Trước thông tin: “Bộ Công thương cho biết vừa qua nhận được các văn bản của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và một số doanh nghiệp phản ánh những khó khăn trong việc xuất khẩu khẩu trang vải. Nguyên nhân là do các cán bộ hải quan tại cửa khẩu khó phân biệt giữa khẩu trang y tế với khẩu trang vải, đặc biệt là khẩu trang vải kháng khuẩn nên phải lấy mẫu gửi đi giám định nhiều nơi...”.
Liên quan đến vấn đề này, Tổng cục Hải quan đã dẫn Nghị quyết số 20/NQ-CP về việc áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19.
Trong đó quy định, Bộ Y tế cấp giấy phép xuất khẩu đối với khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19 và chỉ cho phép xuất khẩu với mục đích viện trợ, hỗ trợ quốc tế do Chính phủ Việt Nam thực hiện (tối đa 25% sản lượng cho xuất khẩu, 75% sản lượng dành cho công tác phòng, chống dịch bệnh trong nước).
Quy định trên không áp dụng với hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp chế xuất đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và doanh nghiệp gia công khẩu trang y tế cho thương nhân nước ngoài đã ký hợp đồng gia công trước ngày 1/3/2020.
Trên cơ sở đó, ngày 9/3/2020, Tổng cục Hải quan đã có văn bản chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố, trong đó yêu cầu chỉ giải quyết thủ tục xuất khẩu khẩu trang y tế theo quy định tại Nghị quyết 20 như đã dẫn phía trên.
Bên cạnh đó, để không để xảy ra tình trạng gian lận, xuất khẩu khẩu trang y tế nhưng cố tình khai báo là khẩu trang khác, Tổng cục Hải quan chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố kiểm tra thực tế đối với các lô hàng hóa xuất khẩu khai báo là khẩu trang không dùng trong y tế.
Ngày 11/3, Bộ Y tế đã ban hành quy định về việc cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng chống dịch COVID-19.
Sau đó, ngày 27/3, Bộ Y tế tiếp tục có văn bản gửi Bộ Tài chính và cho biết, thời gian qua có hiện tượng làm giả giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) do Bộ Y tế cấp đối với mặt hàng khẩu trang y tế. Bộ Y tế cũng đã yêu cầu đề nghị Bộ Công an và các địa phương phối hợp kiểm tra, làm rõ thông tin một số công ty có hành vi vi phạm trong lĩnh vực trang thiết bị y tế; Tăng cường kiểm tra và kịp thời xử lý nghiêm theo quy định đối với các đơn vị sản xuất khẩu trang y tế vi phạm trên địa bàn.
Trên cơ sở đó, Tổng cục Hải quan có công văn hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành phố kiểm tra mặt hàng khẩu trang xuất khẩu; Chỉ lựa chọn các lô hàng nghi vấn đề kiểm tra thực tế hàng hóa, đặc biệt các lô hàng do nhà xuất khẩu không phải là nhà sản xuất.
Trong quá trình kiểm tra thực tế, hàng hóa không đủ các dấu hiệu theo tiêu chuẩn khẩu trang y tế thì thông quan. Trường hợp quan sát thấy có dấu hiệu theo tiêu chuẩn nhưng khai báo là khẩu trang khác thì lấy mẫu giám định tại Viện Trang thiết bị và Công trình y tế - Bộ Y tế hoặc các tổ chức giám định đáp ứng đủ điều kiện giám định khẩu trang y tế theo quy định.
Tổng cục Hải quan cho biết, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế trong và ngoài nước đang tăng cao; Cục Hải quan các tỉnh, thành phố đã tăng cường công tác phòng chống buôn lậu khẩu trang qua biên giới và đã phát hiện bắt giữ nhiều vụ việc buôn lậu mặt hàng khẩu trang qua biên giới.
Điển hình như ngày 11/3/2020, Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài – Cục Hải quan Tây Ninh kiểm tra, kiểm soát, phát hiện 2 đối tượng có hành vi vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới187.950 chiếc khẩu trang y tế Việt Nam, mới 100%, trị giá hàng hóa ước tính 161,455 triệu đồng.
Tiếp đó, ngày 8/3/2020, Chi cục Hải quan cửa khẩu Tịnh Biên – Cục Hải quan tỉnh An Giang phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên bắt giữ 1 đối tượng vận chuyển trái phép 164.600 chiếc khẩu trang y tế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận