Kinh tế

Tốn thêm 200 tỷ đồng cho đấu thầu gạo lần 2, trách nhiệm thuộc về ai?

13/05/2020, 17:40

Các chuyên gia cho rằng, cần xử lý nghiêm doanh nghiệp từ chối hợp đồng bán gạo dự trữ trong lúc nước sôi lửa bỏng “chống dịch như chống giặc”.

img
Chuyên gia cho rằng, việc phải chi thêm 200 tỷ cũng cho thấy sự cứng nhắc quá trong quản lý, bởi không nhất thiết phải mua đúng loại gạo 5044 theo dự kiến

Một loạt doanh nghiệp "xù" hợp đồng bán gạo, Nhà nước tốn thêm 200 tỷ đồng cho đấu thầu đợt 2 nhằm mua vào 182.300 tấn gạo cho dự trữ quốc gia năm 2020. Vậy, trách nhiệm thuộc về ai? Báo Giao thông có cuộc trao đổi với các chuyên gia xung quanh vấn đề này.

Chi thêm 200 tỷ: Cứng nhắc trong quản lý

TS Nguyễn Việt Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) cho rằng, chúng ta cần nhìn nhận theo cơ chế thị trường, không nên đánh giá 200 tỷ là một mất mát mà phải nhìn nhận nó theo giá thị hiện tại của thị trường, đấy chính là giá trị thực của hàng hóa hiện tại.

Theo TS Hùng, hiện nay trên thế giới, việc thực hiện nguyên tắc đấu thầu mua bán hàng hóa đều phải tuân theo quy luật cung cầu thị trường để thuận mua vừa bán, cái chính là người làm chính sách phải nhìn trước được để đưa ra mức giá đấu thầu hợp lý tránh trường hợp có mức chênh lệch quá cao khiến doanh nghiệp thà vi phạm chứ không thể bán.

“Nếu theo luật đấu thầu quốc tế, việc không ký hợp đồng sau khi trúng thầu là hoàn toàn bình thường, tuy nhiên, doanh nghiệp chịu mất tiền bảo lãnh dự thầu. Do đó, việc này nói quy trách nhiệm về ai cũng không đúng, mà đó đều do quy luật thị trường quyết định”, TS Hùng nhận định.

Tương tự, giáo sư Võ Tòng Xuân cũng cho rằng, trách nhiệm đội thêm 200 tỷ cũng chưa nhận định quy cho ai, bởi việc thị trường lên xuống sau đấu thầu làm hai bên đều không ngờ, trong khi doanh nghiệp tham gia đấu thấu có quyền cân đối, nếu giá cả bất lợi quá họ có thể hủy và mất tiền đảm bảo thầu.

Tuy nhiên, việc phải chi thêm 200 tỷ cũng cho thấy sự cứng nhắc quá trong quản lý, bởi không nhất thiết phải mua đúng loại gạo 5044 theo dự kiến. Theo GS Xuân, ban đầu đây là loại gạo rẻ nhất, nhưng sau thời gian cuối tháng 3 đến nay, giá giống gạo này đắt lên nhiều lần do ở Australia và Nhật Bản, Hàn Quốc mua gạo này về nghiền bột để làm bánh.

Mặc dù vậy, Giáo sư Võ Tòng Xuân bày tỏ, cần xử lý nghiêm doanh nghiệp từ chối hợp đồng bán gạo dự trữ trong lúc nước sôi lửa bỏng "chống dịch như chống giặc".

Cần xử lý nghiêm những người liên quan

Nhìn về một khía cạnh những người thực thi cần có trách nhiệm hơn với cộng đồng, chuyên gia Hoàng Trọng Thủy cho rằng cần có chế tài răn đe thực sự đừng để “nhờn pháp luật”.

Theo ông Thủy, trách nhiệm đầu tiên thuộc về những Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước, nơi trực tiếp mời thầu, lựa chọn nhà thầu để tham gia thầu đã chọn không đúng đối tượng để xẩy ra trường hợp trúng thầu nhưng không ký hợp đồng vì giá lên sau đó.

“Người chịu trách nhiệm tiếp theo phải là Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã không làm đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần "chống dịch như chống giặc", bằng mọi cách phải dự trữ đủ số lương thực theo kế hoạch trong lúc cả nước gồng mình chống dịch Covid-19 còn diễn biến nặng nề”, ông Thủy nói.

Ngoài ra, vị này cũng cho rằng, cần xử lý nghiêm những doanh nghiệp đã trúng thầu mà không cấp gạo cho dự trữ nhà nước để không tạo ra tiền lệ. “Đồng ý theo cơ chế thị trường nhưng không thể xem nhẹ bối cảnh quốc gia vì lợi nhuận”, ông Thủy nói.

Ông Thủy cũng bày tỏ: Chế tài xử phạt các doanh nghiệp gạo từ chối ký hợp đồng không đủ sức răn đe khi chỉ mất đi khoản tiền đã nộp để bảo đảm dự thầu, tức khoảng từ 1%-3% giá gói thầu. Do đó, qua những sự việc đã diễn ra, này những người làm chính sách và luật cần tăng cường biện pháp xử phạt.

Theo vị này, cần thiết phải thực hiện biện pháp cấm không cho tham gia đấu thầu trong một thời gian để tạo tính răn đe, ngăn ngừa hành vi của con người từ ý thức, chứ không thể xe chuyện quốc gia như buôn bán ngoài chợ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.