Ngày 14/4, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng Đoàn công tác trung ương đã đến thăm và làm việc với Tỉnh ủy Kiên Giang.
Tại buổi làm việc, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh tinh thần đoàn kết và những kết quả đạt được của Đảng bộ tỉnh Kiên Giang.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhắc nhở tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn, vì sắp tới yêu cầu ngày càng cao, nhiệm vụ rất nặng nề, còn nhiều khó khăn, trăn trở.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong muốn Kiên Giang tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống anh hùng, hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ như phương hướng đã đề ra, phát huy toàn diện, mạnh mẽ, hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của một tỉnh nằm ở trung tâm đồng bằng Sông Cửu Long, đặc biệt là tiềm năng về nông nghiệp, thuỷ sản, du lịch…
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, phải chú trọng phát triển toàn diện, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, giữ gìn đạo đức xã hội, truyền thống văn hóa tốt đẹp dân tộc... Muốn thế phải có tư duy chiến lược, quy hoạch tổng thể và quy hoạch trên từng lĩnh vực cụ thể, trên cơ sở đó có chính sách thu hút đầu tư, tiêu thụ sản phẩm, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ…
Về các kiến nghị của tỉnh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước ghi nhận và nêu rõ, cần có kế hoạch tổng thể, cân đối nguồn lực, tính toán từng bước đi cụ thể, chắn chắn.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước lưu ý, tỉnh Kiên Giang, phải chủ động đề ra kế hoạch ứng phó bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao, xâm nhập nước biển. Bảo vệ vững chắc An ninh quốc phòng biển đảo, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ rừng, không để xảy ra cháy rừng trong thời điểm nắng hạn.
Báo cáo với Tổng bí thư, Chủ tịch nước và Đoàn công tác, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị cho biết, trong năm 2018, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7,13%; thu nhập bình quân đầu người là 2.094USD, sản lượng lúa đạt 4,16 triệu tấn.
Đặc biệt, kinh tế biển có bước phát triển khá toàn diện. Công tác quy hoạch, quản lý tài nguyên, môi trường ven biển, hải đảo được tăng cường, đã hoàn thành phê duyệt và triển khai nhiều dự án, đề án nuôi trồng và chế biến xuất khẩu thủy sản khai thác tốt lợi thế tiềm năng vốn có từ kinh tế biển góp phần nâng cao đời sống của nhân dân ven biển, trên các đảo.
Theo ông Nghị, trong những năm qua, huyện Phú Quốc bùng nổ nhanh chóng về mọi lĩnh vực, trở thành động lực phát triển của tỉnh. Nhiều dự án về dịch vụ du lịch, khu vui chơi mang tầm cỡ quốc tế được các nhà đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng.
Đáng chú ý là từ năm 2016 - 2018, huyện Phú Quốc đóng góp nguồn ngân sách hơn 10.700 tỷ đồng. Riêng, năm 2018, lượng khách du lịch đến với Phú Quốc đạt 2,55 triệu lượt; về đầu mối giao thông vận tải nội vùng và hàng không quốc tế được tập trung đầu tư mạnh, tạo kết nối liên thông đã có sân bay cảng biển Quốc tế kết nối với các thành phố trong nước và Quốc tế.
Kiên Giang kiến nghị Bộ Chính trị chỉ đạo sớm cho chủ trương thành lập thành phố Phú Quốc và có nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Phú Quốc; xem xét chấp thuận chủ trương thành lập huyện đảo Thổ Châu theo Tờ trình số 49-TTr/TU ngày 5.4.2018 của Tỉnh ủy Kiên Giang; đề nghị Trung ương đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 dự án đường hành lang ven biển giai đoạn 2 (đoạn Rạch Giá-Hà Tiên) và Quốc lộ 61 (đoạn Rạch Sỏi-Bến Nhứt) để tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh kết nối với hạ tầng giao thông quốc gia và vùng đồng bằng sông Cửu Long…
Trước đó, vào chiều 13/4, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm Công ty Cổ phần Nhà máy chế biến gỗ công nghiệp MDF VRG (tập đoàn cao su Việt Nam), tại khu công nghiệp Thạnh Lộc, huyện Châu Thành (Kiên Giang) và thăm Công ty sản xuất tôm giống, nuôi trồng và chế biến thủy sản Trung Sơn (xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương, Kiên Giang). Đây là khu sản xuất tôm giống, nuôi trồng thủy sản công nghệ cao lớn nhất tại tỉnh Kiên Giang.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận