Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: Có 3 phương pháp dùng để biên soạn chi tiêu thống kê tổng sản phẩm trong nước (GDP). Đó là phương pháp sản xuất, phương pháp sử dụng và phương pháp thu nhập.
Tổng cục Thống kê đang sử dụng cả 3 phương pháp này trong biên soạn GDP. Hàng quý Tổng cục Thống kê dùng phương pháp sản xuất và phương pháp sử dụng còn cứ 5 năm sử dụng phương pháp thu nhập.
Hiện nay, Tổng cục Thống kê đang “đánh giá lại quy mô GDP”, đây là nhiệm vụ thường xuyên và định kỳ của bất kỳ một cơ quan thống kê quốc gia nào trên thế giới. “Đánh giá lại quy mô GDP được thực hiện theo phương pháp sản xuất, vì vậy không phải là cách tính mới. Tổng cục Thống kê khẳng định cách tính GDP của Việt Nam hiện nay theo đúng thông lệ quốc tế”, ông Lâm khẳng định.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên Tổng cục Thống kê đánh giá lại quy mô GDP của Việt Nam. Năm 2013, Tổng cục Thống kê đã công bố thực hiện đánh giá lại quy mô GDP cho giai đoạn 2008-2012, khi đó GDP tăng khoảng 9%. Mà đó chỉ tập trung đánh giá lại ngành ngân hàng, tài chính, bảo hiểm và kinh doanh bất động sản (hoạt động nhà ở tự ở, tự có); thay đổi phân ngành kinh tế từ Hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân năm 1993 sang Hệ thống phân ngành kinh tế Việt Nam năm 2007.
"Lần này Tổng cục Thống kê đánh giá lại toàn bộ nền kinh tế", ông Lâm nói.
Đại diện Tổng cục Thống kê cũng cho biết, trong quá trình biên soạn chỉ tiêu GDP ở bất cứ quốc gia nào luôn có những vấn đề phát sinh cần phải rà soát, đánh giá lại cả trong ngắn hạn và trong dài hạn.
Cơ quan Thống kê Liên hợp quốc đưa ra ba vòng đánh giá lại số liệu GDP nhằm xử lý những bất cập nảy sinh trong quá trình biên soạn số liệu. Vòng 1 và vòng 2 là những đánh giá lại ngắn hạn và được các nước thực hiện thường xuyên trong quá trình biên soạn GDP. Vòng 3 thực hiện điều chỉnh lớn, thường được triển khai khi có kết quả các cuộc tổng điều tra. “Việc đánh giá lại vòng 1 và vòng 2 thì năm nào cũng làm. Việc này nhằm đảm bảo thống kê đúng thông lệ quốc tế và phản ánh đầy đủ quy mô giá trị, sát thực nền kinh tế. Thời điểm này chúng ta đang xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2025 nên cần có bức tranh đúng về tình trạng nền kinh tế để xây dựng các mục tiêu quốc gia cũng như mục tiêu cụ thể của từng địa phương", ông Lâm nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận