Ông Hồ Minh Hoàng
Slogan của Tập đoàn Đèo Cả là “Nghĩ khác biệt - Tạo cách biệt”. Phương châm hành động và tinh thần này luôn được truyền dẫn xuyên suốt từ người đứng đầu Tập đoàn cho đến từng nhân sự quản lý, điều hành. Nhân dịp Xuân Tân Sửu, Báo Giao thông đã có cuộc trò chuyện cùng ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả về mục tiêu mà Tập đoàn đang xác lập và theo đuổi với 3 trụ cột chính: Khát vọng - Dấn thân - Chia sẻ.
Không sợ “ném đá”, dám đương đầu
Khát vọng - Dấn thân nên hiểu ở cấp độ nào, thưa ông?
Khát vọng của chúng tôi không chỉ là khao khát chuyện làm ăn của một doanh nghiệp (DN) mà lớn hơn là khát vọng về sự phát triển đi lên của Việt Nam, gần hơn là trong lĩnh vực hạ tầng giao thông.
Hiện nay Tập đoàn Đèo Cả đã làm chủ được công nghệ làm đường, đường cao tốc và đặc biệt là đường hầm xuyên núi.
Dấn thân không chỉ là cống hiến, hy sinh mà ở thời điểm này còn có nghĩa táo bạo, dám thử thách, chấp nhận.
Chúng tôi dấn thân là chọn những dự án khó, công trình khó, loại công trình đòi hỏi khoa học kỹ thuật cao như: Khoan hầm xuyên núi, làm cầu vượt biển, ứng dụng và tối ưu mọi thứ từ vật liệu đến kỹ thuật thi công, phương thức tổ chức vận hành để làm sao cho giá thành công trình giảm nhưng chất lượng tốt hơn. Tôi cho đó là dấn thân.
Ý nghĩa dấn thân ở đây cũng còn là sự sáng tạo. Chỉ có sáng tạo, liên tục sáng tạo mới mang lại sự khác biệt như phương châm hành động của cá nhân tôi và Tập đoàn Đèo Cả là “Nghĩ khác biệt - Tạo cách biệt”. Điều đó đã được chứng minh qua những công trình mà Tập đoàn thực hiện, vận hành như: Dự án hầm đường bộ Đèo Cả, hầm Cù Mông, hầm Hải Vân mở rộng, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận…
Đó là những công trình của tri thức, trí tuệ nhưng trước hết là sự dấn thân của tôi và từng cá nhân trong Tập đoàn Đèo Cả. Nó không chỉ là một công trình hạ tầng giao thông mà còn là niềm tự hào Việt, mang ý nghĩa và giá trị cho nhiều nhiều năm sau.
Vậy còn Chia sẻ?
Chia sẻ ở đây không hẳn là san sẻ ngọt bùi mà là chia sẻ sự chân thành, thẳng thắn, chia sẻ trong suy nghĩ, nhận thức. Ngoài ra còn hàm ý là sự nỗ lực để tồn tại và vươn lên.
Thời buổi này trong tay ai cũng… có đá! Mà thẳng thắn rất dễ bị “ném đá”. Nên khi đã dám thẳng thắn thì phải chấp nhận búa rìu dư luận. Nhưng phải có bản lĩnh để tiếp tục. Với tôi, chia sẻ cũng là một động lực cho phát triển.
Có ai dám chia sẻ thật với người dân, với công chúng rằng: Đất nước đang khó khăn, ngân sách ít, thắt lưng buộc bụng, giật gấu vá vai, vậy thì chịu khó đi đường xấu, cầu tạm, đừng có than thở…
Ai đi đường gặp cái ổ gà cũng phàn nàn, cũng kêu nhà nước sao để đường sá như vậy? Nhưng ngân sách hạn hẹp, trong khi bao nhiêu việc phải làm, vậy thì phải huy động nguồn lực xã hội, kêu gọi nhà đầu tư tư nhân. Còn nhà đầu tư tư nhân là doanh nghiệp, làm cũng phải có tiền để đóng thuế, để nuôi nhân viên mới phát triển bền vững, tiếp tục đóng góp. Chứ nhận thức “bóc ngắn cắn dài”, đóng góp ít mà muốn hưởng thụ nhiều thì có ngày cắn phải vào tay mình thôi!
Cho nên không chỉ doanh nghiệp như chúng tôi biết chia sẻ mà người dân, công chúng nói chung cũng phải biết chia sẻ. Chia sẻ để thấu hiểu, cảm thông, để cùng đi lên và phát triển. Chỉ khi biết chia sẻ mới cho chúng ta sự thấu hiểu, tạo nên đồng thuận và chính đó làm nên sức mạnh không gì lay chuyển được.
Sự chia sẻ không chỉ là với người dân mà cả với những người đang giữ vị trí điều hành lĩnh vực của mình.
Chia sẻ còn là chia sẻ nội tại với tổ chức của mình. Đó là những đồng nghiệp đang song hành và bất cứ ai cùng chí hướng.
Ba trụ cột: Lãnh đạo - nhà đầu tư - nhà thầu
Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn là dự án giao thông trọng điểm quốc gia, do Tập đoàn Đèo Cả làm chủ đầu tư. Ảnh: Thanh Xuân
Ông có nói đến việc tổ chức lại lực lượng sản xuất cho phù hợp với thời cuộc?
Đúng vậy. Tổ chức lực lượng sản xuất như thế nào để phù hợp trong bối cảnh hiện nay là điều chúng tôi quan tâm.
Tại công trường dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, chúng tôi có các câu “nhật tụng” được treo trên tường, treo ở công trường: Dấu ấn lãnh đạo - Bản lĩnh nhà đầu tư - Năng lực nhà thầu.
Tại sao nói dấu ấn lãnh đạo? Vì đây là thời điểm “ngưỡng cửa”, thời điểm mà Đảng, Nhà nước đang chọn ra người lãnh đạo và bộ máy lãnh đạo cho đất nước trong một thế giới đang chuyển động rất nhanh. Thế thì người lãnh đạo muốn để lại dấu ấn phải có quyết định chính xác và tạo ra kết quả cụ thể.
Những dự án hiện nay nói chung và dự án hạ tầng giao thông nói riêng phần lớn rất khó khăn, cần bản lĩnh của nhà đầu tư. Phải rất bản lĩnh mới dám làm. Thực tế cho thấy, khởi đầu ở những dự án lớn như hầm Đèo Cả, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đều “có vấn đề”. Phải có bản lĩnh mới dám làm và làm được!
Như tại dự án Trung Lương - Mỹ Thuận, cuộc hợp vốn của 4 ngân hàng và thay đổi lượng vốn tài trợ liên tục chồng chéo, giằng co đến mức tưởng chừng không vượt qua được. Tiến độ thì áp lực, địa chất thì yếu và xấu. Trong khi đó nhu cầu người dân thì lớn. Với bao nhiêu áp lực đó, nhà đầu tư phải bản lĩnh mới dám gánh vác, đương đầu.
Và chúng tôi đã làm được. Từ một dự án trì trệ gần 10 năm, ì ạch với 10% khối lượng công việc dở dang, đến nay, khi chúng ta đang ngồi nói chuyện thì bà con miền Tây Tết này đã bon bon về quê trên con đường mới.
Điều đó cũng cho thấy câu trả lời: Nếu nhà thầu không có năng lực thì không thể dẫn dự án về đích như hôm nay được.
Nhà đầu tư giỏi phải biết tổ chức nhà thầu thiện chiến, phối hợp ăn ý, công thưởng - tội phạt, không nhịp nhàng thì không thể làm được. Năng lực nhà thầu què quặt, nợ tiền thì làm sao có thể “tốc chiến tốc thắng” trên dự án Trung Lương - Mỹ Thuận?
Có “Khát vọng - Dấn thân - Chia sẻ”. Có mối quan hệ hữu cơ “Dấu ấn lãnh đạo - Bản lĩnh nhà đầu tư - Năng lực nhà thầu”. Vậy cần điều gì nữa để một dự án hoàn thành, một doanh nghiệp thành công?
Đảng, Nhà nước đã và đang có những chỉnh đốn toàn diện, sâu sắc. Tôi cho rằng đây là cơ hội cho người làm ăn chân chính. Đó là yếu tố quan trọng.
Nhưng Đảng, Nhà nước cũng chỉ xác lập chủ trương, đường hướng nên yếu tố quyết định sự thành bại phải do nhà đầu tư. Tự thân nhà đầu tư cũng phải biết tự lo, tự sắp xếp và đưa ra kế hoạch ứng phó để xử lý vấn đề của mình.
Hiện nay, trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông, ngân hàng chẳng mặn mà gì và dù Luật về hợp tác công tư (PPP) đã được thông qua, sắp có hiệu lực.
Như vậy, nhà đầu tư phải tìm kiếm sự hợp tác bằng cách liên danh, hợp vốn, hợp kỹ thuật… Phải chứng minh với ngân hàng là luật đã ban hành, đã có những điều kiện bảo đảm. Không ai bảo đảm không có khó khăn từ phía chính sách nhưng khi đó phải sẵn sàng đối thoại, tìm ra giải pháp để tháo gỡ.
Để chủ động hơn và trên hết, phải xây dựng kế hoạch tài chính để không phụ thuộc vào ngân hàng. Có như vậy thì doanh nghiệp mới dám Khát vọng - Dấn thân - Chia sẻ. Nếu không thì chỉ là Viển vông - Liều lĩnh - Than thở.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận