Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê đưa ra tại buổi họp báo Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I/2019 tổ chức sáng nay (29/3), tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2019 ước tính tăng 6,79% so với cùng kỳ năm trước. Tuy thấp hơn mức tăng trưởng của quý I/2018 nhưng mức tăng này cao hơn tăng trưởng quý I các năm 2011 - 2017.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,68% đóng góp 4,9% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,63%, đóng góp 51,2%; khu vực dịch vụ tăng 6,5% đóng góp 43,9%.
Động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong quý I là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 12,35%.
Trong khi, ngành khai khoáng trong ba tháng đầu năm tăng trưởng âm (giảm 2,2%) chủ yếu do khai thác dầu thô giảm 10,3%. Ngành xây dựng duy trì mức tăng trưởng khá với 6,68%, đóng góp 0,39% vào mức tăng chung của nền kinh tế.
Khu vực dịch vụ tăng 6,5%, trong đó đóng góp cao nhất là lĩnh vực bán buôn - bán lẻ; hoạt động tài chính - ngân hàng - bảo hiểm, dịch vụ lưu trú và ăn uống; vận tải, kho bãi….
Trên góc độ sử dụng GDP trong quý I, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,09% so với cùng kỳ năm 2018. Tích lũy tài sản tăng 6,2%, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 6,81%, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 8,7%.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, nền kinh tế quý I 2019 đạt mức tăng trưởng khá, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát thấp nhất trong 3 năm 2017 - 2019. Cán cân thương mại hàng hoá duy trì xuất siêu, thu hút khách quốc tế và đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khá. Thị trường trong nước nhìn chung ổn định, cung cầu hàng hoá được bảo đảm. Các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện và đạt kết quả nhất định, tỉ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm có xu hướng giảm dần.
Tuy nhiên, theo vị Tổng cục trưởng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, nền kinh tế nước ta vẫn còn không ít khó khăn, thách thức mới như tốc độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công còn thấp; công nghiệp chế biến, chế tạo có tốc độ tăng trưởng cao nhưng khó duy trì tốc độ tăng như cùng kỳ năm trước trong những quý tiếp theo; thời tiết, hạn hán, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân; lạm phát có nguy cơ tăng do ảnh hưởng của giá xăng dầu, lương thực, thực phẩm…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận