Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường chủ trì cuộc họp. |
Theo ông Nguyễn Văn Lưu, Chánh Văn phòng Bộ GTVT, đến nay nhiều chương trình, hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành GTVT đã được thực hiện. Thời gian qua, Văn phòng Bộ và Báo Giao thông đã chủ động cung cấp thông tin về ngành GTVT cho các báo, tạp chí trong và ngoài Ngành. Trong đó tập trung tuyên truyền việc triển khai các dự án trọng điểm như: mở rộng, nâng cấp QL1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, xây dựng các tuyến đường cao tốc, cảng biển, cảng hàng không lớn, công tác bảo đảm trật tự ATGT. Đối với Báo Giao thông, ngoài việc mở chuyên mục “70 năm truyền thống ngành GTVT” trên báo điện tử và báo gấy, Báo còn mở thêm chuyên mục “Có thể bạn chưa biết” để thông tin về lịch sử, truyền thống của Ngành. Hiện Báo cũng đang chuẩn bị thực hiện việc bình chọn 10 ca khúc hay nhất về ngành GTVT, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 6/2015.
Về cuộc thi viết về đề tài GTVT trên Báo Giao thông, đến nay Báo đã phát động cuộc thi “Phóng sự - ký sự, phóng sự ảnh và bài viết kỷ niệm sâu sắc về ngành GTVT”. Tính đến nay, Báo đã nhận được hàng trăm phóng sự, ký sự, bài kỷ niệm sâu sắc về ngành GTVT có nội dung tốt. Dự kiến sẽ chấm và công bố trao giải cuộc thi trong tháng 8/2015.
Thời gian qua, Nhà xuất bản GTVT cũng đang bổ sung, hiệu đính phần “GTVT Việt Nam – 70 năm xây dựng và phát triển” cho cuốn sách “70 năm truyền thống ngành GTVT”. Đang cập nhật, thu thập thêm hình ảnh các hoạt đống lớn của ngành GTVT từ năm 2011-2013. Bên cạnh đó, Nhà xuất bản GTVT đang thực hiện tái bản cuốn sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngành GTVT”.
Về việc xây dựng phim tư liệu ngành GTVT, Văn phòng Bộ GTVT đã phối hợp với hệ phát thanh có hình của Đài tiếng nói Việt Nam thực hiện xây dựng kịch bản phim tài liệu “70 năm GTVT đồng hành cùng đất nước”, sẽ phát sóng trên VTV1, VOV…
Bia ghi dấu nơi đầu tiên Bộ Công chính và Giao thông, nay là Bộ GTVT đặt trụ sở làm việc (giai đoạn 1947 - 1954) |
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Lưu cũng đề xuất, lập kế hoạch tập trung nâng cấp một khu di tích chính của Bộ GTVT tại thôn Móc Dòm, xã Tuân Lộ, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) và triển khai đầu tư một số hạng mục chính, mua thêm đất mở rộng khuôn viên di tích, xây nhà bia, xây nhà truyền thống và bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ ngành GTVT trong giai đoạn 1945 – 1954. Xây dựng mô phỏng khu cơ quan làm việc của Bộ…
Đối với 5 khu di tích còn lại tại tỉnh Tuyên Quang sẽ xây dựng nhà bia và bia ghi danh di tích với qui mô vừa phải. Bên cạnh đó, Bộ cũng đề nghị tỉnh Tuyên Quang đề xuất danh sách để tặng quà, sổ tiết kiệm, nhà tình nghĩa cho các gia đình tại các khu di tích có đóng góp cho ngành GTVT trong giai đoạn 1947 -1954 có hoàn cảnh khó khăn. Hỗ trợ xây dựng cơ sỏ hạ tầng như cầu treo dân sinh, đường GTNT, trường học… cho các địa phương liên quan.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến của các thành viên Ban chỉ đạo cũng góp ý, đề xuất nhiều nội dung thực hiện chương trình như: đề xuất đưa kênh đào nhà Lê tại Thanh Hóa, sân bay Lũng Cò (Tuyên Quang) vào hạng mục di tích hướng tới kỷ niệm 70 năm truyền thống ngành GTVT.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Bá Kiên, Tổng Biên tập Báo Giao thông cho biết: “Trong hai phần việc Báo Giao thông được giao, việc tổ chức cuộc thi “Ký sự - phóng sự và kỷ niệm sâu sắc về ngành GTVT” đang thực hiện tốt với nhiều tác phẩm có chất lượng, nhiều bài viết sâu sắc về kỷ niệm đối với ngành GTVT, đi được cả vào những vấn đề thời sự hiện nay…”
Đối với việc bình chọn 10 bài hát của ngành, theo kế hoạch tháng 3/2014 sẽ được khởi động. Báo sẽ phát công văn đi các ngành để các đơn vị tự chọn 3 bài, sau đó lập Hội đồng giám khảo là các nhạc sĩ có uy tín để từ đó đánh giá chuyên môn chọn ra 30 tác phẩm, sau đó sẽ đưa các ca khúc này công khai lên báo điện tử để độc giả bình chọn. Căn cứ vào cả hai tiêu chí đó sẽ chọn ra 10 tác phẩm để in băng đĩa. Sau đó chọn 70 bài hát hay nhất in thành sách cung cấp cho các đơn vị.
Về mặt kinh phí, đến nay Báo đã chủ động xin tài trợ cho toàn bộ kinh phí cho cuộc thi phóng sự - ký sự. Tuy nhiên, để thực hiện cuộc bình chọn 10 bài hát của Ngành, cần có sự hỗ trợ của Ban chỉ đạo hoặc giúp kêu gọi các nguồn xã hội hóa để thực hiện.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu Ban Chỉ đạo tổ chức 70 năm kỷ niệm Ngày truyền thống ngành GTVT có văn bản yêu cầu các Tổng cục, Cục chuyên ngành của Bộ phải gắn các hoạt động của ngành mình với chương trình chung của Bộ. Các hoạt động, kinh phí thực hiện phải được cụ thể hóa và gửi văn bản về Ban chỉ đạo để lên kế hoạch thống nhất thực hiện.
“Làm sao phải huy động cả bộ máy của ngành GTVT tham gia vào chương trình. Ban chỉ đạo là Văn phòng Bộ GTVT, Báo Giao thông, Vụ Tổ chức cán bộ cần làm rõ và có văn bản yêu cầu các ngành, Tổng cục và Cục liên quan có đóng góp như thế nào đối với sự kiện chung của toàn ngành nhằm giáo dục truyền thống của ngành GTVT đối với CBCNV”,Thứ trưởng Trường yêu cầu.
Đối với việc chuẩn bị kinh phí, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết sẽ huy động tối đa nguồn vốn xã hội hóa, hạn chế thấp nhất việc sử dụng ngân sách. Trong đó sẽ huy động sự tham gia của các Tổng cục, cục chuyên môn và huy động từ các doanh nghiệp trong và ngoài ngành. Đến đầu tháng 11/2014, phải lên kế hoạch được 95% kinh phí để thực hiện chương trình, kể cả kế hoạch dự phòng.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng cũng giao Tổng cục Đường bộ VN thực hiện việc thiết kế, đầu tư kinh phí tôn tạo di tích nơi ký Sắc lệnh số 72/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập Sở Vận tải, trực thuộc Bộ Giao thông công chính tại Đại Từ (Thái Nguyên).
Đối với 6 điểm di tích tại Tuyên Quang, Thứ trưởng yêu cầu TEDI mời tư vấn thiết kế có chuyên môn về kiến trúc giúp thiết kế một mẫu kiến trúc bia đặc trưng, giống nhau để làm nơi ghi dấu là nơi làm việc của các cơ quan Bộ GTVT thời kháng chiến, đảm bảo trang trọng, tiết kiệm.
Tại cuộc họp sáng nay, Thứ trưởng Nguyễn Hồng trường cũng yêu cầu thành lập thêm các Tiểu ban chuyên môn để phục vụ cho lễ kỷ niệm như: Tiểu ban Tuyên truyền, Tài chính, Vận tải, Hậu cần…
Tiến Mạnh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận