Xã hội

Tổng Bí thư: Lấy phiếu tín nhiệm giúp các cán bộ tự soi, tự sửa

15/05/2023, 18:21

Tổng Bí thư cho biết, người được lấy phiếu tín nhiệm sẽ tự soi, tự sửa, tiếp tục phấn đấu, không ngừng nâng cao trách nhiệm nêu gương.

Phiếu tín nhiệm thể hiện phẩm chất, năng lực, kết quả thực hiện nhiệm vụ

Sáng 15/5, phát biểu khai mạc hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa 13, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, sau khi tổng kết việc lấy phiếu tín nhiệm theo các quy định của Bộ Chính trị khóa 11 và 12, ngày 2/2, Bộ Chính trị khóa 13 đã ban hành Quy định 96 và ngày 6/4 ban hành kế hoạch lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương với Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

img

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư sau đó đã chuẩn bị và trình Trung ương báo cáo kiểm điểm cá nhân. Trong đó, mỗi ủy viên tự nhận xét, đánh giá về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; chỉ ra những hạn chế và giải pháp khắc phục; giải trình các vấn đề mà cấp có thẩm quyền hoặc người ghi phiếu yêu cầu.

"Xuất phát từ ý nghĩa, tầm quan trọng và tính chất nhạy cảm của vấn đề, đề nghị các đồng chí Trung ương nghiên cứu kỹ các báo cáo kiểm điểm cá nhân của từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và từ thực tế quan hệ công tác, thể hiện rõ chính kiến của mình về mức độ tín nhiệm đối với từng người", Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị bảo đảm sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung, dân chủ, tự phê bình và phê bình; nêu cao trách nhiệm, tinh thần xây dựng của các Ủy viên Trung ương Đảng trong việc xem xét, thể hiện sự tín nhiệm của mình; tôn trọng quyền báo cáo, giải trình của các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa 13.

Việc lấy phiếu tín nhiệm "cần đánh giá đúng phẩm chất, năng lực, kết quả cụ thể thực hiện chức trách được giao và uy tín của người được lấy phiếu tín nhiệm; bảo đảm tính dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch trong việc lấy phiếu tín nhiệm và sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm".

Người được lấy phiếu tín nhiệm sẽ tự soi, tự sửa, tiếp tục phấn đấu

Theo Tổng Bí thư, việc lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư là nội dung đổi mới rất quan trọng trong công tác cán bộ. Công việc này được bắt đầu từ nhiệm kỳ khóa 11 đến nay.

Mục đích của lấy phiếu tín nhiệm nhằm thực hiện tốt hơn, có hiệu quả hơn chủ trương, đường lối, nghị quyết, kết luận của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng có đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, người được lấy phiếu tín nhiệm cũng sẽ tự soi, tự sửa, tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống và không ngừng nâng cao trách nhiệm nêu gương, trình độ, năng lực công tác.

Tổng Bí thư cho biết thời gian qua, Bộ Chính trị đã chỉ đạo Văn phòng Trung ương Đảng chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuẩn bị dự thảo Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư giữa nhiệm kỳ và đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm đến hết nhiệm kỳ Đại hội 13 của Đảng.

Dự thảo đã được gửi xin ý kiến các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư góp ý để hoàn thiện bước đầu. Ngày 8/5, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp, "thảo luận kỹ lưỡng và cho nhiều ý kiến chỉ đạo xác đáng" để hoàn thiện Báo cáo trình Trung ương.

Báo cáo nêu những ưu điểm, hạn chế, phân tích nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế... Báo cáo cũng phân tích, dự báo tình hình thế giới và trong nước từ nay đến hết nhiệm kỳ, đề ra nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo triển khai trong nửa cuối của nhiệm kỳ khóa 13.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương thẳng thắn, khách quan thảo luận, cho ý kiến vào các nội dung, vấn đề nêu trong Báo cáo; thể hiện rõ chính kiến, đồng tình hay chưa đồng tình với những nhận xét, đánh giá của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; có đề xuất, kiến nghị cụ thể gì với những nội dung, vấn đề cần bổ sung, làm rõ hoặc điều chỉnh, sửa đổi.

Tổng Bí thư cũng lưu ý gắn kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư với đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng trong bối cảnh trong nước và thế giới có nhiều khó khăn, thách thức mới xuất hiện và phức tạp, nặng nề hơn.

"Tập trung phân tích, làm rõ, tạo sự thống nhất cao về những ưu điểm, kết quả, thành tích đã đạt được; đồng thời thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém còn tồn tại; phân tích những nguyên nhân và rút ra những bài học kinh nghiệm từ Đại hội 13 đến nay", Tổng Bí thư nói.

Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa 13 dự kiến diễn ra 3 ngày, bế mạc vào ngày 17/5.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.