Theo hãng tin RT, tại cuộc họp, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng nên mở rộng danh sách các mối đe dọa trong đó, đưa thêm mối đe dọa nếu có thông tin đáng tin cậy về một cuộc không kích quy mô lớn nhằm vào Nga.
Danh sách này sẽ được lấy làm cơ sở để Nga cân nhắc việc sử dụng khả năng răn đe hạt nhân.
"Những hành động tân công nước Nga đến từ các quốc gia phi hạt nhân được cường quốc hạt nhân hỗ trợ, đều bị coi như một hành động tấn công chung", ông Putin tuyên bố.
Moscow cũng sẽ cân nhắc khả năng đáp trả bằng hạt nhân nếu nhận được thông tin đáng tin cậy cho thấy sẽ có một vụ tấn công bằng tên lửa hoặc không kích quy mô lớn từ một quốc gia khác nhằm vào Nga hoặc đồng minh thân cận nhất của Nga là Belarus.
Vũ khí mà kẻ thù sử dụng để thực hiện vụ tấn công nhằm vào Nga hoặc Belarus có thể là tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, máy bay tấn công chiến lược hoặc máy bay không người lái, ông Putin nêu rõ.
"Chúng tôi bảo lưu quyền được sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp Nga và Belarus bị tấn công", ông Putin tuyên bố và khẳng định nguyên tắc này đã được Nga thống nhất với Belarus. Theo đó vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng nếu kẻ thủ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền của một trong hai quốc gia thông qua việc sử dụng các loại vũ khí truyền thống.
Dù Tổng thống Nga Putin không tiết lộ thời điểm học thuyết hạt nhân của Nga có hiệu lực nhưng các quan chức cấp cao của Nga bao gồm Thứ trưởng Ngoại giao Sergey Ryabkov và người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã đề cập đến khả năng thay đổi học thuyết hạt nhân từ vài tháng qua.
Mới đây nhất hồi cuối tháng 8, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tiết lộ văn bản này đang trong quá trình phê duyệt.
Dẫu vậy, Tổng thống Nga Putin giữ quan điểm thận trọng trong vấn đề sử dụng vũ khí hạt nhân. Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế ở St Petersburg hồi tháng 6, ông Putin từng bày tỏ hy vọng sẽ không bao giờ xảy ra xung đột hạt nhân giữa Moscow và phương Tây.
Một tháng sau, ông Putin nhắc lại quan điểm rằng Nga không cần thiết phải tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân bởi kẻ thù chắc chắn sẽ bị tiêu diệt trong một cuộc tấn công đáp trả. Dù vậy, tại thời điểm đó ông cũng không loại bỏ khả năng sẽ thay đổi học thuyết hạt nhân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận