Dù Tổng cục Hải quan đã phát đi thông báo về việc mở tờ khai xuất khẩu gạo nhưng dư luận vẫn nêu vấn đề về hệ thống phần mềm của hải quan cũng như dấu hỏi về việc có hay không trục lợi về chính sách trong xuất khẩu 400 nghìn tấn gạo. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn ngày 14/4 tiếp tục khẳng định: Hệ thống thông quan điện tử của Hải quan Việt Nam do Chính phủ Nhật Bản tài trợ và đã được thông quan từ 4-5 năm nay.
Ông Cẩn cũng cho biết, tất cả tờ khai, thủ tục hải quan có thời gian thực hiện 24/7, không có ngày nghỉ tức là doanh nghiệp khai mọi lúc, mọi nơi.
Lý giải rõ hơn những thông tin trước đó mà Tổng cục Hải quan phát đi tối qua, ông Cẩn cho biết: “Ở đây, đối chiếu với điều hành xuất gạo của Chính phủ và thực hiện quyết định về hạn ngạch xuất khẩu gạo của Bộ trưởng Bộ Công thương, từ 0h ngày 12/4/2020, hệ thống thông quan của Hải quan mở theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng. Đó là, các doanh nghiệp tự động đăng ký tờ khai giống như các hàng hóa khác. Nhưng chỉ khác là điều kiện giới hạn trong 400.000 tấn gạo”.
Chính vì thế, từ 0h đến 6h15 phút ngày 12/4, các doanh nghiệp đã đăng ký tờ khai xuất khẩu gạo và trên hệ thống thể hiện gần 399.990 tấn, dư gần 11 tấn. Do vậy, các doanh nghiệp có tờ khai đăng ký lớn hơn 11 tấn sẽ không được hệ thống không chấp nhận.
“Điều đó cho thấy không có sự can thiệp, tác động chủ quan của công chức Hải quan. Hệ thống Hải quan tự động không phải bây giờ doanh nghiệp mới khai báo mà tất cả các doanh nghiệp đã thực hiện từ mấy năm nay rồi”, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan khẳng định.
Ông Cẩn cũng cho hay, đối với xuất khẩu gạo, trước đây, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Cơ quan Hải quan đã dừng xuất khẩu ngay trên hệ thống và đây là hoạt động bình thường.
“Ngày hôm sau, trên website của Tổng cục Hải quan, chúng tôi cập nhật danh sách doanh nghiệp đã đăng ký tờ khai xuất khẩu gạo. Việc này rất minh bạch, đúng với quy định của pháp luật, tự động trên hệ thống”, ông Nguyễn Văn Cẩn nói. “Ngay từ khi Chính phủ có chỉ đạo tạm dừng xuất khẩu gạo để xem xét đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính cũng kiến nghị bằng văn bản với Bộ Công thương và Chính phủ là phải thu mua đủ lượng gạo dự trữ quốc gia. Khi nào mua đủ lượng gạo dự trữ mới cho xuất khẩu”.
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, sau khi Tổng cục Dự trữ Nhà nước tổ chức đấu thầu, có 28 doanh nghiệp đã trúng thầu 179.000 tấn gạo. Nhưng sau khi có chính sách xuất khẩu gạo lại thì nhiều doanh nghiệp đã hủy hợp đồng.
“Chúng tôi kiến nghị, để minh bạch, đòi hỏi lượng gạo dự trữ được mua đủ mới cho xuất khẩu. Hai là xem xét đấu thầu hạn ngạch hoặc vẫn cho trừ lùi trên hệ thống tờ khai hải quan như hiện nay nhưng phải khống chế lượng tờ khai tối đa là bao nhiêu. Chúng tôi sẽ cập nhật 1 giờ một lần trên website về số lượng doanh nghiệp của Tổng cục Hải quan. Như thế mới đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đảm bảo xuất khẩu của doanh nghiệp”, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho hay.
Liên quan đến kế hoạch thu mua gạo dự trữ, trao đổi với báo chí ông Đỗ Việt Đức, Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho biết, đến thời điểm hiện tại (14/4) cơ quan này mới chỉ mua vào được 7.700 tấn gạo dự trữ.
Trước đó, theo kế hoạch dự trữ gạo năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã giao cho các cục Dự trữ Nhà nước khu vực mua lương nhập kho gồm 190.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc. Thời gian mua thóc thực hiện theo mùa vụ thu hoạch lúa năm 2020 của các địa phương và dự kiến hoàn thành việc nhập kho 190.000 tấn gạo là trước ngày 15/6/2020. Tức là ngay trong vụ thu hoạch Đông Xuân này.
Trước diễn biến mới hiện nay, Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho biết sẽ báo cáo cấp trên về việc hủy đợt thầu vừa qua và sẽ tiến hành đợt thầu mới ở 22 cục Dự trữ trên cả nước.
Còn các doanh nghiệp bỏ hợp đồng khi đã trúng thầu, theo Tổng cục Dự trữ Nhà nước, sẽ bị xử lý theo quy định của Luật Đấu thầu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận