Giáo dục

Tôn vinh những người "gieo" con chữ nơi đặc biệt

14/11/2024, 20:49

Chiều 14/11, 60 thầy, cô giáo tiêu biểu đến từ các trường vùng sâu, vùng xa, huyện đảo, biên giới, trường giáo dục đặc biệt... đã có cuộc gặp mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT trong khuôn khổ chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2024.

Đó là các thầy cô "bám bản" dạy vùng sâu, vùng xa; các huyện đảo, xã đảo xa xôi; là những chiến sĩ bộ đội biên phòng mang quân hàm xanh nâng bước em đến trường và các thầy, cô giáo dạy các em học sinh khuyết tật; hay các giáo viên các trường giáo dưỡng thuộc Bộ Công an…

Tôn vinh những người "gieo" con chữ nơi đặc biệt- Ảnh 1.

Tôn vinh 60 giáo viên điển hình trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô giáo" năm 2025 (Ảnh M.H).

Những thầy cô giáo đặc biệt

Với 19 năm gắn bó với Trường giáo dưỡng số 4, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an, cô Hoàng Thị Ngọc Xuyến cho biết, công việc hằng ngày là quản lý, giáo dục, chăm sóc đối tượng là trẻ vị thành niên có hành vi vi phạm pháp luật, trong độ tuổi từ 12 đến dưới 18 tuổi.

"Ở độ tuổi còn rất nhỏ nhưng các em trước khi vào trường đã những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội như: giết người, hiếp dâm, trộm cắp, buôn bán và tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma tuý, gây rối trật tự công cộng...

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình giáo dục các em nhưng chúng tôi luôn nỗ lực, cố gắng để giúp các em có những sự thay đổi về nhận thức, tu dưỡng, học tập và rèn luyện sớm trở thành những công dân lương thiện, hữu ích cho xã hội. Các em vào trường được tham gia học tập văn hóa, lao động và hướng nghiệp dạy nghề", cô Xuyến chia sẻ.

Là một người lính mang quân hàm xanh, anh Nguyễn Đình Thông (Đồn Biên phòng Tuyên Bình, Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An" có hơn 4 năm đảm nhiệm trọng trách là một giáo viên công tác tại nơi biên giới của Tổ quốc.

"Là nơi có nhiều khó khăn, thử thách, tôi hiểu rõ hơn ai hết về ý nghĩa và giá trị của giáo dục đối với những vùng xa xôi của Tổ quốc. Ở đó, việc học tập đối với các em học sinh là một hành trình đầy khó khăn và thử thách. Nhưng chính trong hoàn cảnh ấy, chúng tôi, những người lính biên phòng nhận thức rõ hơn bao giờ hết rằng nhiệm vụ "trồng người" là một phần không thể tách rời của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

"Chúng tôi xác định rõ giáo dục nơi biên giới không chỉ góp phần phát triển tri thức cho các em học sinh, mà còn là sợi dây gắn kết giữa nhân dân và những người lính, là nền tảng để xây dựng một biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển", thầy Thông chia sẻ.

Còn cô giáo trẻ Quàng Thị Xuân cũng có hơn 12 năm gắn bó với Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mường Lạn, xã Mường Lạn, Sốp Cộp, Sơn La. Đây là trường học nằm tại một vùng sâu, vùng xa của huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, có 54 lớp phân bố tại 8 điểm trường cách xa nhau về khoảng cách địa lý; học sinh dân tộc thiểu số chiếm đến 98,1%.

"Đối với nhiều học sinh nơi đây, việc đến trường, được học con chữ, được biết thêm những điều mới mẻ về thế giới bên ngoài không chỉ là một ước mơ mà còn là hành trình đầy gian nan. Chính những điều kiện thiếu thốn ấy lại là động lực, là lý do thôi thúc tôi và các đồng nghiệp luôn cố gắng, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong việc dạy học để các em được tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến nhất có thể", cô giáo Xuân chia sẻ.

Tôn vinh những người thầy

Tại buổi gặp gỡ, ông Nguyễn Minh Triết, Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam cho biết: Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến những cống hiến âm thầm của các thầy cô trong sự nghiệp trồng người. Các thầy cô đều là những tấm gương sáng cho lòng yêu nghề và ý chí kiên cường. Nhiều thầy cô không ngại gian khó, vượt qua những trở ngại về điều kiện sống, mang tri thức và niềm hy vọng đến cho học sinh ở những nơi còn thiếu thốn. Họ là những "người truyền lửa" thật sự, đóng góp thầm lặng nhưng vô cùng quý báu cho sự nghiệp giáo dục.

Sau khi nghe tâm sự của các thầy, cô giáo được tuyên dương năm nay, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi chia sẻ: "Nhiệm vụ giáo dục ở vùng sâu, vùng xa và những trường chuyên biệt còn nhiều thử thách, thiếu thốn, bất cập nên cần hơn hết những nhà giáo tiên phong, lĩnh xướng nhận nhiệm vụ đó.

Theo đại diện Bộ GD&ĐT, trong những năm qua, chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" cũng đóng góp một tiếng nói không nhỏ, tác động đến việc thay đổi trong tư duy và nhận thức của các nhà hoạch định chính sách đối với nhà giáo. Đó là sự nhận thức đúng đắn hơn vai trò của người thầy trong sự nghiệp trồng người; là sự tôn vinh các nhà giáo đã cống hiến, hy sinh cả cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục.

Những chính sách đặc thù đối với nhà giáo ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn như: Lương, phụ cấp theo lương (phụ cấp ưu đãi, phụ cấp khu vực, phụ cấp lần đầu khi nhận công tác, phụ cấp công tác lâu năm và các loại phụ cấp đặc thù khác…) là minh chứng cho sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cũng như của ngành đối với sự cống hiến của các thầy giáo, cô giáo.

Tại chương trình, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi đã trao Bằng khen của Bộ GD&ĐT cho 60 thầy cô giáo tham dự chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2024.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.