Tổng cục Thống kê cho biết, GDP 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%
Phát miễn phí 30 triệu thẻ bảo hiểm
Thông tin tại về số liệu kinh tế 6 tháng đầu năm sáng nay (29/6), Tổng cục Thống kê cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các địa phương vẫn tiếp tục phấn đấu thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội.
GDP quý II/2021 ước tính tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 0,39% của quý II/2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 6,73% của quý II các năm 2018 và 2019.
Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,11%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,28%, khu vực dịch vụ tăng 4,30%. Tiêu dùng cuối cùng tăng 3,18% so với cùng kỳ năm trước; Tích lũy tài sản tăng 6,05%; Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 29,81%; Nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 28,53%.
GDP 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019.
Đồng thời các địa phương triển khai nhiều hình thức tạo việc làm, trợ cấp thất nghiệp cho người lao động, trợ cấp cho người dân trong vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh. Vì vậy đời sống của nhân dân nhìn chung vẫn được giữ ổn định.
Tổng cục Thống kê cũng cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng trị giá tiền và quà hỗ trợ cho các đối tượng là 6.906 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ cho các đối tượng người có công, thân nhân người có công là 2.540,9 tỷ đồng, hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là 1.354,7 tỷ đồng; Hỗ trợ cứu đói và các đối tượng bảo trợ xã hội là 1.958,4 tỷ đồng; Hỗ trợ các đối tượng khác là 1.052 tỷ đồng.
Thời gian qua có hơn 30 triệu thẻ bảo hiểm xã hội/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng thụ hưởng.
Tỷ lệ thất nghiệp tăng
Tổng cục Thống kê cho biết, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở một số địa phương nên tình hình lao động, việc làm quý II/2021 chịu ảnh hưởng, lao động đang làm việc trong nền kinh tế giảm so với quý trước, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động đều tăng.
Cụ thể, lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc quý II/2021 giảm 65 nghìn người so với quý trước; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tăng 0,2 điểm phần trăm; Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tăng 0,4 điểm phần trăm.
Tuy nhiên, tính chung 6 tháng đầu năm 2021, lao động đang làm việc trong nền kinh tế vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động giảm và thu nhập của người làm công hưởng lương tăng.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý II/2021 ước tính là 51,1 triệu người, tăng 44,7 nghìn người so với quý trước và tăng 1,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 51 triệu người, tăng 737,7 nghìn người so với cùng kỳ năm 2020.
Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động quý II/2021 ước tính là 45,1 triệu người, giảm 50,2 nghìn người so với quý trước và tăng 823,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 45,2 triệu người, giảm 90,8 nghìn người người so với cùng kỳ năm trước
Theo thống kê, tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước 6 tháng đầu năm ước tính là 2,30% (quý I là 2,19%, quý II là 2,40%), trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 3,07%; Khu vực nông thôn là 1,86%.
Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi 6 tháng ước tính là 2,52% (quý I là 2,42%, quý II là 2,62%), trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 3,28%; Khu vực nông thôn là 2,07%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý I/2021 là 2,20%; Quý II là 2,60%.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ước tính là 2,58%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 2,64%; Tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 2,54%.
"Dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Tại Việt Nam, dịch Covid-19 đang tiếp tục được kiểm soát nhưng cục bộ tại một số địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương đang diễn biến phức tạp, khó dự báo và một số tỉnh có nguy cơ cao có thể bùng phát trở lại. Tính đến trưa 28/6/2021 Việt Nam có 15.643 trường hợp mắc, 6.319 trường hợp đã được chữa khỏi (76 trường hợp tử vong)", Tổng cục Thống kê thông tin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận