Hãy giảm gánh nặng cho những người chống dịch
Nói thật, chỉ khi bị cách ly (tại cộng đồng) và được (bị) cách ly (tập trung), tôi mới thật sự hiểu Covid-19 đã đem đến những hậu họa thế nào.
Lúc này cần lắm hai chữ Tự giác! Chỉ thế mới góp phần làm giảm gánh nặng cũng như đỡ phần công việc cho toàn bộ bộ máy tham gia vào cuộc chiến chống dịch này.
Tôi không nói mình làm tốt việc đó. Mà thật sự nhìn thấy tấm hình bác Phó Thủ tướng ôm mặt mệt mỏi trong một cuộc họp về cuộc chiến với Covid-19 này, tôi cũng như toàn người dân Việt Nam, thấy cay cay nơi sống mũi.
Đưa khẩu trang ai cũng lắc đầu
Trở lại phần mình. Tôi có một nhà hàng, chủ yếu đón khách châu Âu, Ấn Độ nên khi Covid-19 bùng phát ở Châu Á, chúng tôi không bị ảnh hưởng nhiều. Khách Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc hủy tour nhưng cửa hàng của chúng tôi vẫn hoạt động bình thường.
Dù vậy, tôi cũng đã chủ động thuê dịch vụ phun khử trùng và mua dung dịch để lau chùi vệ sinh toàn bộ nhà hàng. Quán có nước rửa tay diệt khuẩn, khách nào vào chúng tôi cũng mời rửa tay và phát khẩu trang nhưng hầu hết họ đều lắc đầu.
Tôi làm những điều đó ngay từ khi chưa ai bắt buộc và nhiều người còn khá thờ ơ với Covid-19, vì tôi giữ gìn trước tiên cho nhà hàng, khách hàng và cho chính bản thân chúng tôi.
Khi tôi tìm nhà để thuê ở tạm vài hôm khi nhà hàng phun thuốc, tôi hỏi phòng có phun thuốc khử trùng không, họ trả lời rằng chị bị điên à, tiền đâu mà phun. Chị muốn an toàn thì tự phun thôi, bên em không có. Không phải ai làm dịch vụ cũng tự bỏ tiền ra để làm những điều tương tự từ đầu đâu. Tôi nói như vậy vì sẽ liên quan đến câu chuyện tiếp theo tôi sẽ đề cập.
Lệnh đóng cửa đến như thế nào?
Đến khi bệnh nhân 17 trở về nước và làm bùng lên các ca mắc bệnh, tôi cũng đã mơ hồ nghĩ đến tương lai của nhà hàng mình.
Sáng ngày 7/3, mọi việc diễn ra bình thường tại Avocado Halong. Nhà cửa được dọn dẹp, lau chùi sạch sẽ, cửa đã rộng mở.
14h cùng ngày, tôi đang đi công việc cách xa nhà hàng khoảng 20km thì nhận được tin từ nhân viên: Chị ơi, có hai chị ở bên y tế đến và muốn gặp chị. Họ đang làm việc với chúng em trước.
Như vậy thôi cũng đủ hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Khi quay trở lại Avocado, hai nhân viên y tế nói rằng, có hai khách trên chuyến bay VN54 đã dùng bữa tại nhà hàng. Họ đã vào hai lần trong thời gian nghỉ ở Hạ Long. Hiện đã được đưa đi cách ly và lấy mẫu xét nghiệm rồi.
Nghe đến đó, tôi bảo nhân viên: Các em đóng cửa nhà hàng lại, in bảng thông báo tạm nghỉ trong vài ngày. Tất cả mọi người nên ở lại nhà hàng, khi nào có kết quả của khách chúng ta sẽ tính tiếp.
Các bạn y tế nói rằng, hiện tại chưa có kết quả nên cũng không bắt đóng cửa mà chỉ hạn chế thôi, chị vẫn có thể đón khách bình thường nhưng tránh những đoàn khách đông.
Nhưng tôi đóng cửa luôn. Có kết quả xét nghiệm mới yên tâm làm ăn được.
Nói thật, đang có khách trong khi các cửa hàng khác đều đóng, tôi tiếc lắm chứ. Nước mắt cứ ngân ngấn chực thành dòng nhưng nghĩ mình không thể ích kỷ được. Nhỡ đâu kết quả 2 khách ấy không tốt, nhân viên nhà hàng cũng bị ốm nhưng đang ủ bệnh ảnh hưởng đến nhiều khách khác thì sao - đó không phải là cố tình gieo thêm tội ác sao?!
Cả đêm hôm đó, cả nhà hàng không ai ngủ được. Nhân viên bảo, chị ơi em nhớ giường của em quá, nằm ghế thế này em không ngủ được. Nghe mà thấy thương quá nhưng mình cứng rắn: Mới có tý thế này mà đã kêu ca là sao? Cố gắng thêm chút nữa, ngủ đi còn giữ sức.
Nói thế chứ các em đâu biết chị cũng nằm đó với những đắng cay trong lòng.
