Trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo TCT Quản lý bay VN (VATM) cho hay: Từ ngày mai (2/12), Cảng hàng không Điện Biên sẽ hoạt động trở lại sau thời gian tạm dừng để đầu tư xây dựng, mở rộng.
Hiện tại, đảm bảo cho sân bay khai thác trở lại, các hạng mục chuyển đổi đã được thực hiện xong trong đó có nội dung quan trọng như công tác thiết kế, đánh giá phương thức bay hàng không dân dụng, điều chỉnh vùng trời, đường hàng không đi/đến sân bay Điện Biên.
Theo lãnh đạo VATM, khó khăn và thách thức lớn nhất là công tác thiết kế phương thức bay, vùng trời tại sân bay Điện Biên.
Sân bay Điện Biên nằm trong khu vực lòng chảo dọc theo chiều Bắc Nam, bao bọc xung quanh là địa hình đồi núi cao phức tạp với độ chênh cao so với mức cao sân bay lên đến 1.700m.
Do đặc điểm phía Nam sân bay có khe địa hình thoải, phía Bắc và Đông sân bay có nhiều đồi núi hơn nên khi khai thác đường cất, hạ cánh (CHC) 16/34 cũ, hướng đường CHC 34 (bay về hướng Bắc) được sử dụng cho tàu bay tiếp cận hạ cánh và hướng đường CHC 16 (bay về hướng Nam) được sử dụng cho tàu bay khởi hành.
Phương thức tiếp cận được thiết kế cho đường CHC 34 cũ phải lệch trục so với tim đường CHC kéo dài là 14 độ, tồn tại nhiều khó khăn trong quá trình tiếp cận hạ cánh của tàu bay.
Đường CHC 17/35 mới được xây dựng theo Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên với hướng đường CHC xoay lệch 10 độ so với đường CHC 16/34 cũ.
"Chúng tôi đã nghiên cứu thiết kế phương thức bay hàng không dân dụng sử dụng thiết bị dẫn đường VOR/DME và dẫn đường vệ tinh PBN cho đường CHC mới tại sân bay Điện Biên, đảm bảo khai thác cho các loại bay loại C như A320, A321", lãnh đạo VATM nói và khẳng định: Kết quả thiết kế đã mang lại hiệu quả an toàn cao hơn so với các phương thức bay cũ.
Cụ thể, khi tàu bay tiến nhập vào giai đoạn tiếp cận chót (là giai đoạn cuối cùng của phương thức bay bằng thiết bị) để hạ cánh luôn được duy trì hướng bay thẳng hàng so với trục tim đường CHC kéo dài, không phải bay lệch trục (bay lệch trục là hướng bay trong giai đoạn tiếp cận không thẳng hàng với hướng đường cất hạ cánh, tổ lái phải điều chỉnh hướng bay phù hợp để hạ cánh) trong giai đoạn tiếp cận chót so với phương thức bay cũ.
Điều này làm tăng sự ổn định, cân bằng khí động học của tàu bay để hạ cánh, giúp tổ lái kiểm soát được quỹ đạo tàu bay và chiều cao tham chiếu so với thềm đường cất hạ cánh cũng như tổ lái không phải tập trung quan sát đường cất hạ cánh do vị trí của tổ lái đã được gióng thẳng hàng với đường cất hạ cánh mong muốn.
Trong thời gian tới, VATM sẽ triển khai áp dụng phương thức điều hành bay sử dụng giám sát trong khu vực vùng trời sân bay Điện Biên; tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị khai thác có liên quan nghiên cứu tối ưu hóa các phương thức bay hiện tại; đưa vào áp dụng tiêu chuẩn thiết kế và kiểu loại phương thức bay mới với độ chính xác cao hơn.
Trước đó, TCT Cảng hàng không VN (ACV) đã triển khai Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên. TCT Quản lý bay VN được giao đầu tư xây dựng đài kiểm soát không lưu mới.
Hiện tại, ACV đã hoàn tất việc xây dựng đường cất hạ cánh kích thước 2.400x45m, sân quay 2 đầu, kết cấu bê tông xi măng đảm bảo khai thác tàu bay A320/A321 hoặc tương đương.Sân đỗ tàu bay có thể đáp ứng cho 3 tàu A320/A321 hoặc tương đương và 1 tàu bay ATR72 hoặc tương đương.
Hệ thống đèn phụ trợ hàng không hỗ trợ cho tàu bay cất hạ cánh, di chuyển dưới mặt đất trong điều kiện ban đêm, ban ngày thời tiết xấu, tầm nhìn hạn chế. Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên trang bị các hệ thống đèn đạt tiêu chuẩn CAT I theo quy định của ICAO.
Nhà ga hành khách Cảng hàng không Điện Biên được thiết kế gồm 2 tầng với đường nét kiến trúc hiện đại, hài hòa. Trong đó, tầng 1 bao gồm: Khu vực mái sảnh, Khu vực hành khách đi và khu vực hành khách đến; Tầng 2 là Khu vực phòng chờ, phòng khách hạng thương gia, khu vực dịch vụ thương mại và các khu vực phụ trợ phục vụ khai thác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận