Xã hội

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Yêu cầu với Hà Nội phải cao hơn các địa phương

19/09/2020, 16:10

Sáng 19/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc làm việc của tập thể Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.

img
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội (ảnh: TTXVN)

Sáng 19/9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, tập thể Bộ Chính trị đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về công tác chuẩn bị Đại hội XVII Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2020-2025. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc làm việc.

Cùng tham dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; các Ủy viên Bộ Chính trị; lãnh đạo nhiều ban, ngành, cơ quan Trung ương.

Sau khi nghe báo cáo của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Bộ Chính trị thống nhất đánh giá: Trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô chấp hành nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, có nhiều cách làm sáng tạo, quyết tâm đưa các Nghị quyết của Đảng, của Đảng bộ thành phố đi vào thực tiễn cuộc sống.

Kinh tế tăng trưởng khá, cao hơn bình quân cả nước và giai đoạn 2010-2015; chất lượng tăng trưởng được nâng lên. Năm 2020, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt trên một triệu tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người ước đạt 5.420 USD, tăng 1,5 lần so với năm 2015, gấp 1,8 lần bình quân cả nước. Thu ngân sách giai đoạn 2016-2020 đạt gần 1.200 nghìn tỷ đồng, gấp 1,64 lần giai đoạn 2011-2015. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kết quả vượt bậc, giai đoạn 2016-2020 đạt 25 tỷ USD, gấp 3,9 lần giai đoạn 2011-2015. Thành phố đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa cả nước.

Diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi, ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp hơn. Một số công trình, dự án quy mô lớn, hiện đại được khởi công, hoàn thành. Nếp sống văn minh đô thị có chuyển biến tích cực. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả toàn diện, đến cuối năm 2020 có 10 huyện, 371 xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành mục tiêu trước 2 năm.

Bộ Chính trị phân tích, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cần khắc phục; đồng thời gợi mở một số nội dung cần nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung trong nhiệm kỳ tới. Trước hết, cần rà soát, điều chỉnh các chỉ tiêu về phát triển kinh tế cho phù hợp tình hình thực tế, nhất là dưới tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Với GRDP bình quân đầu người đạt 5.420 USD, Hà Nội bước sang giai đoạn phát triển mới, khác về chất, cần nghiên cứu, bổ sung một số chỉ tiêu phát triển bền vững như chỉ số phát triển con người, tuổi thọ, chỉ số bền vững môi trường…

Bộ Chính trị lưu ý, Hà Nội cần hướng tới trình độ phát triển ngang tầm khu vực và quốc tế; phân tích sâu hơn nguyên nhân của việc thành phố chưa tạo được các “đột phá lớn” cho phát triển kinh tế; làm rõ hơn việc thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển Thủ đô (Luật Thủ đô, Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Quốc hội…).

Bộ Chính trị nhấn mạnh, cần đánh giá, làm rõ vai trò trung tâm của Thủ đô là đầu tàu dẫn dắt, đồng thời chia sẻ lợi ích với các địa phương trong vùng và cả nước, từ đó đề ra chiến lược phát triển Thủ đô giai đoạn 2020-2025, là động lực lan tỏa, hạt nhân để gắn kết hiệu quả, bền vững và tích hợp được tiềm năng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trong vai trò trung tâm, cửa ngõ quốc tế và thể hiện vai trò hạt nhân, tiên phong, dẫn dắt của Hà Nội.

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mong muốn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP Hà Nội cần nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn nữa vị trí, vai trò, vị thế và trách nhiệm của Thủ đô và Đảng bộ Thủ đô.

"Yêu cầu đặt ra đối với Hà Nội không thể như với các địa phương khác, mà phải cao hơn các địa phương khác. Hà Nội phải đi đầu, mẫu mực, làm gương về tất cả mọi phương diện. Nói đến Hà Nội phải nói đến toàn diện các lĩnh vực, phát triển kinh tế là quan trọng, nhưng phải chú trọng văn hóa, Hà Nội phải văn minh, thanh lịch, cụ thể hóa tiêu chí xây dựng người Hà Nội, xây dựng Thủ đô, đặc biệt là vấn đề quản lý đô thị, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm tuyệt đối an toàn các cơ quan đầu não Trung ương… Hà Nội trước hết là trung tâm chính trị, trung tâm văn hóa, tiêu biểu cho nền văn hóa Việt Nam, phát triển kinh tế nhưng phải có văn hóa, có quy hoạch, không phát triển tự do, lộn xộn… đã làm thì dứt điểm, đúng kế hoạch", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ đạo.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ: Muốn vậy phải xây dựng Đảng, xây dựng con người, xây dựng tổ chức, kỷ cương kỷ luật, làm ăn bài bản, có kiểm tra, phân công trách nhiệm rõ ràng; làm được thì thưởng không làm được thì phạt, vi phạm thì xử lý. Tổ chức Đảng phải tốt, lãnh đạo phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, đoàn kết, phối hợp nhịp nhàng, nhạy bén, chủ trương đúng, hành động quyết liệt, thường xuyên kiểm tra đôn đốc, xử lý cho nghiêm, tuyệt đối không được tự mãn…

Thủ đô Hà Nội là bộ mặt cả nước, bộ mặt quốc gia, hình ảnh Việt Nam, cần mở rộng quan hệ với thủ đô các nước, đồng thời tranh thủ tối đa sự giúp đỡ của Trung ương. Trung ương có trách nhiệm quan tâm giúp đỡ Hà Nội, tạo điều kiện về cơ chế, bố trí cán bộ…; đồng thời Hà Nội cũng phải vận dụng và phát triển sáng tạo, từ sự chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, có bước đi, cách làm phù hợp; phối hợp với các địa phương khác. Mỗi địa phương đều có thế mạnh riêng, Hà Nội cần tăng cường hợp tác, tận dụng thế mạnh của các địa phương khác, với tinh thần Hà Nội vì cả nước và cả nước vì Hà Nội.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.