Pháp đình

Tổng giám đốc lừa hơn 800 người: "Bị báo chí phản ánh mới biết sai!"

10/03/2022, 17:41

Tại tòa, Long khai nhận: cho đến khi bị báo chí phản ánh, bị cáo mới biết hành vi của mình là sai.

Thừa nhận đưa ra 5 hình thức huy động vốn

Ngày 10/3, TAND tỉnh Hậu Giang tiếp tục mở phiên tòa xét xử Võ Thanh Long (SN 1983), Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản (BĐS) Cao Thắng cùng các đồng phạm trong vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của hơn 800 bị hại ở 39 tỉnh, thành.

img

Võ Thanh Long tại phiên tòa.

Các bị cáo còn lại gồm Trần Vạn Lợi (SN 1989), Lữ Nhật Trường (SN 1987), Nguyễn Tân Định (SN 1982), Trần Tấn Phát (SN 1992), Phạm Minh Hoàng (SN 1965), Lê Minh Thu (SN 1980), Võ Văn Sang (SN 1992), Lê Thành Nguyên (SN 1990), Đỗ Văn Thọ (SN 1966), cùng là nguyên Phó tổng giám đốc Công ty Cao Thắng. Tất cả cùng bị truy tố về tội “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”.

Theo cáo trạng, năm 2012, Võ Thanh Long Thành lập Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Hải Trung Kim (trụ sở tại thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang). Sau nhiều lần thay tên, công ty tiếp tục hoạt động không hiệu quả nên Long đổi tên công ty thành Công ty CP Quốc tế Ước Mơ Việt.

Đến năm 2016, Long thành lập Công ty CP BĐS Cao Thắng (trụ sở xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang).

Tháng 1/2019, Long ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của dự án Khu du lịch sinh thái Phú Hữu (nay là dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Phú Hữu).

Sau khi nhận chuyển nhượng, Long không thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định để triển khai dự án, đồng thời không thực hiện chuyển quyền sử dụng đất cho Công ty Cao Thắng, nhưng đã huy động gần 160 tỷ đồng của khoảng 800 người…

Trong phiên tòa hôm nay, HĐXX, Viện KSND tập trung hỏi các bị cáo và đại diện ngân hàng để làm rõ nội dung vụ án.

Bị cáo Long trình bày, số tiền 59 tỷ đồng là vốn điều lệ của Công ty BĐS Cao Thắng hoàn toàn không có, chỉ được thể hiện trên giấy đăng ký kinh doanh, nhưng có tài sản cá nhân đó là đất tại khu du lịch sinh thái Phú Hữu. Khu đất này là đất nông nghiệp, thổ cư, trồng cây lâu năm.

Mặc dù hoạt động trong lĩnh vực BĐS và kinh doanh du lịch, thế nhưng Long không chuyển quyền sử dụng đất sang cho Công ty Cao Thắng, không chuyển đổi mục đích sử dụng đất thửa đất nói trên sang đất chuyên dùng, kinh doanh thương mại, huy động vốn đầu tư không đúng quy định.

Khi HĐXX đặt vấn đề: “Trong 3 mục đích sử dụng đất, không có mục đích nào là kinh doanh thương mại và đất chuyên dùng. Nếu giả sử bị cáo kinh doanh du lịch thì theo bị cáo là có cần chuyển mục đích đất không? Và thực tế là bị cáo có chuyển đổi không?”, thì Long quanh co: “Dạ bị cáo có chuyển đổi mà chưa được cấp, bị cáo xin chuyển đổi lâu lắm rồi”.

Long thừa nhận, bị cáo là người đã đưa ra 5 hình thức huy động vốn gồm hợp đồng đầu tư, thanh lý hợp đồng của Công ty Ước Mơ việt, bán cổ phần Công ty Cao Thắng, bán vé IOT, bán vé du lịch thu lợi gần 160 tỷ đồng. Số tiền này, bị cáo dùng để chi trả lương cho nhân viên, tổ chức các cuộc họp.

img

Các bị cáo tại phiên tòa.

Giờ mới biết sai!

"Các Phó tổng được bị cáo bổ nhiệm được hưởng các quyền lợi như lương căn bản từ 8-20 triệu/tháng, các khoản công tác phí, hoa hồng phụ cấp từ 15-30 triệu/tháng", Long nói.

Tại tòa, Lợi, Trường, Định, Phát, Hoàng, Thu, Sang, Nguyên, Thọ khai nhận, việc Công ty BĐS Cao Thắng chưa đầy đủ điều kiện để thực hiện việc kêu gọi đầu tư, các bị cáo không được biết. Các bị cáo chỉ thực hiện theo chỉ đạo của Long, chia sẻ, tư vấn, hoặc thuyết trình tại các hội thảo kêu gọi khách hàng hợp tác với Công ty Cao Thắng.

"Bị cáo không nghĩ là hành vi của mình vi phạm pháp luật! Bị cáo thấy Long mua dự án Khu du lịch Phú Hữu nên bị cáo tin và chia sẻ các thông tin đến khách hàng. Đến hôm nay bị cáo mới biết hành vi của mình là vi phạm pháp luật", Sang khai.

img

Bị cáo Võ Văn Sang.

Nói về việc mang danh nghĩa Công ty Cao Thắng đi kêu gọi đầu tư, Long nói cho đến khi báo chí phản ánh mới biết đó là sai. "Tôi biết ngày hôm nay tôi có tội, vi phạm pháp luật. Bị cáo làm khu du lịch đó là vì thấy khu đất bỏ nhiều năm nên mua.

Bị cáo bỏ tiền ra mua, bị cáo nghĩ mua về không lỗ cũng lời, nên thôi cứ mở rộng đi, có khách thì có lợi nhuận, lợi nhuận không có thì kêu gọi đối tác. Còn không có nữa thì bán đất trả đối tác.

Thời gian kéo dài cho đến khi báo chí phản ánh, không đủ thủ tục thì không được quyền kêu gọi, tới đó bị cáo mới biết", Long phân trần.

Ngày mai (11/3), tòa tiếp tục phần xét hỏi, trong đó, HĐXX cho biết sẽ hỏi các bị hại.

Báo Giao thông sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến phiên tòa.

Theo cáo trạng, từ tháng 4/2017 đến 10/2019, Võ Thanh Long cùng 9 bị cáo đã lợi dụng dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Phú Hữu (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) để huy động vốn.

Đó là huy động theo phương thức đa cấp thông qua các hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư, thanh lý hợp đồng mua phiếu bảo trì của Công ty Ước Mơ Việt để mua cổ phần Công ty Bất động sản Cao Thắng, bán cổ phần Công ty Cao Thắng; bán vé ITO; hợp đồng đại lý bán vé du lịch. Từ đó chiếm đoạt của 816 bị hại ở 39 tỉnh, thành trên cả nước với tiền gần 160 tỷ đồng.

Trong vụ án Long được xác định là chủ mưu, chỉ đạo các bị can thực hiện hành vi. Các bị can còn lại với trò giúp sức.

Riêng Lâm Mỹ Phương có liên quan trong vụ án đã bỏ trốn đi nước ngoài. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hậu Giang đã ra quyết định truy nã bị can, đồng thời tách vụ án riêng để điều tra.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.