Thế giới

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hội kiến lãnh đạo hai viện Quốc hội Nga

25/11/2014, 10:46

Ngày 24/11, Trong chuyến thăm LB Nga, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc hội kiến với Chủ tịch Hội đồng Liên bang (tức Thượng viện) Nga và quyền Chủ tịch Duma Quốc gia (tức Hạ viện).

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được tiếp đón trọng thể tại sân bay Vnukovo, Matxcơva - Ảnh: Reuters
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được tiếp đón trọng thể tại sân bay Vnukovo, Moscow. Ảnh: Reuters

Dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước

Chủ tịch Hội đồng Liên bang V. Matvienko và quyền Chủ tịch Duma Quốc gia I. Melnhikov bày tỏ vui mừng được chào đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang thăm chính thức Liên bang Nga và đến thăm làm việc với lãnh đạo của Quốc hội Nga.

Chia sẻ quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về vấn đề Biển Đông, lãnh đạo Quốc hội Liên bang Nga cho rằng các tranh chấp ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Hai nhà lãnh đạo cho rằng chuyến thăm chính thức Liên bang Nga lần này của Lãnh đạo cao nhất của Việt Nam theo lời mời của Tổng thống Vladimir Putin sẽ là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước, góp phần củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga.

Sau khi trao đổi, thông báo cho nhau về tình hình mỗi nước và quan hệ Việt Nam-LB Nga, về một số vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và hai nhà lãnh đạo hai viện của Quốc hội Nga cho rằng trong tổng thể quan hệ Việt Nam-Liên bang Nga, quan hệ giữa Quốc hội hai nước có những bước phát triển mạnh mẽ thông qua các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Quốc hội hai nước.

Quốc hội Việt Nam đã ký với Hội đồng Liên bang Nga Thỏa thuận hợp tác và thiết lập quan hệ hợp tác chặt chẽ; ký Thỏa thuận về hợp tác liên nghị viện vào năm 2013 với Đuma Quốc gia Nga. Những thỏa thuận này đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tăng cường hợp tác song phương, trao đổi kinh nghiệm lập pháp, giám sát, trao đổi tư liệu, thông tin về tổ chức hoạt động giữa các cơ quan Quốc hội của hai nước.

Đồng thuận dành cho Việt Nam thiện cảm lớn

Trong bầu không khí cởi mở, hữu nghị, chân tình, cả Chủ tịch Hội đồng Liên bang Matvienko và quyền Chủ tịch Duma Quốc gia Melnikov đều nhấn mạnh rằng, mặc dù Nga là nhà nước theo chế độ đa đảng, trong Quốc hội có đại diện của nhiều đảng phái theo các khuynh hướng chính trị khác nhau nhưng tất cả đều đồng thuận, ủng hộ quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện với Việt Nam và dành cho Việt Nam sự thiện cảm lớn. Việc tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam là chủ trương chiến lược của Liên bang Nga.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và lãnh đạo hai viện của Quốc hội Nga nhất trí rằng, Quốc hội hai nước sẽ sớm cụ thể hóa các Thỏa thuận hợp tác thông qua các Kế hoạch hoạt động giữa các Nhóm nghị sĩ hữu nghị; tiếp tục đẩy mạnh trao đổi đoàn cấp cao, các Ủy ban, nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau; đẩy mạnh giám sát việc thực hiện các hiệp định giữa Chính phủ hai nước để đạt kết quả thiết thực; ủng hộ việc thúc đẩy để kết thúc đàm phán, sớm ký Hiệp định về Thương mại tự do giữa Liên minh Hải quan với Việt Nam; hỗ trợ tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam học tập, sinh sống, làm ăn ở Liên bang Nga ngày càng đi vào ổn định, hợp pháp, các vấn đề nảy sinh cần được giải quyết trên cơ sở tôn trọng lợi ích của người lao động và quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và LB Nga; tiếp tục phát huy cơ chế tham vấn và phối hợp chặt chẽ với nhau tại các diễn đàn đa phương như Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Diễn đàn Nghị viện châu Á Thái Bình Dương (APPF)…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chuyển lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mời Lãnh đạo Quốc hội Nga sang thăm chính thức Việt Nam vào tháng 12/2014, cũng như sang tham dự Đại Hội đồng Liên Nghị viện Thế giới (IPU) 132 được tổ chức tại Việt Nam vào đầu năm 2015.

C.S

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.