Điển hình như sự việc người biểu tình bạo loạn ngoài Nhà Trắng vừa qua. Vậy, việc Tổng thống đi sơ tán chỉ vì biểu tình có là bất thường và bên trong những hầm bí ẩn dành cho cấp tổng thống có những gì?
Trường hợp Tổng thống phải sơ tán khẩn cấp
Theo nhiều tờ báo, khi người biểu tình vì quyền của người da màu giận dữ tiến đến Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã được đưa tới hầm trú ẩn bên dưới toà Bạch Ốc, được biết đến với tên gọi là Trung tâm Vận hành Khẩn cấp của Tổng thống (PEOC) để đề phòng nguy cơ bị tấn công.
Hiện tại, Nhà Trắng chưa bình luận chính thức về thông tin ông Trump phải xuống hầm PEOC nên chưa có thông tin xác thực về việc có diễn biến này hay không và nếu có thì tại sao.
Từ trước đến nay, trừ những nguy cơ khủng khiếp như chiến tranh hạt nhân hoặc một vụ tấn công vào lãnh thổ Mỹ, có rất ít thông tin cụ thể về những sự kiện mà người đứng đầu nước Mỹ cần phải sơ tán.
Tất cả được đánh giá dựa trên mức độ nguy hiểm với Tổng thống và người đứng đầu Nhà Trắng hoàn toàn có quyền lựa chọn có đi sơ tán hay không.
Trong cuốn sách “Raven Rock” của nhà báo Garrett Graff, chuyên nghiên cứu về các kế hoạch bất ngờ của chính phủ Mỹ nếu xảy ra chiến tranh hạt nhân, ông chỉ ra, Tổng thống Mỹ Harry Truman từng từ chối thực hiện quy trình sơ tán bất chấp có thông tin tình báo cho thấy có mối đe dọa trực tiếp nhằm vào mình. Ông Truman nhất quyết làm việc tại Phòng Bầu dục và sau này, những mối đe dọa đó đã được chứng minh là giả.
Một câu chuyện tương tự cũng đã xảy ra dưới thời Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, theo nhà báo Graff, trong cuốn nhật ký cá nhân, Tổng thống đã viết lại những kế hoạch bất ngờ ông phải qua sau cuộc tập trận năm 1977 cho thấy, ông đã định ở lại Nhà Trắng để “điều hành các vấn đề chính phủ” dù mật vụ đã kích hoạt một quy trình bảo đảm an toàn khẩn cấp.
Ngoài những trường hợp có kịch bản hạt nhân, còn một lý do phổ biến khác mà Tổng thống Mỹ phải lựa chọn đi sơ tán đó là khi bị tấn công khủng bố quy mô lớn hoặc đe dọa khủng bố.
Tổng thống Mỹ George W. Bush đã phải sơ tán khỏi một sự kiện tại trường học ở Florida ngay sau khi cuộc tấn công khủng bố nhằm vào Trung tâm Thương mại Thế giới xảy ra ngày 11/9, ngay thời điểm một trong những chiếc máy bay bị khủng bố Al-Qaeda khống chế và được cho là tiến về phía Washington, nhắm tới mục tiêu Nhà Trắng.
Tờ Sputniks dẫn một số thông tin từ năm 2012 chỉ ra, giới chức Nhà Trắng thường xuyên thực hiện tập rượt các quy trình sơ tán trong trường hợp xảy ra sự kiện khẩn cấp, theo tần suất vài lần/năm. Hiện chưa rõ thông tin ông Trump phải chuyển xuống PEOC là tập rượt hay là thực hiện vì mối đe dọa thực sự.
Những cơ sở Tổng thống Mỹ có thể trú ẩn
Trong trường hợp Tổng thống Mỹ gặp nguy hiểm, ông có một số lựa chọn: Thứ nhất, ở ngay tại Nhà Trắng. Người đứng đầu nước Mỹ sẽ di chuyển xuống phòng PEOC như đã nhắc tới ở trên. Đây là boongke kiên cố, đủ sức chứa toàn bộ quan chức cấp cao chính phủ Mỹ đồng thời vẫn duy trì liên lạc với thế giới bên ngoài.
Boongke này dự trữ đủ lương thực và nước để sinh tồn trong thời gian dài, thậm chí từ đây có thể di chuyển tới bất cứ nơi nào trong Nhà Trắng qua hệ thống đường hầm.
Nếu Nhà Trắng không còn là nơi an toàn nữa hoặc đơn giản là Tổng thống không có mặt ở đó, người đứng đầu nước Mỹ sẽ được hộ tống tới Trung tâm Vận hành Hàng không Quốc gia E-4B theo con đường ngắn nhất có thể. Đây là một chiếc máy bay Boeing E-4 Nightwatch có thể chịu được phóng xạ, có thể ở trên không trong nhiều ngày, cho phép lãnh đạo Mỹ duy trì hoạt động bất cứ lúc nào.
Số lượng pháo đài bay như Boeing E-4 Nightwatch tại Mỹ rất hạn chế và thường không dùng để di chuyển theo ngày để đảm bảo luôn có sẵn để huy động trong trường hợp khẩn.
Khi E-4 quá xa, Tổng thống có thể lên Chuyên cơ Không lực 1 để ẩn náu và điều hành đất nước. Đây là tình huống mà Tổng thống Mỹ George Bush từng trải qua vào ngày 11/9/2001.
Sau khi lên chuyên cơ, Tổng thống sẽ được đưa tới nơi có chiếc E-4 gần nhất hoặc đáp xuống một địa điểm an toàn trên mặt đất được gọi là “Cơ sở Khẩn cấp cho Tổng thống” (PEF).
Tờ Sputniks cho biết, số lượng và vị trí các PEF là điều tuyệt mật nhưng theo một số ước tính, có từ 9 - 75 cơ sở PEF tại Mỹ cho phép lãnh đạo Mỹ cùng chức sắc quân đội nước này hoạt động, vận hành đất nước bất kể các điều kiện khắc nghiệt và nguy hiểm nhất như chiến tranh hạt nhân.
Theo nghiên cứu của ông Bill Gulley, cựu quân nhân Hải quân làm việc trong Phòng Quân sự Nhà Trắng, PEF luôn được duy trì và vận hành hàng ngày. Một quân nhân khác từng tới một trong trong những PEF, ông Alex R. Larzelere cho biết, có một boongke cực lớn nằm dưới lòng đất, ở trong rừng mà nhìn qua người ta tưởng đó chỉ là một túp lều bỏ hoang.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận