Nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” là hủ tục lạc hậu đã ăn sâu vào tiềm thức của một bộ phận bà con người Hre, Ca Dong... sinh sống tại một số huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi. Hủ tục này đã gây ra nhiều hệ lụy, thậm chí không ít vụ án mạng đau lòng đã xảy ra.
Giết người vì nghi cha bị “cầm đồ thuốc độc”
Ngày 28/9 vừa qua, TAND tỉnh Quảng Ngãi đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự và tuyên phạt bị cáo Phạm Văn Soi 20 năm tù, Phạm Văn Nghề 14 năm tù và Phạm Văn Cua (cùng ngụ thôn Làng Tốt, xã Ba Lế, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) 12 năm tù về tội “Giết người”.
Nguồn cơn vụ án mạng kinh hoàng là vào ngày 2/7, sau khi uống rượu tại nhà ông Phạm Văn Nú - Trưởng thôn Làng Tốt, các đối tượng Soi, Cua, Nghề và ông Phạm Văn Lối (ngụ thôn Làng Tốt) tiếp tục đến nhà Cua để uống rượu.
Trong lúc uống rượu, Soi nói ông Lối “cầm đồ thuốc độc” làm cha của mình bị chết. Do đó, giữa Soi và ông Lối xảy ra cãi vã, xô xát với nhau. Lúc này, ông Lối dùng tay đánh vào mặt của Soi rồi bỏ về.
Khi ông Lối bỏ đi được một đoạn, Cua và Nghề chặn đánh ông Lối khiến nạn nhân ngã xuống đất. Tiếp đó, Soi vào nhà Cua lấy dao chém nhiều nhát vào đầu, cổ ông Lối khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Kết quả khám nghiệm của lực lượng chức năng cho thấy, trên người nạn nhân có 16 vết thương .
Thời điểm sau khi bị bắt, Soi thừa nhận do trước đây, cha mình và ông Lối có mâu thuẫn do ông Lối nói cha mình “sẽ chết”. Sau khi cha Soi chết, mặc dù bác sĩ kết luận cha Soi bị ung thư nhưng Soi cho rằng cha mình bị ung thư là do ông Lối “cầm đồ thuốc độc” gây ra.
Đây không phải là vụ án mạng đầu tiên quan đến nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Vào năm 2009, ở thôn Tà Cơm (xã Sơn Thủy, huyện Sơn Hà), vì nghi vợ mình có quan hệ bất chính với một người khác trong làng, một người chồng đã “phao tin” người đàn ông kia có “đồ độc”, hậu quả là người này đã bị dân làng đánh đến chết. Các đối tượng trực tiếp tham gia đánh người phải lãnh án từ 5 - 12 năm tù.
Bản làng bất an khi có người chết, dịch bệnh
Theo lý giải của các già làng sinh sống ở một số huyện vùng cao của Quảng Ngãi, trong suy nghĩ của một số cộng đồng dân cư, “đồ thuốc độc” là một hỗn hợp gồm đất được lấy từ mộ của người chết, xương động vật, chén mẻ, lông trâu… trộn lẫn vào nhau và gói thành miếng nhỏ.
“Đồ độc” được phù phép nên có quyền năng lớn, có thể trừ ma quỷ, bệnh tật nhưng cũng có thể gây bệnh tật, giết người, vật nuôi. Theo quan niệm truyền miệng của bà con, người có “đồ độc” muốn giết ai chỉ việc vỗ vai, xoa đầu, nguyền rủa hoặc cho ăn, uống... người bị “đồ” sẽ chết.
Theo một già làng tại thôn Sơn Kỳ (huyện Sơn Hà), ông sống ở đây gần cả đời người vẫn chưa từng nhìn thấy “đồ độc”, có điều trong tâm thức của người dân, nhất là những người già vẫn tin và rất sợ. Người ta đồn thổi, điểm chung của những người bị nghi có “đồ độc” chính là hay uống rượu, đi đêm, hay to tiếng...
Cũng theo các già làng, “đồ độc” có quyền năng như thế nào thì chưa thấy nhưng vì ghét nhau mà sử dụng các cây có độc dược bỏ vào đồ ăn, thức uống gây tử vong đã từng xảy ra. Đồng thời, phần lớn các nghi kỵ xảy ra khi có người chết, trâu bò chết hoặc đau ốm, dịch bệnh.
Cho đến nay, nhiều làng bản nơi vùng núi xa xôi của tỉnh Quảng Ngãi như Sơn Hà, Ba Tơ, nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” vẫn đang diễn ra. Nó cũng là nguyên nhân chính dẫn đến chia rẽ, bất an trong một số cộng đồng dân cư, ảnh hưởng rất lớn đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Cái chết của ông Phạm Văn Lối đến giờ vẫn còn là nỗi đau chưa thể nguôi ngoai của các thành viên trong gia đình bà Phạm Thị Xâm (vợ ông Lối). “Chồng tôi trước giờ có hại ai đâu nhưng không hiểu sao người dân cứ nghĩ chồng tôi có “đồ độc”.
Trước khi ông ấy bị đánh chết, trong thôn có mấy lần hòa giải nhưng người ta vẫn không tin. Trước đây, chồng tôi cũng không ít lần bị một số người đánh đập do nghi kỵ này”, bà Xâm kể.
Không chỉ với gia đình ông Lối, nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” vẫn chưa thôi ám ảnh anh Đinh Văn Phả (thôn Làng Rê, xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà). Ba năm trước, chỉ vì một câu nói đùa lúc uống rượu mà anh Phả bị gia đình người hàng xóm cho là “cầm đồ thuốc độc”.
Ngay lập tức, anh bị nhà hàng xóm hăm dọa, thậm chí suýt bị hành hung. Dù đã được vận động, hòa giải nhiều lần nhưng nghi kỵ mỗi lúc một tăng. Anh Phả phải làm đồ hậu hĩnh để tạ lỗi nhưng không được.
“Tôi đã làm heo, mua rượu và thuốc hút mời mọi người nhưng vẫn không được bỏ qua. Sau đó vì quá sợ hãi nên tôi lên Lâm Đồng làm thuê, năm 2018 mới về để lo đám ma cho mẹ. Nhưng khi tôi vừa về thì nhà đó lại dắt con trâu bị dịch bệnh qua nhà tôi và yêu cầu tôi phải làm cho trâu hết bệnh, không thì bắt đền 20 triệu đồng. Sau đó tôi phải tiếp tục đi nơi khác làm ăn”, anh Phả ngậm ngùi.
Trung úy Lý Thanh Bình, Công an huyện Sơn Hà chia sẻ, việc xóa bỏ nhận thức, nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” trong cộng đồng dân cư một số huyện vùng cao Quảng Ngãi không hề đơn giản, không phải là chuyện một sớm một chiều có thể làm được. Bởi lẽ, tâm thức ấy đã có từ nhiều đời nay, ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người. “Chỉ có cách thường xuyên tuyên truyền, vận động và chứng minh được là không hề có sự tồn tại của “đồ thuốc độc” để dần dần hình thành ý thức cho người dân, từng bước xóa bỏ được nghi kỵ này”, Trung úy Bình nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận