Bất động sản

Tổng công ty Sông Hồng trở lại đường đua kinh doanh bất động sản, sau nguy cơ phá sản

25/04/2024, 13:20

Sau khi cổ phần hóa, Tổng công ty Sông Hồng (Sông Hồng - 70 An Dương, Yên Phụ, Tây Hồ) đã tổ chức Đại hội cổ đông bất thường năm 2024. Qua đó, doanh nghiệp này đã đưa ra nhiều quyết sách tái cơ cấu doanh nghiệp giai đoạn 2024 - 2025.

Doanh nghiệp lỗ lũy kế 1.335 tỷ đồng

Theo tờ trình về kế hoạch tái cấu trúc doanh nghiệp giai đoạn 2024-2025 (08), sau khi cổ phần hóa năm 2010, Sông Hồng đã trúng thầu và được giao thầu nhiều công trình lớn trong nước như: Nhà thi đấu thể thao Đà Nẵng, các hạng mục chính Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, Công trình thoát nước TP Hà Nội khoảng 430 tỷ, công trình Nhà thi đấu thể thao Nam Định 700 tỷ đồng...

Tổng công ty Sông Hồng trở lại đường đua kinh doanh bất động sản, sau nguy cơ phá sản- Ảnh 1.

Trụ sở Tổng công ty Sông Hồng, 70 An Dương, Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau, nhiều năm, Sông Hồng lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ và đối diện nguy cơ phá sản, cụ thể:

Tòa án TP Hà Nội tuyên buộc Sông Hồng trả Ngân hàng SHB (nay là Công ty TNHH MTV Triều Châu là đơn vị mua nợ) số tiền 239 tỷ đồng và khoản lãi tiếp theo cho đến khi trả xong nợ gốc trong vụ án dân sự Tổng công ty bảo lãnh cho Công ty Cổ phần Thép Sông Hồng (là công ty con thời điểm đó) vay vốn tại Ngân hàng SHB từ năm 2011. Đến nay, Chi cục Thi hành án dân sự quận Tây Hồ đã thu hồi của Sông Hồng số tiền 20,8 tỷ đồng, phong tỏa toàn bộ các tài khoản tại ngân hàng, cưỡng chế thu hồi tiền từ các chủ đầu tư và kê biên các tài sản trên đất tại trụ sở tổng công ty để đấu giá thi hành án.

Khoản nợ vay tại Ngân hàng Oceanbank thi công công trình Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, giai đoạn 2009-2014, đã mất hoàn toàn khả năng thanh toán gốc và lãi. Đến 30/6/2023, tổng công ty phải trả Oceanbank số tiền 689 tỷ đồng (trong đó 191 tỷ đồng nợ gốc). Khoản nợ vay này Oceanbank đã khởi kiện tổng công ty tại Tòa án quận Tây Hồ từ năm 2017. Tổng công ty đang bị phân loại nợ xấu nhóm 5 từ năm 2015 nên không thể vay vốn, bảo lãnh ngân hàng.

Cũng theo tờ trình 08, Công ty mẹ - Tổng công ty Sông Hồng lỗ lũy kế 1.335 tỷ đồng, phần lớn các đơn vị thành viên thua lỗ, mất khả năng thanh toán lớn, không có công ăn việc làm và đã dừng hoạt đồng nhiều năm.

Một số dự án đầu tư không triển khai được do tổng công ty không có nguồn lực tài chính để đầu tư, hồ sơ tài chính không đủ điều kiện về vốn chủ sở hữu theo quy định do thua lỗ mất hết vốn chủ sở hữu.

Sông Hồng sắp đổ vốn vào 2 dự án bất động sản

Trên cơ sở khó khăn xác định, Tổng công ty Sông Hồng định hướng cấu trúc, giai đoạn 2024-2025, thoái vốn kèm theo xử lý dứt điểm công nợ phải thu/phải trả với tổng công ty hoặc cho giải thể/phá sản (nếu đủ điều kiện) đối với các đơn vị có vốn góp của công ty mẹ - tổng công ty nếu không thoái được vốn.

Tăng vốn điều lệ công ty mẹ theo hình thức hoán đổi nợ phải trả thành cổ phần và bằng tiền để triển khai các dự án đầu tư, mua bán, sáp nhập, thành lập mới doanh nghiệp. Đàm phán, thoả thuận thi hành án tự nguyện với người được thi hành án và đàm phán mua nợ với các chủ nợ lớn để cơ cấu nguồn vốn, giảm thiểu thiệt hại về tài chính và chuyển nhóm nợ.

Đồng thời, tập trung hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chính là đầu tư kinh doanh bất động sản, không trực tiếp làm nhà thầu trong các hoạt động thi công xây dựng. Mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, thành lập các công ty con, công ty liên kết trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản và các lĩnh vực đầu tư kinh doanh khi có cơ hội đầu tư.

Trong kế hoạch tái cấu trúc vốn chủ sở hữu, đơn vị này cho biết, sẽ tăng vốn điều lệ doanh nghiệp, đến 30/6, Công ty mẹ - Tổng công ty lỗ lũy kế 1.300 tỷ và mất hết vốn chủ sở hữu. Trong khi đó, nhu cầu vốn chủ sở hữu trong giai đoạn 2024-2025: Nhu cầu vốn chủ sở hữu bằng tiền để thực hiện dự án tổ hợp đa chức năng Sông Hồng Tower dự kiến khoảng 200 tỷ; nhu cầu vốn chủ sở hữu cơ cấu các khoản nợ phải trả dự kiến 300-350 tỷ. Do đó, Sông Hồng sẽ tăng vốn điều lệ từ 270 tỷ lên 770-820 tỷ đồng.

Được biết, tại thời điểm 30/6/2023, Sông Hồng đầu tư vào 27 doanh nghiệp, trong đó 7 công ty con, 12 công ty liên kết và 8 công ty đầu tư dài hạn khác với tổng số vốn 283 tỷ đồng, giá trị đã trích lập dự phòng lũy kế 224 tỷ, giá trị đầu tư còn 59 tỷ.

Trước đó, Bộ Xây dựng thông báo đấu giá thành công hơn 13,24 triệu cổ phiếu tại Tổng công ty Sông Hồng (mã CK:SHG), hoàn tất thoái toàn bộ hơn 49% vốn doanh nghiệp.

Theo kết quả phiên đấu giá, hai nhà đầu tư đã mua toàn bộ hơn 13,24 triệu cổ phiếu SHG với giá 10.500 đồng/cổ phiếu, gấp khoảng 3 lần thị giá SHG giao dịch trên thị trường cùng thời điểm. CTCP Đầu tư Địa ốc Sông Hồng, đơn vị Tổng công ty Sông Hồng góp 1,56% vốn, đã mua 13,23 cổ phiếu SHG, tương đương với số tiền đã bỏ ra là gần 139 tỷ đồng.

Một trong những điểm cũng đáng quan tâm, theo báo cáo tài chính hợp nhất niên độ đã được soát xét (30/3), tổng tài sản doanh nghiệp là 985 tỷ. Doanh nghiệp này còn khá nhiều tài sản tồn kho, giá trị 405 tỷ đồng; bất động sản đầu tư 55 tỷ đã hết hao mòn; chi phí xây dựng dở dang dài hạn 37 tỷ...


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.