Sáng sớm 8/3: 2 khách, trong đó 1 khách nữ (là vợ) dương tính với Covid-19. Nói thật là lúc này mình cảm thấy day dứt, lo lắng cho bé con nhà mình vì nó ở gần với mình nhất, rồi lo cho nhân viên, lo cho khách hàng đã vào nhà hàng từ thời điểm từ tối ngày 4 đến ngày 6/3 này.
Nhưng dẫu sao việc quyết định đóng cửa luôn từ khoảnh khắc biết được có khách trên chuyến bay định mệnh ấy đến nhà hàng cũng đã giúp bản thân mình đỡ nặng nề hơn.
Chiều cùng ngày, cô y tá hôm trước gọi điện và dặn mọi người ở trong nhà đừng đi đâu. Mình bảo, em yên tâm đi, nhà chị hôm qua đến giờ không ai ra ngoài cả.
Chúng tôi tự đi cách ly tập trung
17h00 ngày 8/3: Một chiến sỹ công an và một cán bộ y tế phường xuống thông báo mời toàn bộ nhà hàng Avocado đến điểm cách ly tập trung.
Trong khi đợi xe chức năng đến, mình hỏi bạn công an và cán bộ phường rằng, để tiết kiệm thời gian và chi phí xăng dầu cho các bạn thì nhà chị sẽ tự đi xe đến được không? Sẽ đi theo sau các em, em yên tâm là sẽ không thiếu một ai.
Bạn ấy suy nghĩ và hỏi ý kiến một lúc thì bảo “vâng cũng được, vì được báo là nhà chị rất hợp tác và tự giác nên chúng em cũng yên tâm”.
Thế là nhà mình "rồng rắn lên mây" đi theo các bạn ấy đến địa điểm cách ly. Trên đường đi, con bé con cứ lí lắc, hét ầm ĩ là được đi chơi.
Đến nơi thấy đông người, lại thấy vui, nói cười suốt dù khẩu trang không rời mặt mũi. Thấy thương con đến chảy nước mắt. Nhưng cũng thấy an tâm hơn khi con được an toàn nơi này.
“Ở khách sạn, quá ổn”
Ấn tượng ban đầu là quá ổn. Một khách sạn 2 sao đang hoạt động bình thường được trưng dụng làm khu cách ly. Ở đây, mùa cao điểm còn không có phòng cho khách du lịch.
Sau khi đứng xếp hàng khử trùng các đồ dùng cá nhân cho mọi người, lễ tân tra theo danh sách về lịch sử tiếp xúc với F0 rồi phân chia theo phòng, 2-3 người/phòng. May mắn là 2 chị em tôi cùng con bé con được ở riêng một phòng.
Tôi nói vui, giống như mình đi du lịch, ngại nắng ở trong phòng thụ hưởng vậy.
Con gái tôi 2 tuổi, cứ tíu tít, chạy khắp phòng.
Phòng sạch sẽ, thoáng mát. Ga gối, khăn tắm, khăn mặt, bàn chải đánh răng, dầu tắm, dầu gội đầy đủ. Túi rác, thùng rác được phân chia thành khu vực riêng. Về cơ bản, vệ sinh sạch sẽ và đảm bảo tốt cho sức khỏe khi ở dài ngày trong phòng. Họ cũng đã xịt khử trùng toàn bộ khách sạn và phòng ốc.
Người ta treo đồ ăn ở cửa, rồi gọi ra lấy, không chạm mặt nhau
Tuy nhiên, có thể do tâm lý né tránh hoặc ngại tiếp xúc với những người cách ly (hoặc có thể để tiết kiệm thời gian cũng như nhân sự) nên những ngày đầu, xảy ra tình trạng thiếu suất ăn.
Việc này các bạn làm công tác hậu cần đã rất chu đáo nhưng ý thức của một vài cá nhân đi cách ly vô cùng tệ.
Các phần ăn được chia đầy đủ theo danh sách đã lập, sau đó được đặt ở cửa thang máy của mỗi tầng, từng phòng ra nhận suất ăn, không có ai đứng phát.
Có bạn lấy trước chắc sợ ăn không no nên lấy luôn phần của người khác. Sau khi mình có ý kiến vì không có đồ ăn, đội phục vụ đã treo túi đồ ăn trước cửa từng phòng rồi gõ cửa thông báo. Khi đi khỏi, chúng tôi ra lấy đồ ăn. Không tiếp xúc trực tiếp.
Cách ly mà như đi hội
Nhân tiện đây nói luôn về ý thức của người đi cách ly lẫn thái độ của những người làm việc trong môi trường cách ly này.
Các các bộ y tế và cán bộ có trách nhiệm phụ trách ở cơ sở Bạch Đằng này đã dặn rất rõ ràng là tránh tụ tập đông đúc, tránh việc qua lại phòng nhau để tránh lây nhiễm (nếu có). Thế nhưng các bạn trẻ tối đến ăn uống ồn ào, đêm thì tụ tập chuyện trò, cũng có thể chơi game, hay sát phạt bằng trò gì đấy. Dù được nhắc nhở nhưng họ vẫn cố tình lờ đi. Các bạn đi cách ly vì trách nhiệm cộng đồng mà như đi du lịch, hội chợ vậy. Được cách ly tại địa điểm này là vô cùng may mắn rồi mong hãy ý thức để tránh gây hậu quả.
Chính vì nhiều lần nhắc nhở như vậy, các bộ phận làm nhiệm vụ ở đây có thể ức chế, rồi lại thêm sự lo lắng lây nhiễm bệnh tật khiến nhiều người sợ đứng gần người đi cách ly.
Luôn nhắc người bị cách ly đứng xa mình rồi hỏi gì thì hỏi. Nghe cũng hơi buồn nhưng thực ra cũng thông cảm được.
Còn các bạn đi đo thân nhiệt thì rất nhẫn nại và vui vẻ. Không biết với các phòng khác thế nào chứ khi đến phòng gia đình mình, mọi người đều thoải mái.
Sao lại kỳ thị chúng tôi?
Vẫn còn sốc vì việc bị cách ly nên tôi chưa thể làm gì, cứ ăn ngủ và đọc tin tức trên mạng cả ngày để đầu óc khỏi nghĩ về tương lai của cửa hàng trong thời gian tới.
Cũng để đỡ bận tâm đến những lời bàn tán về mình khi họ lôi Avocado ra như một sự “đáng kiếp” vì dịch đến sát rồi vẫn còn mở cửa, tham thì phải trả giá...
Cũng có những câu thật khó nghe, xúc phạm danh dự người khác, nhiều người mạt sát ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn đem dịch bệnh vào Việt Nam. Nhiều người kì thị, né tránh các anh chị em hướng dẫn viên khi đưa khách đi tham quan thời gian này.
Chính phủ chưa cấm thì chúng tôi còn làm việc, còn đón khách. Tại sao lại kì thị chúng tôi? Tại sao lại mang nghề nghiệp, đặc thù công việc của chúng tôi ra mổ xẻ, khinh khi và đổ lỗi?
Khi dịch bệnh đến, cư dân mạng kêu gọi ý thức và tự giác đi, nghỉ đi, đóng cửa đi. Thế kinh tế lao dốc, cả đất nước có bị ảnh hưởng không? Các bạn nhẽ nào không chịu tác động?
Chế giễu, xâm phạm đời tư người khác: Vui thôi đừng vui quá
Thậm chí cư dân mạng còn mang đời tư của người bị dương tính ra mà làm đề tài chế giễu, phán xét. Đó không phải là trò chơi, trò tiêu khiển giết thời gian của các bạn. Vui tý thôi, đừng vui quá như thế.
Ý thức của những người gian dối gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho xã hội, cho cộng đồng là một hành động đáng bị lên án và tẩy chay. Nhưng nó khác với việc đời tư của họ bị lôi ra để cợt nhả và soi mói.
Các bạn có dám khẳng định mình sẽ làm tốt hơn họ khi rơi vào hoàn cảnh đó không? Các bạn có nghĩ nếu mình vô tình trở thành F1, F2 hay tệ hơn là F0? Các bạn có sẵn sàng khi người ta đem các mối quan hệ, đời tư, nhà cửa của các bạn ra bàn luận?
Hay đến khi khu vực mình ở bị phong tỏa vì có người nhiễm lẫn nghi nhiễm thì nhanh chân chạy trốn, tìm đủ lý do để không đi cách ly. Khai báo thì lằng nhằng rất khó xác định tìm người từng tiếp xúc.
Bản thân tôi, phải đấu tranh mất 5s để quyết định dừng tất cả, sớm hơn khi cơ quan chức năng yêu cầu. 5s ấy, hay 1 ngày đóng cửa sớm ấy cũng dài đấy ạ. Bởi thật sự, ai chả phải nghĩ cho mình.
Trước khi vào khu vực cách ly này, nghe tin về bệnh nhân số 17. Tôi cũng tức giận cô ta lắm. Tôi oán hận cô ấy. Tôi khinh khi thứ ý thức công dân của cô ấy. Nhưng tuyệt nhiên tôi không lên án hay bôi nhọ về đời tư của cô ấy. Bởi chuyện đấy không liên quan đến cuộc sống của tôi.
Rồi vào đây, đọc báo lướt facebook, tôi lại thấy bệnh nhân số 21 bị cộng đồng xới đời tư lên để tranh cãi, để bàn tán. Tại sao lại lôi đời tư của họ vào công cuộc chống đại dịch này?
Các bạn có thấy mình là người vô cùng độc ác không? Trong nghịch cảnh này, bàn tán về cuộc sống riêng của họ là hành động tồi tệ nhất.
Giầu nghèo có quyết định ý thức?
Nhiều người giận giữ nói "sao có chức vụ, giàu có mà ý thức kém", thế lại cổ súy cho việc nghèo thì được phép ít ý thức hơn hay sao? Giàu có hay nghèo khó không phải là điều kiện hình thành nên bốn chữ “Ý thức, tự giác”!
Giờ thì mình lại tiếp tục chờ đợi những ngày tiếp theo đây. Còn những hai đợt kiểm tra và xét nghiệm nữa.
Đấy cũng là một thử thách...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận