Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, việc xử lý nghiêm một số cán bộ có sai phạm không hề làm giảm vị thế, uy tín của Công an như có người lo ngại - Ảnh: mps.gov.vn |
Ngày 3/1, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 74 - Hội nghị quan trọng có nhiệm vụ đánh giá, kiểm điểm đúng thực trạng tình hình, kết quả đạt được và làm rõ những nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm trong thực hiện công tác Công an năm 2018 và nửa nhiệm kỳ qua.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đánh giá, năm 2018 và nửa nhiệm kỳ qua, lực lượng Công an nhân dân đã thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, được cộng đồng quốc tế đánh giá là đất nước thanh bình, là điểm đến an toàn của bạn bè quốc tế.
Bên cạnh đó, lực lượng Công an đã tích cực triển khai thực hiện việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gắn với tăng cường xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp.
Đồng thời, thẳng thắn chỉ ra, xử lý và đề xuất xử lý một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm kỷ luật; xử lý nhiều vấn đề tồn tại về công tác cán bộ từ những năm trước, nhiệm kỳ trước, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo chỉ huy cao cấp, bước đầu ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái.
“Thực tế cho thấy, việc xử lý nghiêm một số cán bộ có sai phạm không hề làm giảm vị thế, uy tín của Công an như có người lo ngại, mà ngược lại, càng khẳng định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, bản lĩnh, sức mạnh kỷ luật, kỷ cương, nâng cao uy tín của lực lượng Công an nhân dân” – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng chỉ rõ những khuyết điểm, tồn tại ngành Công an cần khắc phục trong thời gian tới, như công tác nắm, dự báo và xử lý tình hình, nhất là ở một số công an địa phương vẫn còn hạn chế; một số vụ việc chưa được phát hiện, báo cáo kịp thời, dẫn đến lúng túng trong xử lý, giải quyết.
Công tác đấu tranh với tội phạm kinh tế, tham nhũng ở một số địa phương còn hạn chế. Công tác phòng, chống cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ chưa đạt kết quả như mong muốn; còn để xảy ra nhiều vụ cháy, nổ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Đặc biệt, chất lượng đội ngũ cán bộ ở một số đơn vị, địa phương chưa đáp ứng yêu cầu; việc đánh giá, bố trí cán bộ một số trường hợp chưa được quan tâm đúng mức. Công tác quản lý cán bộ, bảo vệ nội bộ vẫn còn sơ hở, để xảy ra một số vụ việc tiêu cực nghiêm trọng, một số cán bộ trong ngành bị xử lý kỷ luật, bị tước danh hiệu, xử lý hình sự.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, thời gian tới, bên cạnh những thời cơ, chúng ta cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do tác động của tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp, nhất là sự điều chỉnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng quyết liệt, chủ nghĩa bảo hộ tăng mạnh ở nhiều nước; các mối đe doạ an ninh truyền thống, phi truyền thống diễn ra gay gắt.
Người đứng đầu Đảng và Nhà nước cũng lưu ý, nguy cơ "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ gắn với suy giảm lòng tin của một bộ phận nhân dân rất đáng lo ngại. Âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch ngày càng thâm độc, nguy hiểm hơn.
Nhấn mạnh năm 2019 là năm có vị trí rất quan trọng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước cho rằng công việc của ngành Công an sẽ nhiều hơn và phức tạp hơn, rất nhiều nhiệm vụ lớn, khó phải làm và làm tốt hơn nữa đang chờ đợi trước mắt. Vì vậy, chúng ta không được chủ quan, thỏa mãn với chiến công, thành tích; mà phải chủ động hơn nhận diện các nguy cơ, thách thức, xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan của những tồn tại, hạn chế để khắc phục.
Trong đó, phải chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời và có hiệu quả các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, ngăn ngừa khủng bố, gây rối, phá hoại.
Trong xử lý các vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự, phải quán triệt sâu sắc quan điểm "lấy dân làm gốc" và đề cao phương châm 4 tại chỗ: "Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ"; có đối sách sắc bén, kịp thời, phù hợp với từng vụ việc cụ thể.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh việc xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của các cấp, các lực lượng, vai trò, trách nhiệm của người chỉ huy, người đứng đầu, chủ động phối hợp, hiệp đồng tác chiến với các lực lượng. Kiên quyết tấn công, trấn áp mạnh, xử lý nghiêm, làm giảm các loại tội phạm và vi phạm pháp luật, không để hình thành các băng nhóm, tổ chức tội phạm hoạt động "lộng hành" theo kiểu "xã hội đen", bảo đảm trật tự, kỷ cương, cuộc sống bình yên, an toàn của nhân dân.
Cùng với đó, chủ động phòng ngừa, đấu tranh, không để kẻ địch, phần tử xấu thâm nhập, lôi kéo, móc nối, tác động "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; bảo đảm mọi chủ trương, đường lối của Đảng phải được thực hiện có hiệu quả trong thực tế.
Đề cao cảnh giác, kịp thời phát hiện và kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm thù địch, sai trái; vạch trần những âm mưu và hành động lợi dụng một số vụ án, vụ việc tiêu cực để làm tổn hại tới khối đại đoàn kết toàn dân, hạ thấp vai trò, uy tín của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang nhân dân.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhắn nhủ mỗi cán bộ, chiến sĩ công an phải nêu cao ý chí chiến đấu, thường xuyên tự soi, tự sửa, tự tu dưỡng, rèn luyện theo các yêu cầu về tư cách, phẩm chất, xây dựng cho bằng được các mối quan hệ như 6 điều Bác Hồ đã dạy.
Đồng thời phải coi đây là việc làm thường xuyên, trở thành tiềm thức trong trái tim, khối óc và hành động thực tế trong công tác, chiến đấu hằng ngày của mình, luôn giữ mình trong sạch, vững vàng, không bị sa ngã trước sự mua chuộc, lôi kéo của các phần tử xấu, "lợi ích nhóm", không bị cám dỗ bởi những danh lợi tầm thường, không lợi dụng cương vị công tác của mình để làm phương hại đến lợi ích chung, lợi ích chính đáng của Đảng, Nhà nước, nhân dân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận