; nhập khẩu hàng hóa đạt 87,6 tỷ USD, tăng 15,8%. Cán cân thương mại hàng hóa quý I/2022 xuất siêu 1,5 tỷ USD.

Đây là kết quả tích cực trong bối cảnh nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chi phí vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng bởi xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine,....

Kết quả này đã tiếp nối đà tăng trưởng từ quý IV/2021 sau khi Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” được ban hành. Các rào cản được tháo gỡ, sản xuất, xuất khẩu phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ.

Đáng chú ý, trong quý I/2022, kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước tăng cao (tăng 22,1%) so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (tăng 10,8%), điều này cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn phức tạp.

Như vậy, liệu chúng ta đã có thể lạc quan về hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian tới?

Trong Quý II, dự báo bối cảnh tình hình trong và ngoài nước vẫn có tác động thuận lợi và khó khăn đan xen đối với hoạt động xuất nhập khẩu.

Về thuận lợi, thị trường xuất khẩu tiếp tục phục hồi khi các nước dần kiểm soát được đại dịch Covid-19. Xuất khẩu sang các thị trường đối tác trong các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các FTA thế hệ mới sẽ tiếp tục được tăng cường khi các doanh nghiệp đã dần thích nghi với các cam kết của Hiệp định cùng thuế nhập khẩu ưu đãi của các đối tác sẽ tiếp tục được xóa bỏ hoặc cắt giảm.

Bên cạnh đó, các gói kích thích kinh tế, kích cầu tiêu dùng tại một số quốc gia đang được triển khai, qua đó gia tăng nhu cầu hàng nhập khẩu.

Trong nước, Chính phủ và các Bộ, ngành đã và đang tiếp tục nỗ lực triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, qua đó đang và sẽ góp phần quan trọng, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, tạo nguồn hàng cho xuất khẩu.

Tuy nhiên, xuất nhập khẩu dự báo gặp một số khó khăn như giá hàng hoá trên thị trường thế giới, đặc biệt là các mặt hàng nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất tăng mạnh, ảnh hưởng đến chi phí đầu vào sản xuất; Giá cước vận tải vẫn đang ở mức cao...

Trong khi, xung đột tại Ukraine và các biện pháp trừng phạt lẫn nhau của các nước, hay việc Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chiến lược “Zero Covid” kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt...sẽ còn ảnh hưởng tới giao thương hàng hoá xuất nhập khẩu.

Năm 2022, Bộ Công thương đã đặt mục tiêu xuất khẩu tăng từ 6-8% so với năm 2021, duy trì cán cân thương mại xuất siêu. Để thực hiện được mục tiêu này, theo ông, đâu là giải pháp căn cơ?

Để đạt được mục tiêu trên, Bộ Công thương thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phát triển thị trường xuất khẩu.

Cụ thể, một số nhóm giải pháp chú trọng gồm: Tiếp tục tổ chức khai thác hiệu quả các FTA, mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các FTA thế hệ mới.

Tổ chức theo dõi sát biến động của kinh tế thế giới và trong nước, chủ động đánh giá các tác động của các sự kiện đó đến sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam để kịp thời có sự điều chỉnh, ứng phó thích hợp;

Tăng cường công tác thông tin dự báo tình hình thị trường hàng hóa trong nước và thế giới, chính sách, tập quán buôn bán của các thị trường để có phản ứng kịp thời, giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường hiệu quả.

Đẩy mạnh công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phối hợp với Bộ GTVT và các địa phương để thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics nhằm hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển hoạt động thương mại, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Đổi mới hoạt động XTTM trực tuyến thay thế cho các hoạt động truyền thống; Nâng cao năng lực triển khai hoạt động XTTM trên môi trường số cho cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ chuyển đổi số trong công tác XTTM để phù hợp với tình hình mới.

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu bình quân 8-9%/năm giai đoạn 2021-2025; Trong đó, tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến, chế tạo xuất khẩu lên 88% tổng tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 90% vào năm 2030. Vậy, giải pháp thương mại hàng hóa cần thực hiện ra sao để thúc đẩy mục tiêu này, thưa ông?

Để đạt được mục tiêu trên, song song với các giải pháp liên quan phát triển thị trường và tổ chức thực hiện xuất khẩu, các giải pháp để thúc đẩy sản xuất công nghiệp, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu cần được ưu tiên chú trọng.

Đó là, phải cơ cấu lại các ngành công nghiệp gắn với thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt trong các ngành chế biến, chế tạo nhằm tạo sự bứt phá và động lực mới cho tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu.

Đồng thời, tăng cường việc điều phối phát triển theo vùng, lãnh thổ nhằm nâng cao hiệu quả liên kết vùng góp phần hình thành các cụm liên kết ngành, các chuỗi giá trị trong nước, nhằm tận dụng lợi thế về tích tụ công nghiệp tại một số địa phương, vùng kinh tế.

Ngoài ra, cần triển khai có hiệu quả các quy hoạch phát triển ngành; Các chiến lược, quy hoạch, đề án đầu tư phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; Các chiến lược, đề án, kế hoạch xây dựng các trung tâm cung ứng nguyên phụ liệu.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo quá trình quản trị sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu, trong đó chú trọng đến các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (Trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, IoT, in 3D, vật liệu mới,...).

Một giải pháp không thể thiếu đó là, tháo gỡ các rào cản về hệ thống luật pháp và chính sách kinh tế, tài chính đối với hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, khuyến khích các dự án, nghiên cứu về vật liệu mới, sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm có hàm lượng đổi mới sáng tạo cao...

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.