Những cán bộ dù ở chức vụ nào khi vi phạm kỷ luật đều bị xử lý rất nghiêm khắc
Ngày 15/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội thuộc Đơn vị bầu cử số 1 TP Hà Nội đã tiếp xúc cử tri các quận: Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng nhằm chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tại hội nghị, Tổng Bí thư cho biết, đây là cuộc tiếp xúc cử tri có rất nhiều ấn tượng tốt đẹp. Cử tri nắm rất chắc vấn đề đất nước, Quốc hội. Ý kiến phát biểu ngắn gọn, súc tích, đúng, trúng, cụ thể, sâu sắc, rất sát thực tiễn và sát các hoạt động của Quốc hội.
Tổ đại biểu Quốc hội sẽ tiếp thu đầy đủ, tổng hợp báo cáo với Quốc hội, cũng như đề nghị các cơ quan có thẩm quyền trả lời cử tri. Từ ý kiến của cử tri, các đại biểu Quốc hội còn phải có trách nhiệm phản ánh trong các phiên thảo luận tại Quốc hội.
Đề cập một số vấn đề nổi bật mà cử tri nêu, trong đó có vấn đề kiểm soát quyền lực, Tổng Bí thư khẳng định, vừa qua Trung ương đã xử lý rất quyết liệt vấn đề này.
Những cán bộ dù ở chức vụ nào khi vi phạm kỷ luật đều bị xử lý rất nghiêm khắc, nhất là cán bộ nắm trong tay quyền lực lại bè cánh, móc nối với nhau, lợi ích nhóm như ở tỉnh Hải Dương vừa qua. Hội nghị Trung ương 6 mới đây đã kỷ luật Bí thư Tỉnh ủy ở mức cao nhất là cách chức Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, khai trừ khỏi Đảng.
Cách thức xử lý đối với cán bộ vi phạm được Trung ương thực hiện công khai, minh bạch, khách quan, rõ đến đâu làm đến đấy, làm từng bước vững chắc, “làm không thể cãi được”.
Theo Tổng Bí thư, quy trình xử lý cán bộ có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, thống nhất từ xử lý về mặt Đảng, chính quyền đến pháp luật.
Không chỉ xử lý kỷ luật, xử lý mạnh theo quy định pháp luật, Trung ương vừa ra quy định rất mới là Kết luận số 20-TB/TƯ ngày 8/9/2022 về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc điện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật; trong đó, khuyến khích cán bộ bị kỷ luật từ chức hoặc chuyển sang công việc khác phù hợp hơn. Vừa qua, một số đồng chí đã chủ động xin rút không tham gia Ban Chấp hành Trung ương, xin từ chức.
Ai bao che, ai bỏ trốn rồi cũng sẽ bị xử lý
Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Cuộc chiến đấu phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn đang còn tiếp diễn. Các bác cứ chờ xem. Những vụ trọng tâm, trọng điểm đang làm. Những vụ từ cách đây nhiều năm rất ghê gớm, chi phối, ảnh hưởng tiêu cực tới chế độ, uy tín của Đảng đều sẽ được đưa ra ánh sáng. Ai bao che, ai bỏ trốn rồi cũng sẽ bị xử lý".
Tổng Bí thư lưu ý cử tri tránh các thông tin do các thế lực cơ hội, phản động xuyên tạc về mục đích, ý nghĩa của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa qua.
"Chúng ta tiếp tục kiên trì thực hiện các giải pháp đồng bộ để từng bước làm cho cán bộ không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không cần tham nhũng. Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo cải cách tiền lương để bảo đảm đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức", Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư cho rằng tinh thần chính là giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe chứ không thích thú gì kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình. Vì sự tiến bộ chung, vì để giáo dục người khác đừng đi vào vết xe đổ ấy, Trung ương buộc phải làm và yêu cầu các cấp cũng phải làm như Trung ương.
Tổng Bí thư đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội tiếp tục gương mẫu, đi đầu trong phòng, chống tham nhũng. Vừa qua thành phố đã đi đầu thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì phải làm cho tốt. Trước hết là những thành viên Ban Chỉ đạo phải làm gương, nếu vi phạm phải xử lý thật nghiêm.
Tổng Bí thư cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn và toàn thể cử tri, nhân dân chung sức, đồng lòng tham gia cùng thành phố, cùng Trung ương để làm trong sạch bộ máy. Hà Nội không thể để xảy ra tình trạng tham nhũng, tiêu cực.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận