Top 3 lợi nhuận, duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng
Để đạt được sự tăng trưởng này, MB đã thực hiện nhiều chiến lược dài hơi từ nhiều năm qua, trong đó có việc đầu tư lớn cho công nghệ. Đồng thời, số hóa nền tảng giao dịch. MB luôn bám sát định hướng chiến lược 2022-2026, linh hoạt xây dựng và triển khai các mô hình kinh doanh mới, góp phần hoàn thành kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thông qua.
Tổng tài sản tập đoàn đạt gần 945.000 tỷ đồng, tăng 29,7% so với năm 2022. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt hơn 26.306 tỷ đồng, tăng trưởng 15,7% so với năm 2022, góp mặt trong Top 3 lợi nhuận toàn ngành. Riêng ngân hàng, lợi nhuận đạt 24.688 tỷ đồng, tăng 21,5% so năm ngoái, cho thấy đà tăng trưởng ổn định trong hoạt động kinh doanh của MB.
Năm 2023, MB đã tận dụng tối đa được room tín dụng NHNN phê duyệt, tăng trưởng tín dụng của riêng Ngân hàng tăng 28,2%. Trong đó, dư nợ cho nhóm ngành ưu tiên theo định hướng của Chính phủ chiếm 65%. MB đã thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất 7 lần trong năm 2023 với mức giảm từ 2% - 4% để hỗ trợ khách hàng tiếp cận vốn vay, đồng hành tháo gỡ khó khăn và phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nhờ nền tảng công nghệ thông tin được đầu tư tiêu chuẩn cùng chiến lược hấp dẫn khách hàng trên hệ sinh thái số đa dạng, MB duy trì đà tăng trưởng khách hàng bền vững, tổng số khách hàng MB phục vụ đến 31/12/2023 đạt 26,5 triệu. Năm 2023 là năm thứ 3 liên tiếp MB thu hút được hơn 6 triệu khách hàng mới (năm 2021 là 6,2 triệu; năm 2022 là 6,9 triệu khách hàng mới và năm 2023 là 6,3 triệu khách hàng mới). Quy mô giao dịch trên kênh số vượt mốc 10 triệu tỷ đồng, với số lượng giao dịch không tiền mặt đạt 3.6 tỷ giao dịch, tăng 1.5 lần so với năm 2022. Quy mô giao dịch chuyển tiền của MB qua NAPAS đứng đầu hệ thống trong 3 năm liên tiếp (2021 – 2023).
Với kết quả kinh doanh năm 2023 tốt, MB đã đệ trình và được Đại hội đồng cổ đông MB thông qua mức chia cổ tức cho năm 2023 là 20%, gồm 5% tiền mặt.
Tổng tài sản sớm cán mốc 1 triệu tỷ đồng
Chia sẻ về mục tiêu kinh doanh năm 2024, lãnh đạo MB cho biết ngân hàng tiếp tục bám sát phương châm "Tăng tốc số - Hấp dẫn khách hàng – Hiệp lực tập đoàn – An toàn bền vững", củng cố chất lượng các mặt hoạt động, nguồn lực nền tảng cho dài hạn, cùng mục tiêu top 3 các chỉ số về hiệu quả và an toàn. Cùng với đó, MB đặt mục tiêu chinh phục 30 triệu khách hàng trước thềm kỷ niệm 30 năm ngày thành lập (04/11/1994 – 04/11/2024).
Về chỉ tiêu tổng tài sản, ngân hàng đặt mục tiêu tăng 13%, tức đạt gần 1,068 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2024, trở thành ngân hàng tiếp theo vượt qua cột mốc 1 triệu tỷ sau nhóm Big 4. Bên cạnh đó, MB phấn đấu đạt tối thiểu 30% doanh thu từ kênh số, hướng đến 50% doanh thu trên kênh số vào năm 2026. Đồng thời, nhà băng sẽ tích hợp ESG trong triển khai các mục tiêu dài hạn của tập đoàn, hướng tới phát triển bền vững theo chiến lược.
Trong năm 2024, Ban lãnh đạo MB dự kiến tăng vốn điều lệ thêm hơn 8.579 tỷ đồng. Theo đó, ngoài việc tăng vốn thêm 7.959 tỷ đồng thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu, MB tiếp tục kế hoạch phát hành riêng lẻ thêm 62 triệu cổ phiếu, tương đương mức tăng vốn điều lệ là 620 tỷ đồng. Thời gian thực hiện là từ năm 2024 đến quý II/2025. Trước đó, MB đã hoàn tất phát hành riêng lẻ 73 triệu cổ phiếu cho hai cổ đông là SCIC và Viettel. Sau khi hoàn thành hai kế hoạch tăng vốn trên, vốn điều lệ của MB dự kiến sẽ tăng lên 61.643 tỷ đồng.
Đến nay, tổng nhân sự hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin của MB chiếm tỉ trọng 10% tổng nhân sự của ngân hàng (tương đương hơn 2000 người) với mô hình hoạt động tương tự như một công ty công nghệ.
Về các dự án tự động hóa, MB tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng AI, Machine Learning, Deep Learning trong hoạt động chăm sóc khách hàng và vận hành nội bộ. MB còn ứng dụng mạnh mẽ các mô hình và phân tích dữ liệu vào việc thiết kế chính sách, đồng hành, thúc đẩy kinh doanh và nhận diện sớm rủi ro. So với năm 2022, số lượng dự án tự động hóa các hoạt động trong năm 2023 đã tăng gấp 1,5 lần.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận