Chuyên cơ của Tổng thống Mỹ Obama hạ cánh xuống CHK quốc tế Nội Bài lúc 21h31 ngày 22/5. Ảnh: Khánh Linh |
Chuyến thăm chính thức Việt Nam từ 23-25/5 của Tổng thống Obama được dư luận hai nước và quốc tế hết sức quan tâm. Hiếm khi một Tổng thống Mỹ dành tới 3 ngày thăm một quốc gia. Điều này chứng tỏ Mỹ đang rất quan tâm đến việc mở rộng các mối quan hệ với Việt Nam.
Chiến lược “xoay trục”
Trợ lý Cố vấn An ninh Quốc gia Ben Rhodes cho hay: “Chuyến thăm Việt Nam của ông Obama tiếp tục chứng tỏ và nâng cao trọng điểm trong chính sách "xoay trục" của ông Obama với châu Á - Thái Bình Dương. Đồng thời, chuyến đi cho thấy mối quan hệ hợp tác đang ngày càng tốt đẹp giữa Mỹ với Việt Nam, kể từ khi bắt đầu tiến trình bình thường hóa quan hệ, nâng mối quan hệ lên một tầm cao mới”.
Trả lời Báo Giao thông, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an nhận định: “Chiến lược "xoay trục" của Mỹ sẽ kéo dài nhiều thập niên, qua nhiều đời Tổng thống Mỹ chứ không phải chỉ riêng dưới thời ông Obama. Dù người nào ngồi vào chiếc ghế Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới đi chăng nữa (ông Donald Trump hay bà Hillary Clinton…), thì chỉ có thể thay đổi tốc độ “xoay trục” sang châu Á - Thái Bình Dương mà thôi, chứ không một Tổng thống Mỹ nào dám từ bỏ chiến lược “xoay trục” cả.
“Trong cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11 tới, nếu người của Đảng Cộng hòa thắng, thì có lẽ tốc độ và phương thức tiến hành “xoay trục” của Mỹ sẽ nhanh hơn, quyết liệt hơn. Ngược lại, nếu người của Đảng Dân chủ làm chủ Nhà Trắng - kế nhiệm ông Obama thì phương thức và tốc độ “xoay trục” có thể nhẹ nhàng, mềm mỏng hơn”, ông Cương nói.
Đôi bên cùng có lợi
Chuyến thăm diễn ra 16 năm sau khi cựu Tổng thống Bill Clinton thăm và đặt quan hệ bình thường hóa với Việt Nam, đồng thời là sự kiện tiếp nối chỉ hơn 3 tháng sau khi Mỹ, Việt Nam và 10 quốc gia khác tham gia ký kết TPP. Trong đó, chỉ số kinh tế tăng trưởng của Việt Nam là 6,68% trong năm 2015, cao nhất kể từ năm 2008. Việt Nam đang tìm cách gia tăng thương mại với Mỹ thông qua TPP để thúc đẩy xuất khẩu, giảm bớt sự phụ thuộc vào nền kinh tế khổng lồ Trung Quốc. Hiện, Mỹ là quốc gia đứng thứ 7 trong danh sách các nước đầu tư vào Việt Nam.
Meredith Miller - cựu quan chức Văn phòng Bộ Ngoại giao Mỹ nói: “Khi nhìn vào khu vực Đông Nam Á chúng ta thấy những mối quan hệ phát triển tiềm năng nhất và Việt Nam dẫn đầu danh sách đó”. Trong khi đó, Aaron Connelly - một chuyên gia nghiên cứu ở Viện Chính sách Quốc tế, Sydney cho rằng: “Mỹ luôn coi Việt Nam là một đối tác đầy tiềm năng”.
Những hoạt động của ông Obama tại Việt Nam Theo lịch trình, sáng nay (23/5), sau lễ đón tại Phủ Chủ tịch, Tổng thống Obama và Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ có cuộc hội đàm và họp báo. Cùng ngày, ông Obama có cuộc gặp Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chào xã giao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Ngày 24/5, ông Obama phát biểu tại Trung tâm hội nghị Quốc gia Mỹ Đình. 15h chiều cùng ngày tại TP HCM, ông Obama dự kiến thăm chùa Ngọc Hoàng nhằm bày tỏ lòng ngưỡng mộ và thành kính với văn hóa Việt Nam; Ngày 25/5 gặp đại diện Sáng kiến Lãnh đạo trẻ Đông Nam Á và tiếp xúc, thảo luận với các doanh nhân. |
Về việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam - vốn được dư luận trong nước và truyền thông quốc tế quan tâm trong chuyến đi của ông Obama tới Việt Nam, ông Ben Rhodes, cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng cho biết: “Hiện, quyết định liên quan tới vấn đề này đang được xem xét. Chúng tôi hi vọng nó sẽ là một chủ đề trong hội đàm song phương”. Giới phân tích cho rằng, việc Washington dỡ bỏ vũ khí sát thương (nếu xảy ra) không nhằm bán vũ khí, nó chỉ là một tín hiệu tích cực cho thấy hai nước đang ngày càng xích lại gần nhau, biểu tượng hoàn toàn cho sự bình thường hóa quan hệ song phương.
Trước đó, Thượng Nghị sỹ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ khẳng định, chuyến thăm thể hiện một bước tiến tích cực nữa trong quan hệ giữa hai nước. Việt Nam ngày nay đang nổi lên như “một đối tác quan trọng” của Mỹ tại khu vực, cam kết bảo đảm các nguyên tắc của trật tự châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có tự do hàng hải, tự do thương mại và giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế.
Ông McCain cho rằng, để đảm bảo cho Việt Nam đóng một vai trò quan trọng hơn nữa trong việc duy trì an ninh và ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ cần tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong việc chia sẻ thông tin, nâng cao năng lực phản ứng trên biển Đông, mở rộng hợp tác hải quân giữa hai nước và đã đến lúc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, một tàn dư của quá khứ đang gây cản trở cho quan hệ. “Chúng ta không thể yêu cầu đối tác đóng góp nhiều hơn trong khi vẫn thực hiện các biện pháp trực tiếp hạn chế khả năng đóng góp của họ”, ông McCain khẳng định.
Thiếu tướng Lê Văn Cương cũng khẳng định, đây chỉ là một trong những nội dung thảo luận trong chuyến thăm lần này của ông Obama mà thôi. “Thông điệp quan trọng nhất mà Mỹ muốn truyền tải thông qua chuyến thăm chính thức lần này là Mỹ vẫn hiện diện và kiên quyết thực hiện chiến lược “xoay trục” ở châu Á - Thái Bình Dương.
Trung Quốc nói gì về chuyến thăm? Khi được hỏi về phản ứng của Trung Quốc trước chuyến thăm của ông Obama tới Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi cho biết: “Trung Quốc hy vọng mối quan hệ Việt Nam - Mỹ mang tính xây dựng, đóng góp vào an ninh, hòa bình, ổn định trong khu vực” và “vui mừng chứng kiến Việt Nam phát triển quan hệ bình thường hóa với Mỹ”.Ngoài ra, tờ Thời báo Hoàn Cầu nhận định, chuyến thăm của ông Obama sẽ giúp thúc đẩy mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam - Mỹ. Đây là sự phát triển quan hệ bình thường phù hợp xu hướng kinh tế định hướng xuất khẩu tại khu vực Đông Nam Á. Phát triển mối quan hệ với Mỹ có thể giúp Việt Nam thúc đẩy hơn nữa các lợi ích quốc gia và mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp nội địa trong một loạt các lĩnh vực như: Dệt may, giày dép và điện tử. Tờ The Wall Street Journal lưu ý, hiếm khi một Tổng thống Mỹ dành tới 3 ngày để thăm một quốc gia. Điều này chứng tỏ Washington đang rất quan tâm đến việc mở rộng các mối quan hệ với Hà Nội. Bài viết dẫn nhận định của GS. Jonathan London - chuyên gia về Việt Nam rằng, chuyến thăm là bước cuối cùng của tiến trình hòa giải kéo dài hàng thập niên giữa hai nước. Trang Trần |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận