Dây chuyền sản xuất trà Ô Long của Pepsico |
Kết luận của Thanh tra Bộ Y tế ngày 16/11 vừa qua khẳng định nhãn của 51 sản phẩm đang lưu hành của Công ty TNHH nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam có nội dung phù hợp với nhãn đã công bố.
Ghi tên nhà máy sản xuất trên nhãn sản phẩm thế nào?
Nhiều người cho rằng doanh nghiệp này có biểu hiện vi phạm về nhãn hàng hóa vì họ chỉ ghi tên và địa chỉ của tổ chức chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm chứ không ghi đầy đủ cả tên hàng hóa, xuất xứ hàng hóa… theo quy định. Cụ thể, các sản phẩm của Suntory Pepsico đã không cung cấp thông tin về nhà máy sản xuất trên nhãn hàng hóa.
Trả lời Zing.vn về vấn đề này, Tổng giám đốc Suntory Pepsico Việt Nam Uday Shankar Sinha khẳng định doanh nghiệp đang làm đúng.
Không chỉ dẫn kết luận thanh tra, lãnh đạo Suntory Pepsico Việt Nam còn đính kèm thông tư hướng dẫn về việc ghi nhãn số 14 của Bộ Khoa học và Công nghệ (được ban hành từ năm 2007), Thông tư liên tịch số 34 của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương (được ban hành vào năm 2014) để “minh oan” cho mình.
Đơn vị này nhấn mạnh điểm g, khoản 3, mục II, theo đó, "đối với tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá có nhiều cơ sở sản xuất khác nhau, các hàng hoá mang cùng thương hiệu do các cơ sở này sản xuất, kinh doanh được phép ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá đó nếu được các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận chất lượng của hàng hoá này phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá do tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá đó công bố”.
Đây là cơ sở để Pepsico không đề tên nhà máy sản xuất trên nhãn sản phẩm. Đơn vị cũng cho biết họ cũng tuân thủ hướng dẫn bằng văn bản của Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế phúc đáp công văn của doanh nghiệp năm 2012.
4 doanh nghiệp gia công 12 sản phẩm
Theo báo cáo của Suntory Pepsico Việt Nam, doanh nghiệp này có 5 nhà máy sản xuất tại các địa phương: TP.HCM, Cần Thơ, Đồng Nai, Quảng Nam và Bắc Ninh. Các nhà máy đều đã được cấp Giấy chứng nhận hệ thống ATTP FSSSC 22000 và Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Các giấy chứng nhận ATTP này được cấp phép trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 7 năm nay.
Cụ thể, cơ sở Cần Thơ có Giấy chứng nhận đầu tiên, cấp ngày 25/2 nhưng chỉ để sản xuất kinh doanh nước uống đóng chai, thực phẩm chức năng và nước giải khát các loại, không dành cho thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng.
Ngày 12/4, hai cơ sở Đồng Nai và Quảng Nam được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP để sản xuất, kinh doanh thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng và thực phẩm (với Quảng Nam là thực phẩm bao gói sẵn).
Hai cơ sở TP.HCM và Bắc Ninh được Cục An toàn Thực phẩm cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP để sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng và nước giải khát các loại vào các ngày 17/5 và 21/7.
Hãng cũng thực hiện gia công 12 sản phẩm tại 4 doanh nghiệp, trong đó có công ty TNHH Nước giải khát Kirin Việt Nam và công ty TNHH Tribeco Bình Dương.
Tribeco Bình Dương được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngày 11/2/2015 còn công ty TNHH Nước giải khát Kirin Việt Nam mới được cấp giấy chứng nhận này vào ngày 3/10 năm nay.
Trước thời gian này, ngày 7/9 Bộ Y Tế công bố mở đợt thanh tra toàn diện Pepsico Việt Nam trong 45 ngày (từ 7/9 vừa qua). Thời kỳ thanh tra từ 1/1/2015 đến nay.
Theo Suntory Pepsico thì trước đó nhà máy của Kirin Việt Nam hoạt động trên cơ sở Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP để sản xuất, kinh doanh thực phẩm do Chi cục ATVSTP Bình Dương cấp.
Trao đổi với Zing.vn về việc này, ông Uday Shankar Sinha, Tổng giám đốc Pepsico Việt Nam dẫn lại văn bản của Chi cục ATVSTP Bình Dương và nhấn mạnh: “Theo kết luận của Thanh tra Bộ Y tế, các đơn vị trên đã được cấp đủ giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật Việt Nam”.
Nguồn gốc nguyên liệu trà Ô Long Tea+ Plus
Một vấn đề nóng khác là từng gây xôn xao dư luận liên quan đến sản phẩm của Pepsico là chất lượng một số nguyên liệu trà Ô Long Tea+ Plus.
Kết luận thanh tra cho rằng sau khi xem xét kỹ lưỡng các tài liệu liên quan, kiểm tra tại nhà máy, kiểm tra các mẫu, Chánh thanh tra Bộ Y tế Đặng Văn Chính kết luận nguyên liệu, phụ gia thực phẩm dùng cho sản xuất thực phẩm của công ty này “có nguồn gốc rõ ràng, có hóa đơn chứng từ đầy đủ và được kiểm nghiệm định kỳ. Tại thời điểm thanh tra không phát hiện trong kho có nguyên liệu, phụ gia thực phẩm nằm ngoài danh mục của Bộ Y tế hoặc hết hạn hoặc hỏng mốc”.
Theo báo cáo của Pepsico, đơn vị đang sử dụng 21 loại nguyên liệu và 57 loại phụ gia để sản xuất các sản phẩm trong đó về nguyên liệu doanh nghiệp tự nhập khẩu 15 loại từ nhiều quốc gia khác nhau, 6 loại mua trong nước. Về phụ gia, doanh nghiệp nhập khẩu 49 loại từ nhiều quốc gia, 8 loại mua trong nước.
Từ ngày 1/1/2015 đến ngày 31/8/2016, Pepsico đã mua nguyên liệu để sản xuất 53.632 đơn hàng, trong đó có 1.204 đơn hàng tự nhập khẩu hoặc mua lại từ các nhà cung cấp.
Công ty khẳng định với Thanh tra Bộ Y tế toàn bộ nguyên liệu, thực phẩm, phụ gia trên đều “có nguồn gốc, có hóa đơn chứng từ và được nhập khẩu khi hồ sơ công bố còn hiệu lực”.
Chánh thanh tra Bộ Y tế Đặng Văn Chính đã cho kiểm tra ngẫu nhiên 23 đơn hàng do công ty trực tiếp nhập khẩu và 27 đơn hàng do công ty mua của các nhà cung cấp trong nước và đưa ra kết luận toàn bộ 1.204 đơn hàng nhập khẩu/ mua lại “đạt yêu cầu”.
Dẫn kết luận thanh tra, trong văn bản trả lời Zing.vn ngày 28/11, ông Uday Shankar Sinha, Tổng giám đốc Pepsico Việt Nam khẳng định: “Trong đợt thanh tra vừa qua, Bộ Y tế đã lấy một số lượng lớn mẫu sản phẩm, nguyên liệu, phụ gia thực phẩm của công ty để kiểm nghiệm và 100% mẫu được kiểm nghiệm đều đạt chuẩn. Đây là minh chứng rõ nhất cho việc tuân thủ những quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm của công ty”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận