Hồ sơ tài liệu

Tổng thống Macron cao tay khi mời ông Trump thăm Pháp?

13/07/2017, 10:54
image

Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt chân tới Thủ đô Paris và có cuộc gặp đáng chú ý với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay với Tổng thống

Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Brussels hôm 25/5 vừa qua

 Mở lời mời dù khác biệt về quan điểm

Giới chức Pháp và Mỹ cho rằng, chuyến thăm Paris của ông Trump là cơ hội để hai lãnh đạo tập trung vào các vấn đề mà họ có chung mối quan tâm như giải quyết xung đột tại Syria và chiến đấu chống chủ nghĩa khủng bố toàn cầu.

Ngoài ra, hai lãnh đạo có lẽ sẽ né tránh những vấn đề gai góc, bất đồng như biến đổi khí hậu mà hai ông vừa tranh cãi gay gắt tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 cách đây vài ngày.

Tại đây, Mỹ gần như bị cô lập khi ông Trump trước đó quyết định rút khỏi thỏa thuận quốc tế về chống biến đổi khí hậu đã đạt được tại Paris vào năm 2015. Còn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lại muốn Mỹ mềm giọng về chính sách khí hậu toàn cầu. 

“Họ gần như đưa ra những thông điệp trái ngược hoàn toàn: Nếu ông Trump bảo vệ quan điểm “nước Mỹ là trên hết” thì ông Emmanuel Macron theo chủ nghĩa toàn cầu hóa… Điều này sẽ tạo ra sự trái ngược rõ ràng khi hai người đàn ông này gặp nhau tại Pháp”, Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Âu và lục địa Á - Âu tại Đại học Hopkins, ông Erik Jones cho biết.

Ngoài ra, tuy hai ông đều được nhận định là “làn gió mới” của chính trường Mỹ, Pháp nhưng hai lãnh đạo này chọn con đường khác nhau để đến với vị trí Tổng thống. Ông Macron không đi lên từ một trong các chính đảng của Pháp mà thành lập một phong trào chính trị riêng và thực hiện chính sách ủng hộ doanh nghiệp, ủng hộ châu Âu, đối lập với ứng viên Marine Le Pen.

Ông Macron có lẽ khó thể quên được ông Trump, người từng công khai ủng hộ đối thủ Marine Le Pen, đặc biệt ca ngợi lập trường cứng rắn của bà Le Pen trong một số vấn đề như nhập cư. 

Một vấn đề khác nữa có thể nói đến là việc lãnh đạo Pháp có quan điểm bất đồng với chính sách của Nga tại Syria, cho rằng, Nga đã thêu dệt nhiều thông tin trong thời điểm nước rút của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp. Còn ông Donald Trump lại có quan điểm khá cởi mở với Nga và đang là tâm điểm hoài nghi của dư luận rằng, ông thông đồng với Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.

“Nước cờ thông minh”

Dù giữa hai người có những quan điểm khác biệt sâu sắc nhưng ông Emmanuel Macron vẫn mở lời mời Tổng thống Mỹ tới thăm Paris nhân dịp Quốc khánh Pháp (Bastille Day) và ông Trump đã nhận lời.

Dù các đối thủ chính trị trong nước còn nhiều chỉ trích, ông Macron hy vọng việc mở cửa các kênh liên lạc với Washington sẽ tạo cơ hội để bàn bạc với ông Trump về các vấn đề đáng chú ý như thỏa thuận biến đổi khí hậu và khủng hoảng Syria, đồng thời, khẳng định vai trò của Pháp trên trường quốc tế. 

“Tôi nghĩ đây là nước cờ thông minh từ ông Macron”, ông Fabrice Pothier, chuyên gia châu Âu và nghiên cứu sinh cấp cao tại Hội đồng Atlantic nhận định.

“Ông Macron muốn thể hiện rằng, mối quan hệ Pháp - Mỹ, đặc biệt là các vấn đề lớn như quân sự và an ninh, rất quan trọng”, tờ Los Angeles Times dẫn lời ông Fabrice Pothier cho biết. 

Xem thêm video:

Nhiều nhà phân tích cho rằng, chuyến thăm Pháp lần này của ông Trump có thể là một trong những nỗ lực để kéo quan hệ Pháp - Mỹ khăng khít trở lại, ít nhất là tiếp diễn các cuộc đàm phán, “tránh để ông Trump bị cô lập trên trường quốc tế”.

Qua đó, Pháp và Mỹ có thể đàm phán về các vấn đề quan trọng bao gồm các giá trị mà Pháp đại diện và vai trò của các tổ chức quốc tế”, ông Alexandra de Hoop Scheffer, người đứng đầu văn phòng Quỹ German Marshall Fund tại Paris nhận xét. 

Mặt khác, dù còn tồn tại nhiều khác biệt nhưng vị lãnh đạo 39 tuổi của Pháp và vị lãnh đạo 71 tuổi của Mỹ cũng có quan điểm khá chung về vấn đề Syria. Ông Macron cũng ủng hộ chính sách can thiệp, chống lại chính quyền Tổng thống Assad vì cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học trong khi chính quyền Tổng thống Trump đang tìm cách để tăng cường áp lực lên Damascus. Song trước hết, để đi đến đồng thuận về vấn đề này, hai bên cần khớp với nhau về sự ủng hộ của Nga đối với chính quyền Tổng thống Syria Assad.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.